Bắt đầu từ ngày 21/9 đến 27/9/2024, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao nước ta sẽ có chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, sau đó thăm cấp Nhà nước tới Cuba theo lời mời của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Diaz Canel Bermudez cùng Phu nhân.
Chuyến công tác tiếp tục đề cao vị thế, uy tín của đất nước, khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa dạng háa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, Chỉ thị 32 của Bộ Chính trị về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại Đảng và các Đề án và Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 diễn ra trong bối cảnh có ý nghĩa đặc biệt khi Liên Hợp Quốc và Việt Nam cùng hướng tới 80 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh và 80 năm ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hướng tới một tương lai và đường lối phát triển mới cho Liên Hợp Quốc và thế giới.
Trước đó, trong thông điệp gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hồi tháng 5, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục là đối tác tin cậy cùng đồng hành với Việt Nam trong tiến trình phát triển đất nước; đặc biệt đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nổi bật cũng như những đóng góp tích cực của Việt Nam thời gian qua trong giải quyết những vấn đề toàn cầu tại các diễn đàn Liên Hợp Quốc.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc bày tỏ mong muốn sớm được gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai bên.
Đây là chuyến công tác tham dự hoạt động đối ngoại đa phương và làm việc tại Hoa Kỳ đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới và cũng là lần đầu tiên một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ta tham dự trực tiếp các phiên họp cấp cao tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Diễn ra trong bối cảnh thế giới và Liên Hợp Quốc đang chứng kiến nhiều biến chuyển sâu sắc, với nhiều thách thức truyền thống và phi truyền thống, tác động mạnh mẽ đến các thể chế đa phương, hợp tác và phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu và với từng quốc gia.
Với 150 người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước thành viên Liên Hợp Quốc dự kiến tham dự, Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế sẽ cùng rà soát, tìm các cách thức hữu hiệu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) cho đến năm 2030, đề ra các định hướng lớn về phát triển cho giai đoạn tới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, tại Liên Hợp Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đem tới những thông điệp lớn, quan trọng ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, với vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc đối với hoà bình, hợp tác, phát triển trên thế giới.
Đây cũng là dịp Việt Nam một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn đóng góp tích cực vào hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Tâm điểm trong Tuần lễ Cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 lần này là Hội nghị thượng đỉnh Tương lai (từ ngày 22-23/9) với chủ đề “Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt đẹp hơn” và Phiên thảo luận chung của ĐHĐ LHQ (từ ngày 24-28/9) với chủ đề bao trùm là “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Cùng hành động để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thế hệ hiện nay và mai sau” nhằm kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế và củng cố chủ nghĩa đa phương, trong đó Liên Hợp Quốc có vị trí trung tâm nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung, đặc biệt là các Mục tiêu phát triển bền vững.
Đây là dịp để lãnh đạo, nguyên thủ các quốc gia trao đổi và đề xuất các giải pháp nhằm ứng phó với những thách thức toàn cầu, đề ra tầm nhìn chiến lược cho Liên Hợp Quốc, định hướng phát triển tương lai vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng, công bằng và bền vững hơn cho nhân loại. Các thảo luận và quyết định trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 có tác động lâu dài và sâu rộng đối với quan hệ quốc tế, hợp tác toàn cầu và thúc đẩy các mục tiêu chung.
Chuyến công tác làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hoa Kỳ đúng vào dịp kỷ niệm một năm hai nước thiết lập quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện và đang tích cực chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ vào năm 2025.
Đây là dịp quan trọng để hai bên cùng nhìn lại những thành tựu mà khuôn khổ quan hệ mới mang lại, đồng thời thảo luận về những định hướng và biện pháp lớn để tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực, ổn định, thực chất của quan hệ trong nhiều năm tới.
Hai bên sẽ tiếp tục bám sát những nguyên tắc nền tảng của quan hệ hai nước, bao gồm “tôn trọng hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau”, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị và lòng tin chiến lược, đảm bảo nguyện vọng của nhân dân hai bên, đóng góp tích cực hơn nữa cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững tại khu vực cũng như trên thế giới.
