Tại cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện với Ukraine; luôn ghi nhớ sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình mà nhân dân Liên Xô, trong đó có Ukraine, đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước trước đây cũng như trong phát triển đất nước ngày nay.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu quan ngại về tình hình xung đột hiện nay; kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu; khẳng định một lần nữa lập trường nhất quán của Việt Nam là tất cả các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, bao gồm tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, có tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan, tránh gây tổn thất cho thường dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam hoan nghênh, ủng hộ các nỗ lực trung gian hòa giải quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài cho xung đột với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào quá trình thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp để sớm ổn định tình hình, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh khi xung đột chấm dứt, Việt Nam sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế hỗ trợ công cuộc tái thiết tại Ukraine.
Tổng thống Ukraine đánh giá cao lập trường của Việt Nam, đồng thời cảm ơn Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine; mong muốn Việt Nam ủng hộ tuyên bố của Hội nghị hoà bình (lần thứ nhất) tại Thuỵ Sỹ, cũng như giúp Ukraine trong việc rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh. Tổng thống Zelensky khẳng định Ukraine luôn bảo đảm an toàn cho cộng đồng người Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Kiev.
Hai bên chia sẻ nhu cầu duy trì và thúc đẩy hợp tác song phương thông qua tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp; tìm kiếm biện pháp hiệu quả, phù hợp nhằm duy trì sớm khôi phục trao đổi thương mại song phương.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cảm ơn Ucraina đã hỗ trợ bảo đảm an toàn và sơ tán công dân Việt Nam tại Ukraine và mong muốn chính quyền Ukraine tiếp tục hỗ trợ bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho công dân và doanh nghiệp Việt Nam hiện đang sinh sống, làm việc tại Ukraine.
Tại cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von de Layern, hai bên bày tỏ hài lòng với những bước phát triển tích cực trong quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc mừng bà Ursula von de Layern tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ 2024 - 2029; cảm ơn Ủy ban châu Âu đã thăm hỏi, động viên nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác/đối thoại hiện có; hoan nghênh EU đóng vai trò tích cực tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; khẳng định Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối thúc đẩy hợp tác của EU với các nước trong khu vực thông qua khuôn khổ Đối tác chiến lược ASEAN - EU.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vui mừng nhận thấy, sau gần 4 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã tạo sức bật mới cho thương mại song phương, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong ASEAN và EU trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, đầu tư của EU vào Việt Nam cũng tăng lên và EU hiện là nhà đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả EVFTA, trong đó ưu tiên tháo gỡ những vướng mắc về mở cửa thị trường cho hàng hóa hai bên, bao gồm việc Ủy ban Châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị hai bên đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh và phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, nhất là tội phạm công nghệ cao; EU tiếp tục tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực quản trị công, phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn, đặc biệt hỗ trợ Việt Nam tối đa về vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực để thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và triển khai hiệu quả Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cũng như thích ứng các quy định mới của EU về môi trường và phát triển bền vững.
Đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt của EU trong triển khai Chiến lược hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; đề nghị hai bên sớm nâng cấp quan hệ, làm cơ sở thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Nhất trí với những đề xuất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, bà Ursula von de Layern khẳng định EU sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong triển khai hiệu quả các thỏa thuận, cơ chế trao đổi hiện có để thúc đẩy hợp tác hai bên trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, quốc phòng - an ninh, hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo, đổi mới sáng tạo, giao lưu văn hóa…, tăng cường phối hợp giải quyết các thách thức toàn cầu; tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, triển khai hiệu quả JETP, hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu.
Về tình hình Biển Đông, hai bên nhất trí nhấn mạnh các tranh chấp cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả khu vực.