Sáng 28/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về một số nội dung lớn của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tính toán kỹ chi phần “cứng” và phần “mềm”
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ý kiến đề nghị báo cáo đánh giá kỹ hơn về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng này ở cơ sở, cần có số liệu cụ thể chứng minh “không làm tăng biên chế”, “không làm tăng ngân sách” so với thực tiễn hiện nay.
Một số ý kiến đề nghị tính toán đầy đủ mức chi ngân sách, mức hỗ trợ; đề nghị bổ sung quy định rõ khung mức hỗ trợ; quy định rõ nguồn ngân sách để bảo đảm tính khả thi, có thể giao ngân sách Trung ương bảo đảm, giao HĐND cấp tỉnh quyết định, lấy từ các nguồn xã hội hóa, đóng góp của người dân ở địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác.
Về các ý kiến nêu trên, Thường trực UBQPAN cho biết, Chính phủ đã bổ sung đánh giá tác động chính sách của dự án luật, bổ sung thông tin, số liệu có liên quan về thực trạng tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay.
Thực tế hiện nay, các địa phương trong cả nước đều bảo đảm ngân sách để chi trả cho tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng này. Dự thảo luật được quy định theo hướng kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm để tiếp tục quy định trong dự thảo luật.
Về nguồn kinh phí, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã tiếp thu vào dự thảo Luật theo hướng: Kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng (tham gia bảo vệ an ninh trật tự) TGBVANTT ở cơ sở do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Một số ý kiến đề nghị cần quy định khung, mức tối thiểu đối với hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế và giao HĐND cấp tỉnh quyết định. Theo ông Lê Tấn Tới, nếu quy định “cứng” trong luật về khung mức hỗ trợ sẽ không phù hợp với thực tế, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế, xã hội và có thể là áp lực về ngân sách đối với các địa phương chưa tự chủ được ngân sách.
“Về nội dung này, trong quá trình hoàn thiện dự án luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã trao đổi, xin ý kiến và các địa phương thống nhất quy định theo hướng mở như thể hiện trong dự thảo luật” – ông Lê Tấn Tới nói.
Bày tỏ băn khoăn về quy định chế độ chi cho lực lượng trên, Đại biểu Phạm Văn Hoà – Phó trưởng Đoàn ĐBQH hoạt động chuyên trách tỉnh Đồng Tháp cho rằng, với 100.000 tổ bảo vệ dân phố, mỗi tổ 3 người phục vụ thì có 300.000 người. Mức chi giả sử nếu bằng mức lương cơ sở cũng sẽ là rất lớn, đó là chưa kể khoản chi BHYT, đóng BHXH tự nguyện
Ngoài ra, người tham gia lực lượng được bồi dưỡng khi thực hiện nhiệm vụ theo phân công của cấp có thẩm quyền ngoài nhiệm vụ chi, đi tập huấn, làm nhiệm vụ 22h hôm trước đến 6h sáng ngày hôm...
Đại biểu nhận thấy, lực lượng này ngoài việc được bồi dưỡng “phần cứng” thì “phần mềm” cũng nhiều nên đề nghị cân nhắc để tránh khi luật ban hành rồi khó thực hiện ở địa phương.
Rà soát cơ chế phối hợp điều hành quản lý
Ở góc độ khác, Đại biểu Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đề nghị rà soát lại kỹ hơn cơ chế phối hợp điều hành quản lý sử dụng lực lượng này ở cơ sở.
Theo dự thảo, các chức danh này hiện nay gần như chịu sự điều hành tuyệt đối của công an xã mà chưa thấy được cơ chế, vai trò của chính quyền cấp xã, thôn. Đây là lực lượng do chính quyền xã, thôn lập ra, chi trả chế độ nhưng vai trò trong quản lý điều hành thì không rõ, ngoài việc chi tiền phê duyệt danh sách công nhận lực lượng khi công an xã đề xuất, chủ tịch xã phê duyệt.
Đại biểu Nguyễn Tạo – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng lưu ý đây là lực lượng quần chúng, tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, không thuộc bộ máy nhà nước, chỉ tham gia hỗ trợ của lực lượng công an cấp xã. Trong khi đó, lực lượng công an chính quy cấp xã nhiều nơi mỏng do địa bàn rộng, từ xã xuống thôn mấy chục kilomet vì vậy cần cân nhắc lực lượng này do cơ quan nào thành lập, cần giao quyền chủ động cho cơ sở theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đại biểu đề nghị bên cạnh quy định độ tuổi tối thiểu tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, cũng cần quy định độ tuổi tối đa để lực lượng này hoạt động hiệu quả nhất.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các đại biểu đánh giá cao trách nhiệm, sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật, xin ý kiến các cấp, các ngành để trình hội nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu Quốc hội chuyên trách cơ bản tán thành báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Các đại biểu yêu cầu tiếp tục làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng này, theo hướng do chính quyền địa phương thành lập, được ngân sách nhà nước bảo đảm…
Bên cạnh đó cần tiếp tục rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nghiên cứu bổ sung các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng này cho rõ hơn, nhất là chức danh Tổ trưởng, Tổ phó, nhiệm vụ hỗ trợ, tham gia, giới hạn, phạm vi trách nhiệm.
Nam Sơn/VOV.VN