Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số vấn đề quan trọng, rất cần khơi thông, làm rõ hay cả thay đổi. Nếu không, Luật HTX khi được thông qua sẽ không khả thi, sẽ khó triển khai áp dụng. Nếu khắc phục được bất cập, mạnh dạn đổi mới tư duy theo đúng tinh thần Nghị quyết 20 của BCH Trung ương khóa 13, Luật sẽ góp phần quan trọng tháo gỡ những khó khăn lâu nay của HTX, khơi dậy, kích thích và thúc đẩy kinh tế HTX phát triển, như mong muốn và kỳ vọng của Nhà nước và nhân dân.
Theo nhiều ý kiến, dự thảo HTX mới nhất đang lấy ý kiến các cơ quan vẫn có những rắc rối, phức tạp ở một số nội dung, khái niệm liên quan trực tiếp đến mô hình, phương thức hoạt động của các HTX. Bên cạnh đó cũng có một số nội dung khái niệm không rõ, có thể gây bất bình, bất lợi liên quan trực tiếp đến lợi ích của HTX và thành viên. Và chính những lý do này sẽ dễ dẫn đến việc Luật dù có thông qua cũng khó đi vào cuộc sống thực tế. Nguy cơ Luật sau đó khó triển khai, sẽ bị “lách” bằng nhiều cách sẽ vẫn rất cao. Và đây là điều không mong muốn của cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn các đối tượng điều chỉnh của Luật.
Rắc rối, phức tạp với nhiều khái niệm thành viên?
Việc dự thảo Luật đề xuất thay tên Luật HTX hiện hành bằng tên gọi khác với khái niệm “hợp tác” chung chung có lẽ đã được làm rõ. Đại đa số ý kiến từ HTX, đặc biệt nhiều ý kiến chuyên gia, đại biểu Quốc hội và các cơ quan Quốc hội đã đề nghị giữ nguyên tên Luật HTX như từ trước đến nay. Việc đưa các nội dung quá chi tiết về tổ hợp tác cũng được đề nghị chính thức là không cần thiết. Bởi vì, các quy định về tổ hợp tác, một chủ thể không có pháp nhân, đã được quy định bao quát đầy đủ và cụ thể trong Bộ luật Dân sự và pháp luật liên quan.
Sự rắc rối và phức tạp trong dự thảo Luật HTX trình xin ý kiến là sự tồn tại song song đồng thời nhiều khái niệm thành viên khác nhau, như thành viên chính thức và thành viên không chính thức, gọi là thành viên liên kết. Và nhóm thành viên không liên kết này lại tiếp tục chia thành 2 loại: thành viên liên kết có góp vốn nhưng không sử dụng dịch vụ và thành viên liên kết không góp nhưng có sử dụng dịch vụ của HTX.
Không có một tổ chức kinh tế nào lại có và phân chia các loại thành viên công ty hay cổ đông doanh nghiệp một cách rắc rối và phức tạp như vậy. Không thể hình dung nổi nếu như một công ty TNHH ngoài các thành viên góp vốn còn có các thành viên liên kết khác?! Tương tự, khó mà hình dung được trong môi trường pháp lý cần nhất quán như hiện nay lại có một tổ chức kinh tế hay doanh nghiệp vừa có cổ đông chính thức, cổ đông liên kết hoặc cổ đông khác ví dụ như một loại dự bị, dự khuyết,…?!
Rắc rối, phức tạp với nhiều loại giao dịch trong-ngoài?
Liên quan đến giao dịch kinh doanh của HTX cũng vậy, hiện trong dự thảo Luật xuất hiện những khái niệm giao dịch kinh doanh khác nhau, thường được gọi tắt là giao dịch trong và giao dịch ngoài HTX. Đó là giao dịch nội bộ với khách hàng là thành viên HTX và giao dịch với khách hàng không phải là thành viên HTX. Việc phân loại các giao dịch trong và ngoài như vậy với mục đích kèm theo các điều kiện, ưu đãi cho HTX. Sự rắc rối, phức tạp của phân biệt giao dịch trong - ngoài này dẫn đến sự phức tạp và khó khăn, bất tiện cho chính các HTX.
Bởi vì ở đây liên quan đến ưu đãi thuế cho HTX. Theo đó, dự thảo đề xuất các giao dịch nội bộ với thành viên HTX sẽ được miễn giảm hay không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là ưu đãi mà dự thảo muốn quy định cứng để hỗ trợ, khuyến khích các HTX. Về cơ bản, mọi kinh nghiệm và ý tưởng để khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi cho các HTX đều rất được hoan nghênh, rất cần xem xét kỹ lưỡng và tiếp nhận nếu phù hợp, khả thi, hợp lý.
