Trong một báo cáo gửi đại biểu Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ Nội vụ cho biết, việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với các trường hợp có năng lực hạn chế chưa thực sự hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết là do sáp nhập, hợp nhất cơ học để giảm số lượng đầu mối dẫn đến các đơn vị này chưa thực sự thay đổi về cơ chế hoạt động và chất lượng cung ứng dịch vụ.
Bên cạnh đó, kết quả sử dụng, quản lý biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021 mặc dù đạt mục tiêu giảm 10% so với năm 2015 nhưng chưa thực sự hiệu quả.
Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chính sách tinh giản biên chế chưa đủ mạnh, chưa đủ hấp dẫn để giải quyết triệt để các trường hợp tinh giản biên chế.
Đặc biệt, theo Bộ Nội vụ, công tác rà soát, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm vẫn là khâu yếu, chưa thực sự chặt chẽ, khách quan, còn nể nang.
Đáng chú ý, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh có báo cáo Bộ Nội vụ về tình hình thôi việc và tuyển mới đối với công chức, viên chức giai đoạn từ 1/7/2022-30/4/2023. Theo đó, đã có 217 trường hợp xin thôi việc, trong đó có 19 công chức làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh và 198 viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh. Báo cáo cũng nhấn mạnh, những trường hợp xin thôi việc đa số là những người có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm công tác. Cán bộ, công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng trong độ tuổi dưới 40 tuổi và chủ yếu có trình độ đại học trở lên.
Trong bối cảnh người có năng lực rời khỏi khu vực công ngày càng nhiều, việc tinh giản những trường hợp năng lực hạn chế chưa thực sự hiệu quả, cho thấy yêu cầu sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức vẫn đang là bài toán khó.
Bộ Nội vụ đang đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định về vị trí việc làm và biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này khi được thông qua sẽ thay thế Nghị định số 62/2020/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Một trong những nội dung được đề xuất đưa vào dự thảo Nghị định này đó là sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc xác định vị trí việc làm và quản lý biên chế công chức, biên chế sự nghiệp.
Trong cải cách chế độ công vụ, công chức, vấn đề xác định vị trí việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc quản lý, tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng công chức và cải cách tiền lương hiệu quả. Việc xác định vị trí việc làm kèm theo bảng mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí công việc cũng là cơ sở cho việc bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc.
Xung quanh việc chưa tinh giản biên chế được các trường hợp năng lực hạn chế, thì phải chăng cũng nên làm rõ chúng ta đã sử dụng đúng năng lực, sở trường của người lao động hay chưa? đã đặt họ vào đúng vị trí việc làm mà ở đó họ có thể phát huy tốt nhất hiệu quả năng lực của họ hay chưa?
TS. Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, thực hiện việc tinh giản không hề đơn giản, quan trọng là cần kiên quyết và khách quan, cần một trình tự thực hiện chứ không chỉ nói tinh giản mà giảm ngay được.
Theo TS Thang Văn Phúc, cùng với tinh giản, việc sử dụng đúng năng lực, sở trường của công chức, viên chức, đặt họ vào đúng vị trí việc làm để họ phát huy tốt nhất hiệu quả năng lực cũng cần phải được đặc biệt coi trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa hiệu quả, vẫn còn phải nỗ lực, đồng bộ nhiều mặt.
“Chúng ta đã có ý thức, nhưng từ ý thức đến hành động thực tiễn vẫn còn khoảng cách”- ông Phúc nói.
Với thực tế người có năng lực rời khỏi khu vực công, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ lại cho rằng, điều này không đáng ngại, đây chính là động lực để khu vực công phải xem xét lại các chính sách thu hút và sử dụng người lao động, không chỉ khuyến khích mà còn phải trọng dụng, điều chỉnh cơ chế sao cho phù hợp thực tiễn.
“Xã hội ngày nay không ai sống bằng lương, ngay cả khu vực tư hay nước ngoài người ta cũng đâu có lương không mà còn có rất nhiều ưu đãi, khiến cho sức cạnh tranh ở những khu vực này so với khu vực công là rất mạnh”, ông Phúc chia sẻ.
Mặt khác, ông Thang Văn Phúc cũng cho rằng, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, khu vực công, khu vực tư hay khu vực nước ngoài đều là những thị trường lao động thống nhất, người lao động có thể lựa chọn. Nơi nào họ có điều kiện để phát huy, có thu nhập đảm bảo cuộc sống thì họ lựa chọn. Đó là câu chuyện bình thường, chúng ta phải chấp nhận để có cách giữ chân người lao động.
Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu sinh thời từng nói, đại ý là “nếu không có đãi ngộ tương xứng thì hoặc là có tham nhũng hoặc là chỉ có cán bộ năng lực trung bình ở khu vực công. Bởi rất ít người tài ở khu vực công chấp nhận thu nhập suốt đời thấp hơn nhiều ông bạn mình có năng lực bằng mình làm ở khu vực tư”. Ông Lý Quang Diệu cũng chỉ ra rằng, để có tiền đãi ngộ công chức viên chức thì phải giảm được biên chế, và muốn giảm biên chế phải thiết kế lại các cơ quan Nhà nước với chức năng, nhiệm vụ khoa học hơn”./.
Thanh Hà/VOV.VN