Có rất nhiều yếu tố được nhắc đến khi nói về lòng yêu nước, tôn trọng lịch sử đó là yếu tố đầu tiên. Ở góc độ này, để ai cũng thấy mình có trách nhiệm với câu chuyện lịch sử thì giáo dục lòng biết ơn, tôn trọng lịch sử là cần thiết. Bởi sẽ không có tương lai cho những kẻ lãng quên và xúc phạm lịch sử của chính dân tộc mình
Có một lịch sử Việt Nam hào hùng đến vậy
Việt Nam với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước với những dấu mốc quan trọng thể hiện truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, bất khuất và thế hệ sau có quyền tự hào với những truyền thống tốt đẹp ấy.
Lịch sử không chỉ nằm ở các triều đại vua chúa, các đấng anh hùng có tài trị quốc an dân, phát triển đất nước, diệt giặc ngoài thù trong, mở mang bờ cõi như: Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Nam Hán để lại “tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta”, Bà Triệu khởi nghĩa chống quân Ngô, Lý Bôn đánh Tàu “lập nên triều Lý sáu mươi năm liền”, Mai Thúc Loan chống nhà Đường, Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, “ra tài kiến thiết kinh dinh”, Lê Đại Hành “đánh tan quân Tống, đuổi lui Xiêm Thành”; “đời Trần văn giỏi võ nhiều” đã 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược.
Khi quân Minh đô hộ nước ta, Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã “Đánh 20 vạn quân Minh tan tành, Mười năm sự nghiệp hoàn thành…”, Quang Trung - Nguyễn Huệ “Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu” giữ vững bờ cõi, non sông…
Lịch sử còn là lịch sử của quần chúng nhân dân, với sự đoàn kết của các giai tầng, mọi thành phần, mọi giới, mọi lứa tuổi như trong cuốn “Lịch sử nước ta” được Bác viết năm 1941 “Bất kỳ nam nữ, nghèo giàu. Bất kỳ già trẻ cùng nhau kết đoàn. Người giúp sức, kẻ giúp tiền. Cùng nhau giành lấy chủ quyền của ta”…cũng chính tinh thần đoàn kết ấy là chất keo gắn kết toàn dân tộc để chúng ta giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám và sau đó thực hiện chiến lược chiến tranh nhân dân và giành thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, để có một Việt Nam như hôm nay.
Những trang đầu của tác phẩm "Lịch sử nước ta"
Giáo dục lòng biết ơn, tôn trọng lịch sử - bài học về lòng yêu nước
Những biểu tượng, những tấm gương vĩ đại trong lịch sử gắn liền với truyền thống, với niềm tin và hơn hết đó là lòng tự hào tạo nên sức mạnh dân tộc. Thế hệ sau chúng ta không thể quên những điều như vậy! Vì chính những điều này là “gốc rễ” để chúng ta xây dựng lý tưởng cho mình, khơi dậy lòng tự hào và khát vọng cống hiến, biết được mục đích sống của chúng ta là gì để cùng hoà mình với sự phát triển của non sông, đất nước.
Những lực lượng phản cách mạng, những người muốn “kéo lùi” bước tiến của dân tộc, những thành phần cực đoan thù địch…không muốn thế hệ sau như vậy. Chúng muốn con em ta có cách hiểu, suy nghĩ “khác” về lịch sử hay nói thẳng ra là chúng muốn thế hệ sau không tin vào lịch sử, xét lại lịch sử để “thui chột” lòng tự hào dân tộc, quên đi truyền thống, bản sắc – đó là những yếu tố làm nên lòng yêu nước của mỗi con người Việt Nam.
