Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều nông sản có sản lượng lớn lại đang vào vụ thu hoạch, nhiều địa phương đưa ra kịch bản tiêu thụ trong đó chủ yếu hướng đến tiêu thụ trong nước.
Chia sẻ trên báo chí, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng nên bỏ từ "giải cứu" nông sản và cần hành động cụ thể hơn. Nhấn mạnh vấn đề kết nối cung-cầu, Bộ trưởng khẳng định: "Không kết nối được thị trường dù trong nước hay nước ngoài, chúng ta sẽ bị động trong tiêu thụ nông sản".
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) đánh giá, vấn đề Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đặt ra là đúng, dù là thị trường trong nước hay xuất khẩu thì quan trọng nhất vẫn phải là kết nối thị trường.
Theo ông Nam, vấn đề sản xuất phải gắn với tiêu thụ đã được đặt ra từ khi Việt Nam bắt đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường, tuy nhiên, từ đó đến nay Việt Nam vẫn làm theo kiểu tự phát, đến đâu xử lý đến đấy, lúc nào tắc, không tiêu thụ được thì kêu gọi "giải cứu".
"Chúng ta bước vào nền kinh tế thị trường nhưng vẫn làm theo kiểu của nền kinh tế tự cung, tự cấp.
Trong kinh tế thị trường, ngay từ khi sản xuất đã phải xác định thu hoạch xong thì tiêu thụ ở đâu, thói quen tiêu dùng của thị trường thế nào, thị trường có yêu cầu gì về chất lượng, tiêu chuẩn, dung lượng của thị trường ấy là bao nhiêu...
Vậy nhưng, những vấn đề này ở Việt Nam chưa tổ chức thực hiện được bao nhiêu. Người nông sản xuất nhỏ lẻ, theo phong trào, thấy gì bán được giá thì đổ xô làm. Cho nên, lúc hàng ít thì đắt, lúc thu hoạch rộ thì rớt giá, không bán được. Cao su, hồ tiêu, cà phê là những trường hợp điển hình đã trải qua tình trạng này", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận xét và cho rằng vấn đề căn bản trên, qua mấy đời bộ trưởng Bộ NN-PTNT, vẫn chưa giải quyết được dù có ghi nhận tiến bộ.
Tiến bộ ở chỗ, Việt Nam xuất khẩu được nhiều nông sản, nhất là sang Trung Quốc. Vậy nhưng, xuất khẩu sang Trung Quốc trong nhiều năm vẫn là xuất khẩu ở trình độ thấp. Trung Quốc chưa phải là một bạn hàng để trước khi sản xuất phía Việt Nam đã phải cam kết bán hay phía Trung Quốc cam kết mùa này sẽ tiêu thụ cho Việt Nam bao nhiêu nông sản và tiến đến mức cao nhất là hai bên ký kết hợp đồng với nhau.
Bắc Giang đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Ảnh: Báo Công thương
"Chỉ khi đạt được trình độ từ lúc sản xuất đã định hướng được bán thị trường nào, ai mua, giá bao nhiêu, cao hơn là hai bên đã có hợp đồng thì mới không phải lo, không còn cảnh hô hào giải cứu.
Việt Nam vẫn chưa đạt được trình độ ấy, nông sản Việt Nam vẫn cứ làm theo kiểu ào ào, chở lên biên giới bán được chừng nào thì bán, không bán được thì đổ bỏ. Còn Trung Quốc đã làm được. Nông sản Trung Quốc làm ra bán khắp thế giới, đều là chính ngạch", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại so sánh.
Cũng bởi kết nối thị trường chưa làm tốt nên nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam vào mùa rộ là nơi sản xuất hàng mất giá, chất đống, còn nơi tiêu thụ vẫn thiếu, phải ăn hàng giá cao.
"Vậy nên mới có tình trạng 1kg khoai tím ở Vĩnh Long giá 500-1.000 đồng/kg nhưng ở Hà Nội rẻ nhất là 10.000 đồng/kg mà không phải loại ngon; 1kg xoài ở miền Tây bán 2.000-3.000 đồng/kg nhưng ở Hà Nội vẫn bán 20.000 đồng/kg; giá lợn hơi đã xuống nhưng ngoài chợ người dân vẫn phải mua giá thịt cao ngất ngưởng...
Rõ ràng, tổ chức thị trường rất kém, chuỗi cung ứng không rõ ràng khiến người sản xuất cứ tự loay hoay, còn lãi lời rơi vào tay trung gian, tiểu thương. Câu chuyện 1 quả trứng cõng 14 loại phí mà trước đây một chuyên gia thương mại đề cập là minh chứng rõ cho thực tế buồn này", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.
Qua thời người Việt "nhịn miệng đãi khách"
Để kết nối cung-cầu, theo vị chuyên gia, một mình Bộ NN-PTNT không thể làm được mà Nhà nước phải đứng ra tổ chức. Tổ chức ở đây không phải là Nhà nước đứng ra làm mà để hình thành chuỗi cung ứng rõ ràng, phân công: ai mua ở nơi sản xuất, ai chịu trách nhiệm vận chuyển đến thị trường khi có tín hiệu từ thị trường; tổ chức tiêu thụ tại chỗ thế nào, nếu xuất khẩu thì làm thủ tục để làm sao hàng đi được...
