263 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu và 64 đại biểu phụ trách tới từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiến hành Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - Năm 2023 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, sáng 10/9.
Chứng chạc, tự tin nêu quan điểm của mình
Trong gần 3 giờ đồng hồ, nhiều ý kiến thảo luận và tranh luận của các đại biểu Quốc hội trẻ em đối với 2 nhóm vấn đề “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em” đã được các đại biểu trẻ em đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước thể hiện chững chạc, tự tin, hiểu biết.
Các đại biểu trẻ em đã cùng phân tích những nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến tình trạng trẻ em tai nạn thương tích, bị bạo lực, xâm hại, trong đó nhấn mạnh tới một trong những nguyên nhân hàng đầu là sự bất cẩn của người chăm sóc trẻ và thiếu quan tâm từ phía gia đình trẻ em; khoảng cách tuổi tác giữa cha mẹ và con lớn, khiến con rất khó chia sẻ với cha mẹ về vấn đề của bản thân. Do cha mẹ không biết cách làm bạn cùng con, thiếu tin tưởng ở con cái, hay định kiến với các hành vi của các con, nhiều cha mẹ kiểm soát con quá mức làm con mất niềm tin ở cha mẹ, không tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết phù hợp các vấn đề đang gặp phải…
Từ việc phân tích thực trạng và nguyên nhân, các đại biểu trẻ em đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em như: Thông qua các trang mạng xã hội, trang thông tin của các ngành cần lồng ghép tuyên truyền một cách thường xuyên về các nội dung phòng chống tai nạn thương tích và bạo lực xâm hại trẻ em; Tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi với cha mẹ học sinh về phương pháp nuôi dạy con, cũng như các kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích và bạo lực, xâm hại trẻ em;…
Đồng thời, một số ý kiến cũng đề nghị, các cơ quan chức năng, ban ngành đoàn thể cần có những đề xuất, chính sách để gắn trách nhiệm của cha mẹ vào việc giáo dục và bảo vệ trẻ em; tổ chức các mô hình, cuộc thi có sự đồng hành tham gia của phụ huynh và các con nhằm tạo sự chia sẻ, kết nối, hiểu biết, cảm thông giữa bố mẹ và các con…
Chính phủ luôn lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các em
Thay mặt Chính phủ tham dự phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã bày tỏ sự ngưỡng mộ và chúc mừng các đại biểu Quốc hội trẻ em cùng với các thành viên Chính phủ trẻ em đã có phiên thảo luận, giải trình thành công về những vấn đề thời sự, cấp thiết đối với công tác chăm lo, bảo vệ trẻ em phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em tương tác trong công cuộc chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho biết, ông thực sự ấn tượng trước sự chững chạc, hiểu biết sâu sắc, tư duy mạch lạc, khả năng hùng biện sắc sảo, tinh thần trách nhiệm của các đại biểu trẻ em đối với các vấn đề nhỏ nhưng không nhỏ ở lứa tuổi các em. “Những câu hỏi, câu trả lời, ý kiến trao đổi của các cháu đã mang đến những suy nghĩ rất sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với những vấn đề sát sườn, thời sự với trẻ em và chính tương lai của chúng ta”, ông nhấn mạnh.
Nhấn mạnh, các ý kiến tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em hôm nay có thể chưa đầy đủ nhưng là nguyện vọng của trẻ em Việt Nam gửi tới Quốc hội, Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định trong thẩm quyền và trách nhiệm của mình, các thành viên Chính phủ sẽ luôn lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các em, đặc biệt là những vấn đề đã được quyết nghị trong nghị quyết Phiên họp Quốc hội trẻ em hôm nay, để tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng ban hành các kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực để chăm lo, bảo vệ cho hơn 15 triệu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam phát triển ngày càng tốt đẹp.
Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện trí, thể, mỹ để hướng tới cộng đồng học tập đoàn kết, trách nhiệm, nơi mà mỗi trẻ em đều có cơ hội phát triển và thể hiện tài năng của mình, sẵn sàng làm chủ những tri thức mới, thích ứng với những đổi thay nhanh chóng, trở thành công dân toàn cầu có trách nhiệm chung trong tương lai.
Chính phủ và các bộ ngành, địa phương chú trọng xây dựng các quy tắc ứng xử văn hóa, an toàn ở trường học, các không gian công cộng ở gia đình và trên Internet như các em đã đề xuất; có giải pháp để đẩy mạnh thông tin tích cực, bổ ích, giúp trang bị kiến thức, kỹ năng , hun đúc tình yêu thương quê hương, đất nước, con người; ngăn chặn hiệu quả thông tin xấu độc, tạo thêm nhiều kênh, nhiều diễn đàn hơn để trẻ em được biểu đạt nguyện vọng, tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách có liên quan đến quyền và lợi ích của trẻ em đã được nêu trong Hiến pháp và công ước quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ LĐTBXH, Bộ GD-ĐT, TƯ Đoàn TNCSHCM, các bộ ngành, địa phương, tiếp tục tổ chức thêm nhiều mô hình hoạt động, sân chơi bổ ích để vừa rèn luyện kỹ năng, vừa tạo điều kiện cho trẻ em tham gia thực chất vào các lĩnh vực của đời sống xã hội mà các em quan tâm ngay từ trong trường học, cộng đồng và dân cư.
Nhìn thấy nguồn nhân lực chất lượng cao từ phiên họp này
Bên lề Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan hào hứng chia sẻ: “Các cháu đã nhập vai rất tuyệt vời. Tôi đánh giá cao sự sáng tạo, năng động và tự tin của các cháu khi nhập vai từ Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký, rồi các Bộ trưởng… Cách các cháu điều hành phiên họp, nêu ý kiến, tranh luận, trả lời đã tạo cảm giác đúng là không khí của một phiên họp Quốc hội thực sự. Qua đó có thể thấy nguồn nhân lực chất lượng cao là ở đây. Cũng qua phiên họp này, chắc chắn Chính phủ, Nhà nước và các ban, ngành phải có suy nghĩ để làm sao để đào tạo các cháu có thể trở thành những đại biểu Quốc hội thực sự trong tương lai. Tôi cảm nhận được sự tự tin ở các cháu và tôi cũng tin tưởng vào các cháu”.
Bà Nguyễn Thị Doan đánh giá cao Ban Cố vấn đã có sự chuẩn bị rất kỹ và chu đáo cho các đại biểu trẻ em tham dự phiên họp hôm nay, thể hiện ở ngôn từ biểu đạt của các em hoàn toàn như đại biểu Quốc hội thực sự. "Phải có hiểu biết, sáng tạo và thông minh các cháu mới vào vai tốt như thế. Thậm chí có cả những cháu nêu ý kiến không cần phải nhìn giấy, khả năng thuyết trình rất tự nhiên", bà Doan nhận xét.
Nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng, nên tổ chức phiên họp này hàng năm. Ở những phiên họp lần sau, chủ đề của phiên họp nên được mở rộng hơn, không chỉ là những vấn đề xã hội, có liên quan trực tiếp đến trẻ em, mang tính chất quản lý xã hội, mà có thể đưa thêm các chủ đề về môi trường, bình đẳng giới, giáo dục giới tính, quyền của trẻ em tham gia các lĩnh vực của xã hội, hay những vấn đề về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội…
Thanh Hà/VOV.VN