Thật đáng buồn, có bạn trẻ “may mắn” được hưởng thụ nền giáo dục nước phát triển từ rất sớm nhưng nhận thức về lịch sử dân tộc lại “bằng không” đứng trước triển lãm về chiến tranh ở Việt Nam lại nhìn nhận cuộc chiến tranh chống Mỹ nguỵ là cuộc nội chiến; mặc dù vẫn biết người Việt Nam là nạn nhân của rất nhiều đau thương trong quá khứ nhưng thật sự cũng còn rất nhiều bạn “xa lạ” với các câu chuyện lịch sử - từ nỗi đau “đi dễ về khó” của những đồn điền cao su, đến nỗi đau bị bắt đi chiến đấu ở tận nơi xa xôi như Châu Âu - Châu Phi đến các vụ thảm sát Mỹ Lai, Hà My, Sơn Tịnh rồi Ba Chúc, Tổng Chúp và Phong Nhất, Phong Nhị…
Không chỉ có các bạn trẻ thanh thiếu niên mà những cán bộ, đảng viên - những người thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, hay cả những cơ quan ngôn luận báo chí, doanh nghiệp nhiều khi vẫn còn nhầm lẫn các sự kiện lịch sử; không phân biệt được cờ Đảng với cờ Trung Quốc, không phân biệt được đâu là hình ảnh người lính giải phóng, đâu là hình ảnh người lính Việt Nam Cộng hòa (trên pa nô, áp phích, nhãn hàng, bao bì và cả sách báo…).
Hay như cuộc bạo động vào ngày 11/6/2023 vừa qua của nhóm đối tượng ở Đắk Lắk, hầu hết đã có gia đình ổn định, không lo chí thú làm ăn, lại nghe theo những lời xúi giục, dụ dỗ của các phần tử phản động, đã gây nên hành động đặc biệt nguy hiểm để lại hậu quả nghiêm trọng như báo chí đã đưa tin; nguyên nhân sâu xa có lẽ nằm ở sự rèn luyện về mặt nhận thức, coi thường các giá trị văn hoá, bản sắc dân tộc, lịch sử…Đây là bài học đắt giá nếu con người ta không được giáo dục lòng biết ơn, tôn trọng lịch sử!
Suối Lênin "đầu nguồn cách mạng" trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, Cao Bằng
Từ những sự việc diễn ra trên thực tế, trước sự chống phá thâm độc của các thế lực thù địch hay như sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của một bộ phận người dân, cán bộ đặt ra nhu cầu cấp thiết cần nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò của việc giáo dục lịch sử, khơi dậy khát vọng cống hiến, định hướng lý tưởng của các thế hệ sau này bằng những việc làm cụ thể như tuyên truyền mạnh mẽ các giá trị lịch sử dân tộc; nâng cao công tác biên soạn tái hiện rõ nét, chính xác các tài liệu lịch sử, xây dựng các công trình lịch sử có ý nghĩa về mặt văn hoá, mang bản sắc dân tộc; đa dạng hoá, phong phú thêm các hình thức giáo dục lịch sử ngay từ trong nhà trường cho đến các hoạt động ngoài xã hội; thường xuyên tổ chức hội thảo, toạ đàm, các cuộc thi, cuộc vận động tìm hiểu về những sự kiện, nhân vật lịch sử thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia; bổ sung vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải có các chuyến đi về nguồn để tìm hiểu lịch sử địa phương, dân tộc để hiểu rõ giá trị cuộc sống hôm nay là nhờ sự hy sinh của ông cha ta, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, trên cơ sở nhận thức mới giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường phát triển mà chúng ta đã lựa chọn…
Giáo dục lòng biết ơn, tôn trọng lịch sử để chúng ta có thể nhận diện đúng các luận điệu xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch, không bị lôi kéo, mắc lừa bởi những thông tin bôi đen, xuyên tạc, bịa đặt. Giáo dục lịch sử cho cán bộ, đảng viên sẽ giúp tăng cường “sức đề kháng”, nâng cao bản lĩnh chính trị, tỉnh táo phát hiện, chủ động đấu tranh ngăn chặn các luận điệu xuyên tạc lịch sử, để mỗi người sẽ trở thành một chiến sĩ xung kích trên mặt trận phòng, chống “diễn biến hòa bình”, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Lịch sử không được tính bằng thế kỷ, cũng không được tính bằng thiên niên kỷ. Lịch sử không chỉ là một lớp người mà là rất nhiều những thế hệ. Và thế hệ sau phải được giáo dục để biết ơn với những gì mà thế hệ trước đã dùng máu và nước mắt để cho chúng ta ngày hôm nay được sống trong hoà bình, ấm no. Chính vì vậy, tôn trọng lịch sử chính là bài học đầu tiên về lòng yêu nước.
Cẩm Nhung