"Chính phủ cần đứng ra yêu cầu tất cả các bộ, ngành cùng vào cuộc. Chẳng hạn, Bộ KH-CN quy định quy chuẩn cho rõ ràng, Bộ Công thương tổ chức tiêu thụ, tổ chức chuỗi giá trị hàng hóa đến nơi đến chốn từng mặt hàng một, Bộ NN-PTNT phụ trách hai đầu, nhưng căn bản là đầu sản xuất.
Bản thân các địa phương cũng cần quán triệt sản phẩm, hàng hóa gì đều phải định hướng thị trường, tiến tới tìm hiểu, nghiên cứu, ký kết hợp đồng rõ ràng, làm đến đâu bán đến đấy. Như vậy, người nông dân sản xuất mặt hàng nào là phải sản xuất theo tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường đối với mặt hàng ấy", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nêu rõ.
Nhìn vào trường hợp quả vải Bắc Giang hay quả xoài Sơn La, ông đánh giá thời gian qua các địa phương này đã làm khá tốt việc kết nối thị trường. Như ở Bắc Giang, địa phương này đứng ra tổ chức, vận động hỗ trợ, cuối cùng các Bộ, ngành cùng tham gia vào để thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
"Rõ ràng không phải là chúng ta không làm được, quan trọng là tổ chức quản lý nhà nước như thế nào. Chừng nào còn tư tưởng cục bộ, địa phương nào lo địa phương ấy, ngành nào lo ngành ấy thì không thể kết nối được cung-cầu.
Vải Bắc Giang, xoài Sơn La đã làm được, nhưng cho đến nay lại chưa thể mở rộng ra toàn một mặt hàng hay toàn ngành. Tổ chức quản lý của một nền kinh tế thị trường phải có tính đồng bộ, liên quan nhiều ngành nghề, từ sản xuất đến thu mua, giao thông vận tải, bảo quản, phân phối, bán lẻ và cuối cùng là người tiêu dùng. Đặc biệt, phải nêu rõ trách nhiệm từng khâu, từng việc trong chuỗi cung ứng.
Một khi có chuỗi cung ứng rõ ràng thì giá cả hàng hóa sẽ phải chăng, đồng thời thị trường tiêu thụ mở rộng. Ngược lại, nếu ai cũng chăm chăm chặt chém kiếm lời cho mình nhiều nhất thì thị trường vẫn thiếu mà sản xuất vẫn thừa do trung gian ăn quá nhiều", PGS.TS Nguyễn Văn Nam phân tích, đồng thời lưu ý khi đặt vấn đề quy hoạch không nên nghĩ quá to tát theo kiểu ngồi bàn giấy "vẽ" quy hoạch.
"Nói quy hoạch là phải nói người sản xuất quy hoạch. Trước khi sản xuất họ đã biết rằng hàng đó bán ở đâu, bán ở giá nào. Tất nhiên không thể chính xác 100% nhưng phải có áng chừng để tổ chức sản xuất, tiêu thụ cho đủ. Từ việc xác định dung lượng thị trường, địa phương cần khuyến cao người dân sản xuất bao nhiêu là đủ. Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là hướng dẫn, điều chỉnh, không phải ngồi "vẽ" quy hoạch", ông nhấn mạnh.
Việc này không chỉ thực hiện với thị trường xuất khẩu mà thị trường trong nước cũng phải làm được. PGS.TS Nguyễn Văn Nam lưu ý, cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương không thể không biết vì nó nằm trong tầm tay.
"Chẳng hạn, Sở Công thương Hà Nội đương nhiên phải biết Hà Nội một năm tiêu thụ bao nhiêu thịt lợn, thịt gà, trứng, gạo... thậm chí phải nắm được thị hiếu thay đổi như thế nào để từ đó có tính toán về sản xuất, tiêu thụ", ông dẫn ví dụ.
Từ những phân tích ở trên, vị chuyên gia một lần nữa khẳng định, việc doanh nghiệp, địa phương quyết định quay về với thị trường nội địa là đúng. Dù có dịch bệnh hay không, thị trường nội địa vẫn là cứ điểm quan trọng và an toàn của doanh nghiệp Việt, không dễ gì có được thị trường gần 100 triệu dân như vậy.
Từng có một thời người Việt phải "nhịn miệng đãi khách", dành tất cả những gì ngon nhất, chất lượng nhất cho xuất khẩu, nhưng rõ ràng bỏ quên thị trường nội địa là một sai lầm lớn. Người Việt bây giờ có đủ điều kiện để chi cho những bữa ăn ngon và sạch theo chuẩn hàng nhập khẩu.
"Dù là xuất khẩu hay phục vụ tiêu dùng nội địa thì chất lượng bao giờ cũng phải được đặt lên hàng đầu. Và quan trọng là phải tổ chức chuỗi cung ứng, tiêu thụ hàng hóa cho rõ ràng. Các nước trên thế giới làm rất công phu chuỗi này.
Có thể tổ chức các sàn giao dịch để mua bán, cạnh tranh nhau từ đó mới giảm giá được hàng hóa trên thị trường. Khi có các sàn bán buôn, bán lẻ, các khâu đều phải giảm giá, từ vận tải đến kho bãi, các dịch vụ trung gian... để bán được nhiều hàng hàng.
Tiếc thay lâu nay chúng ta chưa làm được, để tư thương nhỏ lẻ hoành hành, mà tư thương nhỏ lẻ cực nhạy vì họ suốt ngày lăn lộn trên thị trường", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ./.
Theo Trithuccuocsong