Phát huy sức mạnh toàn dân tộc
Tại hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương (1969 - 2024)” do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức mới đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh đến vấn đề đoàn kết trong Di chúc. Trong Di chúc, Người căn dặn “đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Đoàn kết làm nên sức mạnh, là cội nguồn của mọi thành công. Muốn xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết phải có sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng. Đoàn kết trong Đảng là tiền đề, là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ sở để phát huy, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là tiền đề thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, từ Trung ương đến chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư…
Theo Chủ tịch Quốc hội, quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết và hợp tác quốc tế trong thời kỳ mới, Đảng đã lãnh đạo xây dựng và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đặc biệt qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nhờ phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, với sự chung sức, đồng lòng phấn đấu không ngừng của lớp lớp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã xây dựng đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Người.
Nguồn lực con người là “nguồn lực của mọi nguồn lực”
PGS-TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, khẳng định trong suốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một “ham muốn tột bậc” là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc. Bởi vậy, trong bản Di chúc, vấn đề con người, tư tưởng vì con người và giải phóng con người đã khiến Người trăn trở và dày công xác lập. Người nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau đối với sự phát triển và vững mạnh của Đảng, cũng như sự phát triển của đất nước.
Theo PGS-TS Vũ Trọng Lâm, trong Di chúc, vấn đề con người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách sâu sắc, toàn diện và khoa học. Đặc biệt, Người đã chỉ ra hệ thống các giải pháp toàn diện đối với mỗi tầng lớp, đối tượng và coi việc thực hiện đúng đắn các giải pháp đó là khâu then chốt, quyết định thành công trong việc giải quyết bài toán phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc - sự nghiệp bắt đầu từ nhân tố con người, vì con người, cho con người và trở về với con người.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi nguồn lực con người là “nguồn lực của mọi nguồn lực”, là nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng đều chú trọng đến việc chăm lo bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của con người. Đảng luôn khẳng định và nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của việc phát huy nhân tố con người, phát triển con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước ta hiện nay.
Hiện thực hóa quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển con người, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, việc phát huy nhân tố con người vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Đặc biệt, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng. Việc thực hiện chính sách phát triển con người toàn diện vẫn còn nhiều bất cập, nguồn lực để thực hiện phát triển con người còn hạn chế, phân hóa giàu nghèo, tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn có xu hướng tăng... đã và đang tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn.
PGS-TS Vũ Trọng Lâm nhấn mạnh, tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy nhân tố con người, khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng và phát triển đất nước là yêu cầu tất yếu và cấp thiết trong những năm tới.
Theo Hà Nội mới