Khi có các ưu đãi cụ thể, rõ ràng về thuế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với giao dịch nội bộ HTX, giao dịch với thành viên HTX,… thì trên thực tế, việc bóc tách các giao dịch TRONG hay NGOÀI không phải là đơn giản, tiện lợi với HTX. Hiện nay, tại phần nhiều HTX, nhất các HTX nhỏ, các HTX dịch vụ nông nghiệp,… thì mua bán sản phẩm nông nghiệp, mua bán vật tư nông nghiệp, giao các dịch vụ vẫn là trực tiếp con người, thủ công, không có hỗ trợ máy móc, máy tính tiền điện tử, máy vi tính,… Do vậy, sẽ khó khăn, vất vả, tốn kém nhân lực và thời gian cho HTX. Chưa kể việc tổng hợp, thống kê thật chính xác cũng khó. Và đây chính lại là vấn đề phức tạp, bất tiện khó khăn với HTX vì phải thật chính xác mới được cơ quan thuế công nhận và chấp nhận do liên quan đến ưu đãi thuế.
Tiếp theo, nếu có các lợi thế kinh tế, đặc biệt là lợi thế tài chính, từ những ưu đãi đáng kể về thuế, chắc chắn sẽ xuất hiện (và ngày càng nhiều hơn ?!) các HTX tìm cách tận dụng khai thác tối đa các ưu đãi này. Ví dụ, trước một giao dịch lớn với một khách hàng, có thể là khách hàng lớn, có thể là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp khác, HTX kết nạp luôn khách hàng này làm thành viên. Thực tế này đang khá phổ biến ở các Quỹ TDND và HTX khác có dịch vụ tín dụng nội bộ. Đơn xin vay kèm theo luôn đơn gia nhập thành viên, nếu khách hàng chưa phải là thành viên. Chỉ “mất” có 100 nghìn đến 300 nghìn, tương tự như phí, như “vé vào cửa”. Thực ra không phải là “mất”, mà là góp vốn điều lệ.
Hiện tại, khá nhiều người, nhiều cơ quan chức năng, vẫn rất lo lắng, quan ngại về cái gọi là “doanh nghiệp trá hình” hay “HTX trá hình” hoặc “xu thế doanh nghiệp hóa HTX”, v.v. Nếu có các ưu đãi cụ thể, rõ ràng về thuế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với giao dịch nội bộ của HTX, với thành viên của HTX,… thì thực tế tìm cách tận dụng tối đa ưu đãi có thể sẽ càng tăng thêm các lo lắng, quan ngại nêu trên ?! Chẳng hạn, nếu các giao dịch với khách hàng là thành viên liên kết được công nhận để giảm thuế, thì rất có thể nhiều khách hàng tận dụng để được ưu đãi thuế. Khi đó, rất có thể sau này có nhiều HTX chỉ 7-8 thành viên nhưng lại có số thành viên liên kết gấp 5-7 lần, thậm chí chục lần. Liệu như vậy đã là tốt, đã là đúng hướng, câu trả lời còn bỏ ngỏ?
Cuối cùng, về mặt pháp lý, các quy định liên quan trực tiếp đến thuế, miễn giảm, ưu đãi thuế về nguyên tắc là do Luật thuế quy định, quyết định. Một luật về tổ chức và hoạt động cho loại hình kinh tế nào đó không thể tự ý quy định riêng những ưu đãi hay miễn giảm thuể. Nếu có tự ý quy định mà “vênh” với Luật thuế thì cuối cùng cũng PHẢI TUÂN THEO LUẬT CHUYÊN NGÀNH là Luật thuế. Chẳng hạn, Luật doanh nghiệp không thể quy định điều khoản nào đó về ưu đãi, miễn giảm thuế cho một loại hình doanh nghiệp nào đó. Tương tự, Luật HTX cũng thế.
Tóm lại, việc đưa vào nhiều khái niệm đồng thời về các loại thành viên chính thức và không chính thức (liên kết) hay các khái niệm giao dịch kinh doanh nội bộ và với bên ngoài HTX (giao dịch trong – ngoài), dự thảo Luật có lẽ chỉ thêm rắc rối, phức tạp, đặc biệt khó hiểu với các HTX cũng như thành viên HTX. Hơn nữa, chính sự rắc rối và khó hiểu này có thể làm tăng nguy cơ Luật khó khả thi trên thực tế, dễ bị “lách” để “tận dụng” tối đa ưu đãi. Và như vậy, hiệu lực của Luật cũng như hiệu quả quản lý nhà nước đã bị hạn chế ngoài mong muốn.
Phạm Quang Vinh (theo VNBusiness)