Dịch Covid-19 vẫn là một phương trình nhiều biến khó giải. Trong thời gian đối phó với dịch, mỗi người quay lại đi tìm giá trị bên trong của con người, giá trị của gia đình. Trong lúc doanh nghiệp không có nhiều cơ hội để phát triển các mảng kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận thì việc quay trở về bên trong để xây dựng giá trị bên trong của doanh nghiệp là một phương án hợp lý.
Mỗi doanh nghiệp cần có những chính sách nhân sự phù hợp với từng nhóm đối tượng lao động, thậm chí là phù hợp với từng nhân viên.
Văn hóa doanh nghiệp dù có cố tình xây dựng hay không thì vẫn hình thành. Có những doanh nghiệp ngay từ khi thành lập đã dụng công xây dựng văn hóa riêng cho mình, nhưng rồi trong thời gian bận rộn kinh doanh, chạy theo doanh số, phần văn hóa xây dựng ban đầu dần bị mai một. Có những doanh nghiệp thì văn hóa được hình thành không nằm trong chủ ý.
Trong thời gian mà doanh nghiệp có chút thời gian rảnh rỗi để nhìn lại chính mình như hiện nay, có thể tận dụng cơ hội này để xây dựng lại văn hóa doanh nghiệp theo cách mình muốn và theo cách tích cực nhất có thể.
Xây dựng truyền thông nội bộ
Truyền thông nội bộ như là huyết mạch trong doanh nghiệp. Ngày nay, doanh nghiệp càng hiểu rõ ý nghĩa và hiệu quả của truyền thông ảnh hưởng đến công việc kinh doanh thế nào. Tuy nhiên trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp thường chú trọng nhiều đến truyền thông bên ngoài. Chăm chút sản phẩm, dịch vụ để xây dựng hình ảnh, thương hiệu của mình mà quên đi phần truyền thông nội bộ. Nhiều khi truyền thông ra bên ngoài và truyền thông nội bộ lại không đồng nhất, gây ra sự vênh trong hình ảnh mà doanh nghiệp gửi tới khách hàng.
Khi truyền thông nội bộ không thông suốt thì sẽ có nghẽn thông tin ở những điểm truyền giao thông tin. Thông tin bị truyền sai, truyền không đúng người hoặc thậm chí là không được truyền đi. Thường những người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng mới được đào tạo bài bản về kỹ năng giao tiếp với khách hàng. Những người này phải tuân theo những chuẩn mực đã được đào tạo và quy định cho vị trí công việc của họ.
Người dẫn đầu, ngoài việc xuất sắc trong công việc chính, còn phải là những người truyền lửa và kết nối tốt với nhân viên.
Người dẫn đầu phải biết khơi gợi và thổi bùng những nguồn năng lượng ẩn chứa trong từng nhân viên.
Bên cạnh đó, những nhân viên khác lại không được truyền tải thông điệp chăm sóc khách hàng cơ bản vì họ không phải là người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng.
Oái oăm thay, kênh tiếp xúc của doanh nghiệp thì qua vô vàn con đường, từ những hội thảo lớn tầm cỡ quốc tế, hội nghị quốc gia, truyền hình cấp địa phương, quảng cáo trên mọi phương tiện truyền thông cho đến những cuộc gặp thoáng qua của bất cứ nhân viên nào, hay đôi khi chỉ là cái logo trên đồng phục của nhân viên. Và chính cái khe tiếp xúc nhỏ hẹp đó đôi khi lại là yếu tố mang khách hàng đến với doanh nghiệp hay đẩy khách hàng sang đối thủ cạnh tranh.
Truyền thông nội bộ được quan tâm sẽ giúp doanh nghiệp truyền tải được thông điệp từ quản lý cấp cao đến từng nhân viên. Mỗi nhân viên sẽ hiểu được việc xây dựng và giữ gìn hình ảnh của doanh nghiệp trong khi mình làm việc và kể cả trong ứng xử đời thường mà có thể ảnh hưởng đến công việc.
Ở rất nhiều doanh nghiệp, sếp thì rất tâm huyết và cố gắng hết sức trong việc xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, có hoạch định chiến lược rất rõ ràng, còn nhân viên thì không hay biết gì về điều này. Nhân viên chỉ biết đi làm, hết giờ thì về. Việc sống còn của doanh nghiệp là của sếp, của cấp quản lý.
