Một trong những nội dung quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) là Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.
Việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới là nội dung rất quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đảm bảo đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế, phù hợp với tiến trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo và trong điều kiện bản thân Đảng và hệ thống chính trị đang tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, khắc phục tình trạng suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đâu là những kết quả nổi bật đạt được sau 15 năm tiến hành đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Thực tiễn hiện nay đặt ra những yêu cầu mới nào? Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Lê Quốc Lý - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về nội dung này.
PV: Nhìn lại những thành tựu của hơn 35 năm đổi mới của nước ta, theo ông, phương thức lãnh đạo của Đảng có vai trò quan trọng như thế nào trong tiến trình đổi mới này, đặc biệt là việc nâng cao năng lực lãnh đạo và năng lực cầm quyền, đảm bảo vai trò và sự lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và toàn xã hội?
Ông Lê Quốc Lý: Phương thức lãnh đạo của Đảng là một vấn đề rất quan trọng mang tính quyết định đến sự thành bại của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nhìn lại quá trình 35 năm đổi mới vừa qua, phải khẳng định rằng, những gì chúng ta đạt được là to lớn, có ý nghĩa lịch sử .
Đầu tiên, Đảng đã sáng suốt đưa ra cương lĩnh, đường lối, chiến lược phát triển đất nước đúng đắn, chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường và cho chúng ta kết quả mỹ mãn.
Thứ hai, trong chừng ấy năm, Đảng ta mạnh lên về số lượng và chất lượng cũng được cải thiện rất nhiều, sức chiến đấu của Đảng cũng tốt hơn.
Thứ ba, do đời sống kinh tế được phát triển, Việt Nam đã thành công trong xóa đói giảm nghèo và nhân dân được thụ hưởng thành quả này. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam hôm nay chỉ dưới 3 %, nhân dân rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; tiềm lực kinh tế, tiềm lực quốc phòng, an ninh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế lớn hơn hẳn. Việt Nam bây giờ không còn là nước nhỏ nữa, kinh tế của chúng ta nếu theo dự báo IMF về quy mô GDP danh nghĩa năm 2022, Việt Nam đạt 409 tỷ USD, đứng thứ 39 trên 200 nước toàn thế giới.
Thành công nữa trong xu thế đổi mới là Việt Nam đang từng bước sánh vai với các nước trên thế giới, đang từng bước khẳng định mình và thế giới ngày càng coi trọng chúng ta. Trong rất nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, ASEAN…nhiều nhiệm kỳ, chúng ta là Chủ tịch điều hành, từ đó vị thế của Việt Nam ngày càng thể hiện rõ nét. Như vậy, có thể khẳng định, phương thức lãnh đạo của Đảng cho chúng ta một kết quả rất mỹ mãn, rất đáng tự hào.
PV: Từ quá trình nghiên cứu lý luận cũng như quan sát từ thực tiễn, ông đánh giá như thế nào về kết quả sau 15 năm chúng ta thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo Nghị quyết 15 Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa X?
Ông Lê Quốc Lý: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong những năm vừa qua đã được tiến hành liên tục, có rất nhiều đổi mới và đạt được những kết quả rất khả quan. Một trong những kết quả khả quan vừa qua đó là Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dứt khoát chống tham nhũng, không dung thứ bất cứ ai dù giữ cương vị nào.
Thực tiễn đã chứng minh, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị mắc vi phạm cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xét xử trước tòa. Phải khẳng định rằng, các phương thức lãnh đạo của Đảng đang phát huy giá trị và vai trò của nó.
Đại hội XIII của Đảng đã nêu phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Đảng, tức là gắn phương thức lãnh đạo với phương thức cầm quyền thông qua các hệ thống như cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chiến lược của Đảng bằng pháp luật; Đảng lãnh đạo các cơ quan công quyền, cán bộ, công chức, viên chức và cả xã hội bằng pháp luật.
Bên cạnh đó, Đảng đã thực hiện tốt phương pháp tuyên truyền, vận động không chỉ đối với đảng viên mà thông qua đảng viên, tổ chức đảng để thuyết phục, vận động toàn dân. Tiếp nữa, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cũng thể hiện ở công tác cán bộ. Khi Đảng cử đảng viên có năng lực, phẩm chất, có hoài bão tham gia quản lý các bộ máy của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp thì thực tế cho thấy, các bộ máy đang hoạt động rất tốt.
Về kiểm tra, giám sát, thông qua phương thức này chúng ta đã phát hiện rất nhiều vụ việc, vụ án như vụ Việt Á, vụ chuyến bay giải cứu… qua đó, Đảng ta đang rất nghiêm trị.
Về giải pháp lãnh đạo cầm quyền, trước tiên đảng viên là những người tiên phong thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp, gương mẫu, có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó là những thành công chúng ta phải ghi nhận và phải làm rõ hơn để nhân rộng, phát triển những mặt tích cực.
PV: Mặc dù việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị đã đạt được nhiều kết quả, nhiều thành tựu có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng theo ông còn những vấn đề gì đang đặt ra trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị ?
Ông Lê Quốc Lý: Rà soát theo 5 phương thức, nói về cương lĩnh, chiến lược và các nghị quyết cho thấy Đảng ta đã đổi mới không ngừng. Song thời đại đã thay đổi, các điều kiện trong nước và quốc tế cũng đã thay đổi, chính vì lẽ đó cũng đặt ra một vấn đề đó là cương lĩnh, chiến lược và các nghị quyết, văn bản của Đảng cũng phải theo kịp với hơi thở cuộc sống trong nước và quốc tế.
