Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 đang được Quốc hội khóa XV xem xét và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp lần này. Với nhiều nội dung vượt trội, Nghị quyết mới được kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM bứt phá mạnh mẽ…
Cán bộ phấn khởi, mong chờ
Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 gồm 12 Điều, trong đó 7 Điều (từ Điều 4 - Điều 10) quy định 44 cơ chế, chính sách khá toàn diện trên 7 lĩnh vực khác nhau. Cụ thể là: Quản lý đầu tư; Tài chính ngân sách; Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; Thu hút nhà đầu tư chiến lược; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tổ chức bộ máy của Thành phố; tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức.
Trong nội dung dự thảo, TP.Thủ Đức được đề cập riêng thành một điều với kỳ vọng sẽ giúp TP này phát triển đúng như kỳ vọng.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, TP Thủ Đức rất mong chờ Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sẽ được Quốc hội sớm thông qua. Bởi, từ khi thành lập đến nay, những tồn tại, bất cập khiến cho TP Thủ Đức không thể phát huy hết tiềm năng lợi thế. Do đó, Nghị quyết mới sẽ tạo điều kiện, nhất là cơ chế chính sách cho việc vận hành TP.
Ông Tùng cho biết, sắp tới TP.HCM cũng sẽ tăng cường cán bộ phù hợp để giúp TP Thủ Đức hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.
"Đảng bộ, Chính quyền TP Thủ Đức hiện nay tâm lý chung là hết sức phấn khởi chờ đón Nghị quyết mới này bởi đây là điều kiện để giúp việc phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đặc biệt, đây là điều kiện quan trọng để tạo điều kiện phát triển TP Thủ Đức nhanh hơn nữa, đáp ứng kỳ vọng khi chúng ta thành lập TP Thủ Đức", ông Tùng nhấn mạnh.
Phát huy tính sáng tạo, dám nghĩ dám làm
Nhìn nhận lại quá trình thực hiện Nghị quyết 54, ngoài các nguyên nhân khách quan như tình hình dịch bệnh, tình hình chính trị, xung đột, kinh tế thế giới bất ổn…, các chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra việc Nghị quyết chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng có một phần nguyên nhân không nhỏ là do… cán bộ.
Việc một bộ phận cán bộ của TP.HCM còn e dè, chưa phát huy được tinh thần dám nghĩ dám làm, thụ động trong công việc khiến nhiều đầu việc không được triển khai; tình trạng “hỏi những gì trong thẩm quyền”, “công văn trao đi, đổi lại” tốn nhiều thời gian, điểm nghẽn thủ tục khiến cho công việc bị trì trệ…
Đây là bài học cần phải rút ra trong Nghị quyết mới. Bởi, dù Nghị quyết thay thế có nhiều nội dung đột phá nữa nhưng để triển khai hiệu quả thì rất cần có sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương; sự chủ động của các sở, ban, ngành và quận, huyện, thành phố của TP.HCM và nhất là sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của đội ngũ cán bộ.
Ông Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM cho rằng, cần phát huy truyền thống năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền Thành phố; tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của TP.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng thừa nhận, hiện có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức của TP còn tâm lý e dè, ngại trách nhiệm nhưng ông Phan Văn Mãi khẳng định không phải là tất cả.
Thời gian qua, TP.HCM đã có các biện pháp tư tưởng cũng như có cả biện pháp hành chính. TP rà soát lại việc giao nhiệm vụ và có kiểm tra thực hiện của cán bộ. Hiện nay, không phải cán bộ nào cũng được hưởng thu nhập tăng thêm mà sẽ tùy vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ
Các sở, ngành cũng đang tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ để làm sao tổ chức triển khai ngay các nội dung của Nghị quyết thay thế ngay khi được Quốc hội thông qua.
Ông Phan Văn Mãi khẳng định đến giờ này, TP khá chủ động trong việc này và cũng mong mỏi sự đồng thuận của người dân TP.
"Tôi tin không chỉ cán bộ công chức viên chức TP mà người dân TP đều có sự tự trọng của mình. Trước các thách thức, trước những nhiệm vụ lớn sẽ có sự nỗ lực phấn đấu để thực hiện và trong điều kiện khó khăn sẽ phấn đấu vượt qua khó khăn tiếp tục đưa TP phát triển. Tôi nghĩ là đông đảo cán bộ công chức, viên chức và người dân TP đều đang trong tâm thế đó", ông Mãi nhấn mạnh.
Hiện UBND Thành phố đang xây dựng kế hoạch triển khai chuẩn bị thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với khoảng 40 nội dung, đầu việc; trong đó sẽ trình HĐND Thành phố thông qua 7 nội dung tại kỳ họp vào tháng 7/2023; 33 nội dung, đầu việc còn lại sẽ tiếp tục chuẩn bị thật kỹ để trình cấp có thẩm quyền thông qua, triển khai trong quý IV năm 2023.
TP.HCM sẽ tận dụng tối đa quỹ thời gian để thực hiện có hiệu quả nhất Nghị quyết thay thế với tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”./.
Hà Khánh/VOV-TP.HCM