Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân Kim Keon Hee thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22-24/6/2023. Nhân dịp này, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã trả lời phỏng vấn báo chí về những định hướng lớn trong hợp tác song phương cũng như tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực.
PV: Thưa ngài Tổng thống, tháng 12/2022, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức nâng quan hệ hợp tác lên tầm “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Trên cương vị Tổng thống, Ngài đánh giá thế nào về khuôn khổ và nội dung mới trong mối quan hệ đối tác này trên khía cạnh hợp tác song phương?
Tổng thống Yoon Suk Yeol: Trong suốt hơn 30 năm, kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, Việt Nam và Hàn Quốc đã không ngừng xây dựng và vun đắp mối quan hệ hợp tác mẫu mực, cùng có lợi trên mọi lĩnh vực. Điều quan trọng là chúng ta không bằng lòng với những kết quả đạt được, mà không ngừng thúc đẩy phát triển mối quan hệ giữa hai quốc gia thiết thực hơn và hướng tới tương lai, phù hợp với môi trường trong và ngoài nước đang biến đổi nhanh chóng.
Trên tinh thần này, năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 30 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã nâng cấp quan hệ hợp tác lên tầm “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Điều này thể hiện chính phủ và nhân dân hai nước quyết tâm đoàn kết, mở rộng lĩnh vực hợp tác và đưa trao đổi song phương đi vào chiều sâu.
Trước hết, tôi mong muốn tăng cường hợp tác an ninh với Việt Nam để trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể bén rễ vững chắc. Hàn Quốc sẽ tiếp tục hợp tác về an ninh hàng hải với Việt Nam. Đồng thời, tôi hi vọng mở rộng hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng dựa trên năng lực công nghệ vượt trội của Hàn Quốc đã được kiểm chứng trên thị trường thế giới.
Hàn Quốc sẽ không ngừng tăng cường hợp tác theo định hướng tương lai vì mục tiêu Việt Nam và Hàn Quốc cùng thịnh vượng. Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST), dự án viện trợ độc lập không hoàn lại lớn nhất từ trước tới nay của Chính phủ Hàn Quốc, để VKIST trở thành trung tâm phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam. Đặc biệt, nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam lần này, tôi sẽ công bố một dự án viện trợ mới nhằm giúp Việt Nam tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ.
Hiện nay thế giới đang phải đối mặt với những khủng hoảng phức tạp ở mức độ hoàn toàn khác so với trước đây. Việt Nam và Hàn Quốc phải cùng chung sức để vượt qua những thách thức này. Đặc biệt, chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu, năng lượng, chuyển đổi số, đô thị thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu... là những lĩnh vực mà Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam chú trọng hợp tác trong tương lai.
Năm nay là năm khởi đầu mạnh mẽ cho “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai quốc gia. Với ý nghĩa đó, tôi hi vọng chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.
PV: Sau khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được những bước phát triển ngoạn mục trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Xin Tổng thống cho biết nhận định của Ngài về kế hoạch hợp tác kinh tế và mở rộng đầu tư vào Việt Nam của Chính phủ Hàn Quốc?
Tổng thống Yoon Suk Yeol: Tháng 12/2022, Lãnh đạo hai nước đã đưa ra mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 150 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, kim ngạch thương mại song phương năm nay đang tăng trưởng âm. Để khôi phục sự năng động của thương mại song phương, một phái đoàn kinh tế quy mô lớn sẽ đồng hành cùng tôi trong chuyến thăm Việt Nam lần này.
Việt Nam là quốc gia trọng điểm trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc, do đó, hợp tác giữa hai nước cần được phát triển sâu rộng hơn nữa. Phạm vi hợp tác cần phải được mở rộng từ lĩnh vực sản xuất chế tạo sang lĩnh vực dịch vụ trong các ngành như tài chính, phân phối lưu thông hàng hóa, công nghệ thông tin, nội dung văn hóa và các lĩnh vực dịch vụ khác... Phương thức hợp tác cũng cần triển khai theo hướng mở rộng và tận dụng thế mạnh của nhau. Hàn Quốc dự định tăng cường mở rộng hợp tác nhằm nâng cao năng lực công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp.
Hợp tác trong các mục tiêu tương lai như đạt trung hòa carbon vào năm 2050 và chuyển đổi số cũng rất quan trọng. Tôi hy vọng rằng thế hệ tương lai của hai nước sẽ đóng vai trò chủ lực trong các mục tiêu tương lai này.
PV: Hiện Hàn Quốc đang triển khai các chính sách đối ngoại lớn như “Tầm nhìn quốc gia chủ chốt toàn cầu (GPS)” và “Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc – ASEAN (KASI)”. Rất mong Ngài có một vài chia sẻ về tiềm năng hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam vì mục tiêu tương trợ chính sách trong quan hệ song phương và đa phương?
Tổng thống Yoon Suk Yeol: Tôi được biết, cho tới giây phút cuối cùng của cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cha già của dân tộc Việt Nam, vẫn đau đáu với mong muốn “đất nước được độc lập, người dân được tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Giờ đây, Việt Nam đang chủ động, tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế vì hòa bình thế giới; đồng thời hướng tới mục tiêu “trở thành nước phát triển vào năm 2045”.
Mục tiêu này của Việt Nam cũng phù hợp với “Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc – ASEAN (Korea-ASEAN Solidarity Initiative, KASI) mà tôi đã công bố tại “Hội nghị cấp cao Hàn Quốc – ASEAN” được tổ chức vào tháng 11 năm ngoái tại Phnom Penh, Campuchia nhằm thực hiện tầm nhìn quốc gia chủ chốt toàn cầu (Global Pivotal State: GPS) của Hàn Quốc.
Tầm nhìn quốc gia chủ chốt toàn cầu (GPS) của Chính phủ Hàn Quốc là sự thể hiện quyết tâm thực hiện vai trò tích cực và đóng góp cho cộng đồng khu vực và quốc tế phù hợp với thế và lực mới của Hàn Quốc. Theo đó, Hàn Quốc sẽ tìm kiếm những phương án hợp tác sáng tạo và chặt chẽ với Việt Nam, đối tác chiến lược toàn diện của Hàn Quốc, trong các tổ chức và cơ chế tham vấn đa phương như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) nhằm đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế.
Chuyến thăm Việt Nam lần này là chuyến thăm song phương đầu tiên của tôi tới một quốc gia Đông Nam Á kể từ sau khi nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc. Vì lẽ đó, hơn hết, chuyến thăm Việt Nam lần này của tôi có ý nghĩa là cùng Việt Nam, đối tác trọng tâm của Hàn Quốc, chính thức khởi động triển khai đầy đủ “Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc – ASEAN (KASI).
Đặc biệt, Hàn Quốc mong muốn tăng cường hợp tác thiết thực và hướng tới tương lai với các quốc gia trong ASEAN và khu vực Mekong. Hàn Quốc sẽ mở rộng hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực định hướng tương lai như chuyển đổi số, biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khoẻ và y tế trên cơ sở tôn trọng “Vai trò trung tâm của ASEAN (ASEAN Centrality) và nhu cầu của ASEAN. Đồng thời, Hàn Quốc sẽ tăng cường tương trợ chiến lược trong các lĩnh vực mà Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN cùng quan tâm như an ninh biển và công nghiệp quốc phòng. Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển và thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực Mekong, vấn đề mà Việt Nam rất coi trọng.
Để thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc tăng cường quan hệ Hàn Quốc – ASEAN, tôi hi vọng quan hệ Hàn Quốc – ASEAN sẽ được nâng lên tầm “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” trong dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ Hàn Quốc – ASEAN trong năm 2024. Sau Hội nghị cấp cao Hàn Quốc – ASEAN dự kiến được tổ chức vào tháng 9 năm nay, Chính phủ Hàn Quốc sẽ đề xuất với các nước ASEAN những sáng kiến cụ thể nhằm đạt được mục tiêu này.
Tôi xin trân trọng cảm ơn Việt Nam với vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại Hàn Quốc - ASEAN đang thực hiện xuất sắc vai trò làm cầu nối cho Hàn Quốc với các nước ASEAN. Tôi hi vọng, trong quá trình triển khai “Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc – ASEAN(KASI)” và để đạt mục tiêu thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Hàn Quốc – ASEAN trong năm tới, Hàn Quốc và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác và đối thoại chặt chẽ hơn nữa. Tôi tin tưởng rằng qua đây, hai quốc gia sẽ có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN.
PV: Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa. Chính điều này đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển giao lưu về con người giữa hai nước trong suốt 30 năm qua. Xin Ngài vui lòng cho biết về những chính sách của Chính phủ Hàn Quốc nhằm thúc đẩy trao đổi nguồn nhân lực và giao lưu nhân dân giữa hai nước?
Tổng thống Yoon Suk Yeol: Giao lưu nhân dân giữa hai nước là lĩnh vực mà cha tôi cũng đã có nhiều đóng góp nên cá nhân tôi có những cảm xúc rất mới mẻ trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này.
Cha tôi, với niềm tin vững chắc rằng giao lưu giữa thế hệ tương lai là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của mối quan hệ giữa hai quốc gia và mong muốn đóng góp vào hoạt động trao đổi học thuật với Việt Nam, đã hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sang Trường Đại học Quốc tế của Đại học Yonsei du học vào năm 1993, thời điểm ngay sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong suốt hơn 30 năm qua, nhờ sự nỗ lực quý báu của mọi tầng lớp xã hội ở hai nước, hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước đã có những bước phát triển nhảy vọt. Trước đại dịch COVID-19, mỗi năm đã có gần 5 triệu lượt người dân hai nước qua lại thăm viếng lẫn nhau và đã có trên 500 chuyến bay thẳng mỗi tuần. Không cần nói gì hơn, đó là quy mô giao lưu nhân dân lớn nhất mà Hàn Quốc từng có với một quốc gia Đông Nam Á.
Năm ngoái, khi cuộc sống thường nhật được khôi phục, trong số du khách nước ngoài đến thăm Việt Nam, người Hàn Quốc vẫn chiếm số lượng lớn nhất. Trong mùa hè năm nay, người dân Hàn Quốc vẫn nói rằng Việt Nam là điểm đến du lịch lý tưởng nhất. Phở Việt Nam và cà phê Việt Nam giờ đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống thường nhật của người dân Hàn Quốc.
Hiện nay, có khoảng 170.000 người Hàn Quốc đang sinh sống ở Việt Nam. Đây cũng là quy mô cộng đồng Hàn Quốc lớn nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Hiện có khoảng 6.500 gia đình Hàn – Việt tại Việt Nam và trên 80.000 gia đình Hàn – Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc. Kể từ sau khi Hoàng tử Lý Long Tường, hậu duệ của nhà Lý ở Việt Nam đến Cao Ly, Việt Nam và Hàn Quốc đã duy trì “quan hệ thông gia” trong suốt 800 năm qua. Giờ đây, không có gì là thái quá khi nói chúng ta là “người trong một nhà”.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ về mặt thể chế để hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước có thể phát triển mạnh hơn nữa. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, tôi sẽ cùng các vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam chung sức nỗ lực để đảm bảo cho nhân dân hai nước có thể qua lại thăm viếng nhau thuận tiện và có cuộc sống an toàn, hạnh phúc.
Đặc biệt, Hàn Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ để mở rộng hoạt động giao lưu giữa các thế hệ tương lai của hai nước. Hàn Quốc cũng sẽ mở rộng hỗ trợ để thế hệ trẻ Việt Nam có thể tiếp cận với chương trình đào tạo tiếng Hàn Quốc chất lượng cao tại Việt Nam và mở rộng cơ hội để sẽ có thêm nhiều sinh viên Việt Nam được học tập tại Hàn Quốc. Tôi tin tưởng rằng khi thế hệ tương lai của chúng ta hiểu biết và quý mến nhau hơn thì tương lai của quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng tươi sáng hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn Ngài Tổng thống./.
Theo TTXVN