Bên cạnh việc kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, chúng ta cần tiếp thu, học hỏi những tinh hoa trí tuệ nhân loại, những thành tựu mà nhân loại làm được để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn phát triển Việt Nam. Nếu chúng ta không làm kịp thì sẽ trở thành lạc hậu.
Về vấn đề tuyên truyền, vận động, thuyết phục mặc dù đã có nhiều kết quả, tuy nhiên, hiệu quả vẫn cần phải bàn.
Về công tác cán bộ, chúng ta cũng đã tổ chức hoàn thiện bộ máy trong cơ quan công quyền rất tốt, giảm biên chế, sáp nhập một số nơi, tuy nhiên bộ máy vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo cần phải cải cách mạnh hơn nữa, dứt khoát hơn nữa.
Về cán bộ, mặc dù đã đề bạt, tiến cử nhiều cán bộ có năng lực, phẩm chất và đã có những đóng góp thiết thực xây dựng hệ thống chính trị, hệ thống kinh tế, tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều kẽ hở, vẫn để lọt những người có khuyết điểm, tham nhũng, tha hóa. Rõ ràng, vừa Đại hội xong, tình trạng này đã xuất hiện, cho thấy công tác kiểm tra, giám sát, công tác bảo vệ chính trị nội bộ chưa chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch, công tác tiến cử, quy hoạch còn nhiều việc phải bàn.
Về kiểm tra, giám sát, cần phải trở lại câu chuyện kỷ luật "sắt" của Đảng. Tất cả đảng viên phải thực hiện nghiêm theo cương lĩnh, chiến lược, các nghị quyết của Đảng, luật pháp của Nhà nước. Nếu ai có vi phạm nhỏ cũng phải xem xét kỷ luật. Đồng thời phải có kiểm tra, giám sát lẫn nhau thì mới tốt lên được. Quyền lực là thống nhất do Đảng lãnh đạo nhưng với các cơ quan thực thi quyền lực của Đảng cần được phân định rõ ràng và có quyền kiểm tra, giám sát lẫn nhau để phấn đấu tốt hơn, trong sạch hơn.
Đặc biệt, đối với công tác cán bộ, cần phải lấy thước đo hiệu quả công việc là chính, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên ở bất cứ cương vị nào phải thực hiện đúng vị trí được giao, đem lại hiệu quả thiết thực. Bởi khi kẻ không có tài, gian dối đứng vào hàng ngũ thì sẽ làm tha hóa đội ngũ, làm yếu sức chiến đấu của Đảng, dẫn đến mất uy tín đối với nhân dân.
PV: Thực tế trên đặt ra những yêu cầu nào trong vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Lê Quốc Lý: Đổi mới đầu tiên phải đặt ra là nói đi đôi với làm. Nếu tổ chức, cơ quan, cá nhân mà nói không đi đôi với làm thì nên kỷ luật, có hình thức sàng lọc.
Chúng ta phải dứt khoát đấu tranh với "lợi ích nhóm" và muốn tránh được "lợi ích nhóm" thì phải quyết liệt, dứt khoát trong công tác cán bộ. Đó là luân chuyển cán bộ ra khỏi những mối quan hệ thân thích, quan hệ địa phương và các lợi ích.
Tiếp nữa, phải đánh giá kết quả của cán bộ và đặt dưới sự giám sát của nhân dân; minh bạch hóa tài sản của cán bộ, công chức.
Chúng ta đòi hỏi mỗi cá nhân nêu cao tinh thần chí công vô tư thì cũng phải thay đổi chế độ tiền lương, tiền thưởng. Ai có công thì được thưởng, ai có tội thì phải kỷ luật. Đặc biệt, cán bộ được giao quản lý thì phải thực hiện cho hiệu quả. Ví dụ một Tổng giám đốc, Chủ tịch tập đoàn, công ty Nhà nước không cho phép thua lỗ triền miên mà chỉ có thể lỗ hay khó khăn trong một thời gian ngắn nửa năm, một năm. Bởi thực tế đã có hiện tượng cái gì lợi thì chuyển cho công ty tư nhân, gia đình nhằm làm giàu cho mình, cái gì khó khăn, bất lợi thì chuyển cho Nhà nước gánh hết.
PV: Một trong những nội dung được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đó là việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Đây cũng là yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển từng giai đoạn của đất nước, thưa ông?
Ông Lê Quốc Lý: Phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng theo Nghị quyết Đảng XIII đã nêu không phải là bất biến. Bởi mỗi giai đoạn, thời kỳ phát triển của đất nước đòi hỏi một phương thức lãnh đạo mới. Chẳng hạn như thời kỳ chiến tranh, phương thức lãnh đạo của Đảng là đầy đủ bởi lúc đó giữa cái sống và cái chết, ít lợi ích, ai can đảm, chí công vô tư sẽ lao về phía trước và thể hiện ngay bản lĩnh. Còn thời bình hiện nay, không có thước đo cụ thể nào để đánh giá con người, nhiều khi "ý đẹp lời hay" chưa chắc đã tốt thật.
Do đó, phải thay đổi phương thức, mà phương thức thời đại ngày nay chính là lấy hiệu quả kinh tế, lấy kết quả cuối cùng là thước đo. Ở đâu có mâu thuẫn, xung đột phải thanh tra, kiểm tra, bởi những nơi có mâu thuẫn thường là sự chia sẻ lợi ích không sòng phẳng.
Ở đâu lòng dân bất bình thì chắc chắn là có vấn đề thì cũng nên kiểm tra, giám sát, kiểm soát.
Đây là thực tế và đã đến lúc nhìn thẳng vấn đề về cách tổ chức, cách làm việc cũng như kiểm tra, giám sát hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông./.
PV/VOV1