Nhiệm kỳ thay đổi nhân sự Chủ tịch nước
Báo cáo trước Quốc hội về những nét chính trong công tác của Chủ tịch nước nhiệm kỳ vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiệm kỳ 2016-2021 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp.
Trong bối cảnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; kinh tế tăng trưởng từng bước vững chắc và ngày càng được cải thiện; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Vị thế, uy tín của nước ta tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế.
Nhiệm kỳ này cũng có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ Quyền Chủ tịch nước từ ngày 23/9/2018 đến ngày 23/10/2018.
Ngày 23/10/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tín nhiệm bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị này cho đến nay. Trên cương vị của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cố gắng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ XII của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Kiện toàn nhiều nhân sự cấp cao của Nhà nước
Một trong những nhiệm vụ của nhiệm kỳ qua là kiện toàn nhiều nhân sự cấp cao của Nhà nước. Chủ tịch nước đã ký quyết định bổ nhiệm 5 phó thủ tướng, 21 bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố 72 luật, 2 pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đánh giá công tác xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới cần được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm phát hiện những vấn đề bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, hạn chế tình trạng chồng chéo hoặc khi luật đã được ban hành vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn.
Về công tác đối ngoại, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, giữ vững chủ quyền quốc gia, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Trên cương vị là Nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Nhà nước ta đi thăm 19 quốc gia trên thế giới; đón tiếp, hội đàm với 26 đoàn nguyên thủ quốc gia thăm Việt Nam; dự 3 hội nghị quốc tế và chủ trì 1 hội nghị quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam (APEC 2017).
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược quan trọng (Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia…), bảo đảm giữ vững chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc.
Phối hợp chặt chẽ với các thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh xây dựng, ban hành Quy chế tạm thời về hoạt động của Hội đồng, chương trình nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2016-2021.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ còn một số hạn chế như việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm. Chủ tịch nước quyết định ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA mang tính hình thức vì không quản lý trực tiếp, ít nắm được cụ thể tình hình quản lý, sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA…
Quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”
Một trong số những bài học kinh nghiệm được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu ra là luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; nhân dân là trung tâm; trọng dân, gần dân, hiểu dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là bài học quan trọng.
Thời gian tới, cần tiếp tục mở rộng, phát triển và nâng cao quan hệ đối ngoại, tạo sự tin cậy chính trị ổn định, bền vững với các đối tác nước ngoài; xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác; thúc đẩy quan hệ đối ngoại tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước./.
Vân Anh/VOV.VN