Đôi khi quản lý cấp cao có trao đổi với quản lý cấp trung nhưng lại không thiết lập được mạng lưới truyền thông thứ cấp là quản lý cấp trung phải truyền đạt lại cho nhân viên cấp dưới. Vì vậy, thông tin nằm lại ở tầng quản lý. Chính vì thông tin bị nghẽn tại những nút thắt như thế nên những thông tin này thành một dạng thông tin mật đối với nhân viên. Và nhân viên được tiếp cận thông tin theo kiểu rò rỉ thông tin, “bỏ nhỏ” cho nhau. Điều này thực sự sẽ đem đến những điều không tốt cho doanh nghiệp.
Truyền thông nội bộ và truyền thông đối ngoại nếu làm tốt và xuyên suốt sẽ như ngôi nhà vừa được xây dựng, thiết kế đẹp lại còn được chăm chút sạch sẽ gọn gàng và chào đón bởi chủ nhân ấm áp và hiếu khách.
Xây dựng giá trị kết nối giữa nhân viên và doanh nghiệp
Doanh nghiệp nhiều khi vẫn chưa tạo được sự kết nối giữa nhân viên và doanh nghiệp. Nhân viên đi làm và xem công việc của mình như là một cần câu cơm. Khi thấy cần câu cơm của mình dễ dàng kiếm cơm thì làm, khi không còn thuận lợi thì kiếm cần câu cơm khác tốt hơn. Âu đó là một tâm lý phổ biến, ai cũng muốn tìm đến những chỗ tốt hơn.
Doanh nghiệp và nhân viên sẽ có quan hệ sâu sắc hơn nếu biết tập trung vào đó. Một khi chủ doanh nghiệp không xem nhân viên là người làm công và trả lương đơn thuần, thì sẽ có cách điều hành khác.
Chọn con đường kết nối và giúp nhân viên tự nguyện gắn bó lâu dài với doanh nghiệp thì sẽ có cách quản trị nhân sự khác. Khi gieo nhân nào thì sẽ gặt lại quả đó. Có những doanh nghiệp lương không cao nhưng nhân viên vẫn gắn bó lâu dài. Bởi vì họ giữ được những giá trị đáp ứng được nhu cầu của nhân viên.
Người đi làm cũng mong có một nơi để gắn bó lâu dài. Người trẻ tuổi thì cần một nơi có cơ hội để phát triển bản thân, cần cơ hội để thách thức, khám phá bản thân. Nhân viên lớn tuổi lại cần một nơi làm việc ổn định, được ghi nhận đóng góp và đảm bảo ổn định cuộc sống.
Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần có những chính sách nhân sự phù hợp với từng nhóm đối tượng lao động, thậm chí là phù hợp với từng nhân viên. Nơi nào mà nhân viên được là chính mình, làm việc thoải mái, yên tâm về thu nhập, thỏa mãn được những mong muốn họ đặt ra, khiến họ cảm thấy là phiên bản tốt nhất của chính mình thì họ sẽ ở lại cùng doanh nghiệp.
Khi nhân viên gắn bó thì sẽ là lúc họ sẵn sàng làm việc vì những giá trị của doanh nghiệp. Họ sẽ ý thức được là họ đang làm việc và góp phần tạo ra những giá trị của doanh nghiệp chứ không đơn thuần làm việc, hết giờ về, lãnh lương.
Một doanh nghiệp tốt, phát triển mạnh mẽ không thể dựa vào vài người dẫn đầu xuất sắc trong một vài lĩnh vực được. Người dẫn đầu, ngoài việc xuất sắc trong công việc chính, còn phải là những người truyền lửa và kết nối tốt với nhân viên.
Người dẫn đầu phải biết khơi gợi và thổi bùng những nguồn năng lượng ẩn chứa trong từng nhân viên. Mỗi nhân viên sẽ nắm giữ những thế mạnh và những nguồn năng lượng riêng biệt mà khi được kích hoạt đúng cách thì những năng lượng đó sẽ được đốt cháy và tạo nên kỳ tích. Một doanh nghiệp giúp cho nhân viên tỏa sáng trong cuộc đời đi làm thuê của họ sẽ là một dấu mốc để họ ở lại và gắn bó với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp và người lao động vẫn trông chờ ở nhau sự cam kết, phát triển, đồng hành, gắn kết. Hơn lúc nào hết, thời điểm này, khi “nói chuyện bên ngoài” khó khăn thì cả nhân viên và doanh nghiệp cùng nhau ngồi lại và “nói chuyện trong nhà” với nhau để chuẩn bị nội lực cho một thời kỳ mới nhiều thử thách. Điều này như là một cách phát triển trong sự dừng lại.
Phạm Thị Ngọc Thắng (theo TBKTSG)