"Cùng với việc nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện, chúng ta đã đặt tương lai, sự thịnh vượng và an ninh của hai quốc gia cùng song hành với nhau. Sự thành công của chúng tôi là sự thành công của các bạn, và thành công của Việt Nam cũng chính là thành công của chúng tôi. Chúng ta đã cùng đi được một chặng đường dài và vẫn còn cả một tương lai chờ đợi phía trước. Vẫn còn rất nhiều điều chúng ta có thể cùng nhau thực hiện, vì mục tiêu hoà bình, ổn định, thịnh vượng của hai quốc gia và của cả khu vực” - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper nhận định.
Ngay khi kết thúc các hoạt động tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Cuba theo lời mời của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Diaz Canel Bermudez.
Thời gian qua, quan hệ đoàn kết truyền thống hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba, là tài sản quý báu được Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước hết sức coi trọng và tiếp tục phát triển tốt đẹp trên tất cả các kênh, các lĩnh vực. Lãnh đạo cấp cao Cuba luôn khẳng định Việt Nam là “Đồng minh chiến lược”, “Đối tác quốc tế tin cậy nhất”. Còn Việt Nam cũng luôn coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy phát triển mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam-Cuba; luôn sát cánh, đồng hành và ủng hộ sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của nhân dân Cuba anh em.
Mới đây nhất, tại cuộc tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Đại sứ Cuba khẳng định, Ban lãnh đạo cấp cao và nhân dân Cuba rất mong chờ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam thăm cấp Nhà nước đến Cuba; khẳng định ý chí và sự sẵn sàng của Lãnh đạo cấp cao Cuba không ngừng củng cố, thắt chặt mối quan hệ lịch sử đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc.
Trong hơn 60 năm qua, Việt Nam và Cuba đã luôn kề vai, sát cánh trong mọi hoàn cảnh. Câu nói bất hủ của Tổng Tư lệnh Fidel Castro Ruz: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!” là minh chứng cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Cuba. Hai bên thường xuyên duy trì gặp gỡ tiếp xúc song phương, đặc biệt là cấp cao và quan hệ giữa 2 Đảng ngày càng sâu sắc hơn.
Đặc biệt, Cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Cuba đang điều phối nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng về cung cấp lúa gạo, phát triển sản xuất lương thực, y tế, dược phẩm. Việt Nam hiện là đối tác thương mại châu Á lớn thứ hai của Cuba và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của khu vực châu Á tại Cuba. Hai nước luôn tích cực ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc.
Cuba cũng là một trong những nước mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sớm sang thăm, đúng dịp hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 65 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1960. Qua chuyến thăm này, Đảng, Nhà nước Việt Nam, cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước muốn khẳng định sự đoàn kết và tinh thần hữu nghị đặc biệt với Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba anh em. Tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, trong đó có việc, hết sức coi trọng và luôn mong muốn phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết, qua chuyến thăm lần này, Đảng và Nhà nước ta cùng với Đảng và Nhà nước Cuba cũng rất mong muốn tiếp tục tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, phối hợp trên các vấn đề quốc tế vì lợi ích của cả hai nước, hai dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, hai bên trao đổi và đề ra những phương hướng cùng với những biện pháp cụ thể để tăng cường hợp tác nhiều mặt, trong đó có hoạt động hợp tác về kinh tế, thương mại. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai, là đối tác đầu tư lớn nhất Cuba đến từ khu vực châu Á và châu Đại Dương.
Chuyến công tác tới Mỹ và thăm cấp Nhà nước tới Cuba lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn đóng góp tích cực vào hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, tiếp tục thúc đẩy phát triển mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam-Cuba; quốc gia đầu tiên ở Tây Bán cầu thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Việt Nam và Cuba sẽ luôn kề vai sát cánh, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau.