Kể từ khi là thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng cho ASEAN. Đây là đánh giá của Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn trong cuộc phỏng vấn với phóng viên VOV trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo, Indonesia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham sự các phiên họp.
PV: Xin ông đánh giá về chương trình nghị sự chung của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 42 cũng như những kết quả có thể đạt được?
Tổng thư ký ASEAN: Hội nghị thượng đỉnh tại Labuan Bajo sắp tới và các hội nghị liên quan sẽ tập trung vào các vấn đề nội khối của ASEAN như xây dựng cộng đồng ASEAN, các Tuyên bố của ASEAN, các ưu tiên của ASEAN….
Với chủ đề “Các vấn đề của ASEAN - tâm điểm của tăng trưởng” của nước chủ tịch ASEAN, hội nghị sẽ thảo luận các vấn đề ưu tiên của năm chủ tịch. Theo đó, lãnh đạo ASEAN sẽ nghe báo cáo của Nhóm đặc trách về tiến độ xây dựng tầm nhìn của ASEAN, đồng thời trao đổi và sẵn sàng định hướng cho giai đoạn phát triển mới của Hiệp hội đến năm 2045.
Ngoài ra, lãnh đạo các nước cũng sẽ thảo luận các vấn đề về hợp tác kinh tế, kinh tế số, biến đổi khí hậu, đặc biệt các chương trình nghị sự khác của ASEAN như Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các thỏa thuận khu vực về hợp tác hàng hải, kết nối, mục tiêu phát triển bền vững…. các lĩnh vực khác. Đây là những vấn đề ưu tiên của ASEAN và tất nhiên các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, được cho là quan trọng đối với ASEAN.
PV: Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Timor Leste tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN với tư cách là quan sát viên. Ông có đánh giá gì về ý nghĩa của sự kiện này cũng như tiến độ gia nhập chính thức của Timor Leste trong ASEAN?
Tổng thư ký ASEAN: Năm ngoái, Timor Leste đã nhận được quy chế quan sát viên, nghĩa là cánh cửa gia nhập chính thức cho Timor Leste đang mở ra. Timor Leste được tham gia dự tất cả các cuộc họp của ASEAN không chỉ trong nội bộ ASEAN mà còn cả cuộc họp với các đối tác bên ngoài.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 42 sắp tới sẽ là một sự kiện lịch sử vì lần đầu tiên Timor Leste tham dự với tư cách là nước quan sát viên. Thực tế, Timor Leste chưa phải là một thành viên chính thức của ASEAN nhưng đã tham dự đầy đủ vào các cuộc họp của ASEAN, cả ở cấp thượng đỉnh.
Tôi nghĩ, đây là một quyết định chính trị quan trọng của lãnh đạo các nước ASEAN và ASEAN vẫn đang nỗ lực hỗ trợ Timor Leste xây dựng năng lực để họ có thể chuẩn bị đón nhận những lợi ích khi trở thành thành viên chính thức của tổ chức này.
PV: Thúc đẩy các cuộc đàm phán Bộ Quỹ tắc ứng xử trên Biển Đông COC là một trong những trụ cột “Các vấn đề của ASEAN” trong năm Chủ tịch ASEAN 2023. Theo ông, cần phải có những yếu tố gì để đạt được một COC hiệu quả và thực chất?
Tổng thư ký ASEAN: Tại cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN hẹp vào tháng 2 vừa qua, Ngoại trưởng Indonesia Retno Masurdi đã tuyên bố với tư cách nước chủ tịch ASEAN, Indonesia mong muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán về COC.
Để có một COC hiệu quả, trước hết, chúng ta cần phải có các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các nước thành viên ASEAN với Trung Quốc. Những yếu tố quan trọng để cấu thành một COC có ý nghĩa và hiệu quả là cần có sự nhất trí của tất cả các nước tham gia đàm phán. Do đó, tiến trình đàm phán rất quan trọng để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan, các quốc gia khác nhau tìm được tiếng nói chung và tất nhiên điều này cần có thời gian.
Theo tôi, điều quan trọng chúng ta không chỉ dựa trên nền tảng DOC mà cũng cần phải có điều khoản đồng thuận khác để đảm bảo COC là văn kiện quan trọng và hiệu quả giải quyết các bất đồng còn tồn tại giữa các quốc gia. Nếu chúng ta có hợp tác, đảm bảo hòa bình và an ninh tại Biển Đông sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia trong khu vực.
PV: Ông có thể chia sẻ về những cơ hội và thách thức mà ASEAN phải đối mặt hiện nay và ASEAN cần phải làm gì để đảm bảo sự thống nhất, đoàn kết và vai trò trung tâm của mình?
Tổng thư ký ASEAN: ASEAN thực sự vẫn là một tổ chức quan trọng của khu vực và toàn cầu, thu hút rất nhiều sự quan tâm với việc các đối tác muốn nâng cấp mối quan hệ với ASEAN, trở thành đối tác đối thoại, một số nước muốn tham gia vào cơ chế do ASEAN dẫn dắt…. Vì vậy, những gì ASEAN làm, đàm phán hay hành động không chỉ quan trọng đối với ASEAN mà còn đối với các quốc gia đối tác.
Tất nhiên ASEAN vẫn phải ưu tiên cho lợi ích của mình và cần phải làm thế nào để tiếp tục xây dựng ASEAN tự cường và vững mạnh, trở thành tâm điểm của tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không chắc chắn. Vì vậy, các quốc gia phải thúc đẩy các nỗ lực hợp tác, đảm bảo rằng khu vực vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư từ bên ngoài khu vực, từ các quốc gia đối tác, đảm bảo hòa bình và an ninh ổn định để thu hút đầu tư.
Các nước ASEAN cũng cần phải tận dụng lợi thế của nền kinh tế số đang phát triển để mang lại lợi ích cho mỗi công dân ASEAN nói riêng và nền kinh tế của ASEAN nói chung.
PV: Ông đánh giá thế nào về các thành tựu của Việt Nam trong những năm qua, cũng như những đóng góp của Việt Nam trong các công việc chung của ASEAN?
Tổng thư ký ASEAN: Việt Nam đã có bước chuyển mình lớn trong thời gian qua với sự tăng trưởng đáng kinh ngạc. Về dân số, Việt Nam hiện đứng trong top đầu các quốc gia ASEAN, với một nền kinh tế phát triển nhanh và mạnh mẽ, thu hút được nhiều đầu tư, các chỉ số phát triển xã hội tăng nhanh. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia khu vực thu hút nhiều đầu tư, du lịch…
Kể từ khi là thành viên chính thức của ASEAN, tôi nghĩ Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng cho ASEAN. Dù giữ vai trò nước chủ tịch ASEAN, thực hiện nhiệm vụ trong Ban Thư ký ASEAN hay là nước điều phối viên với các đối tác đối thoại, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam cũng luôn thúc đẩy lợi ích của các quốc gia ASEAN. Có thể nói Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, chủ động, đóng góp lớn cho ASEAN.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Phạm Hà-Võ Giang/VOV-Jakarta