Hội CCB xã Châu Điền, huyện Cầu Kè với mô hình “Hội viên khá, giàu giúp hội viên nghèo, thoát nghèo bền vững”
Ông Sơn Khởi, Chủ tịch Hội CCB xã Châu Điền cho biết: Hội CCB xã Châu Điền có 08 chi hội với 225 hội viên, trong đó 198 hội viên dân tộc Khmer. Năm 2016, có 26 hộ hội viên nghèo, 34 hộ cận nghèo, 14 căn nhà tạm bợ. Thực hiện phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, xóa nhà tạm”, Hội CCB xã đã cụ thể hóa phong trào, xây dựng mô hình “Hội viên khá, giàu giúp hội viên nghèo, thoát nghèo bền vững”, phù hợp với tình hình, thực tế địa phương.
Qua rà soát 26 hộ nghèo, Hội CCB xã phân ra 02 nhóm đối tượng là nhóm thuộc diện thiếu vốn sản xuất và nhóm thuộc diện thiếu kinh nghiệm sản xuất. Với nhóm thiếu vốn sản xuất, Hội tạo điều kiện, hỗ trợ cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và ưu tiên cho mượn vốn từ chi hội; với nhóm thuộc diện thiếu kinh nghiệm sản xuất, ngoài việc hỗ trợ vốn, chi hội sẽ phân công hội viên khá, giàu, hội viên sản xuất giỏi hỗ trợ, chỉ dẫn kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi của các cá nhân để hội viên nghèo có thể thực hiện mô hình.
Đối với ấp Châu Hưng với phương châm giúp cho hội viên thoát nghèo bền vững không để tái nghèo; được biết, hội viên Trần Văn Đông, sau khi thoát nghèo năm 2016, tình hình kinh tế gia đình gặp khó khăn, nuôi gia súc, gia cầm bị thất bại do dịch bệnh dẫn đến lỗ vốn, khả năng tái nghèo rất cao. Nhận thấy điều đó, Chi hội vận động 16 hội viên khá giàu đóng góp 16 triệu đồng, hỗ trợ hội viên Trần Văn Đông mua 01 con bò sinh sản và phân công hội viên hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc. Năm 2019, ông Trần Văn Đông trả xong vốn hỗ trợ của các hội viên và còn lại được 02 con bò nghé, trị giá trên 30 triệu đồng. Từ đó, kinh tế gia đình ông đã ổn định và không tái nghèo.
Đồng thời, Hội CCB xã phát động gây quỹ hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế ở các chi hội, tổng số tiền gần 300 triệu đồng, mỗi tháng cho từ 05 - 06 lượt hội viên mượn, trung bình từ 07 - 15 triệu đồng, thời hạn từ 04 - 06 tháng để phát triển kinh tế, chăn nuôi, mua phân bón… ngoài ra, Hội CCB xã duy trì mô hình “Hũ gạo đồng đội” của chi hội Xóm Lớn, Ô Tưng B, hàng tháng, 02 chi hội giúp 02 lượt hội viên nghèo, số lượng 20kg gạo/hội viên/tháng.
Song song đó, nhiều hội viên tích cực vận động mạnh thường quân hỗ trợ hội viên nghèo như: hội viên Tô Văn Lớn, 05 năm qua, đã vận động xây dựng 04 căn nhà đồng đội cho hội viên khó khăn về nhà ở, số tiền gần 300 triệu đồng; hội viên Lê Văn Huỷnh, Chi hội ấp Rùm Sóc vận động nhà hảo tâm hỗ trợ tặng 10 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo trên địa bàn xã; hỗ trợ vốn xây dựng 02 căn nhà cho đồng đội, trao hơn 2,5 tấn gạo và trên 500 phần quà cho hội viên nghèo, kinh phí hơn 01 tỷ đồng. Từ các mô hình và phong trào, đời sống kinh tế của CCB được nâng lên rõ rệt, giảm số hộ nghèo từ năm 2016 là 26 hộ, đến nay, toàn xã không còn hộ CCB nghèo, hiện còn 03 hộ CCB cận nghèo, dự kiến cuối năm 2020, có 02 hộ thoát nghèo.
Hội CCB thị trấn Càng Long, huyện Càng Long thực hiện hiệu quả phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, xóa nhà tạm”
Ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Càng Long cho biết: Hội CCB thị trấn hiện có 10 chi hội, 07 phân hội với 429 hội viên, trong đóm 313 hộ khá, giàu; 87 hộ trung bình; 12 hộ cận ngèo; 05 hộ nghèo (02 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội). Thực hiện phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, xóa nhà tạm”, 05 năm qua, Hội CCB thị trấn đã xây dựng 41 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, thu nhập từ 150 - 450 triệu đồng/năm, nổi bật như: mô hình sản xuất hủ tíu và bán xe đạp điện của hội viên Hồ Phước Hải, Khóm 3; thu mua, chế biến dừa trái của hội viên Phạm Huy Thục; thu mua lúa, bán gạo của hội viên Nguyễn Văn Nhu, Khóm 6; trồng cam sành, cam xoàn của hội viên Phạm Văn Tàu, Khóm 7…
Ông Lê Thanh Tuyền, Chủ tịch Hội CCB tỉnh trao bằng khen cho các tập thể. Ảnh: Báo Trà Vinh
Đồng thời, Hội xây dựng các mô hình như: vận động các hội viên khá, giàu đóng góp số tiền 68 triệu đồng tạo nguồn quỹ để hỗ trợ hội viên nghèo; mô hình bán cây giống, con giống chậm trả, không tính lãi cho hội viên khó khăn, đã hỗ trợ trên 20 con heo sinh sản, trên 1.000 cây giống các loại, tổng kinh phí trên 45 triệu đồng. Duy trì thực hiện 03 mô hình góp vốn bằng xi-măng để xóa nhà tạm ở Khóm 9 với 46 hội viên, 06 tháng mỗi hội viên tham gia đóng từ 01 - 1,4 triệu đồng và bốc thăm cho 01 hội viên được mượn từ 10 -14 triệu đồng để sửa chữa nhà ở. Ngoài ra, Hội CCB thị trấn vận động hội viên đóng góp “Quỹ nội bộ Hội giúp nhau phát triển kinh tế”, đến nay, nguồn quỹ được 459 triệu đồng, bình quân mỗi hộ đóng góp 1,3 triệu đồng.
Nhờ đó, trong 05 năm qua, Hội CCB thị trấn Càng Long xóa được 18 hộ nghèo (năm 2016 có 23 hộ CCB nghèo), đến nay còn 05 hộ nghèo và xóa được 11 hộ cận nghèo, hiện còn 13 hộ cận nghèo; xóa 113 căn nhà tạm, nhà dột nát, với kinh phí trên 4,2 tỷ đồng. Trong đó, từ mô hình góp vốn bằng xi măng và hỗ trợ vốn đã xây dựng, sửa chữa 32 căn; Hội CCB tỉnh hỗ trợ 03 căn; mạnh thường quân hỗ trợ 05 căn…
Mô hình “Tổ hợp tác thu mua, sơ chế các mặt hàng thủy sản” của hội viên Nguyễn Công Tuyến, Khóm 2, Phường 1, thị xã Duyên Hải
Ông Nguyễn Công Tuyến, Chi hội phó, Chi hội CCB Khóm 2, Phường 1, thị xã Duyên Hải cho biết: năm 2007, khi được các cấp Hội phát động phong trào CCB vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng, tôi nghĩ ra nhiều phương án. Tuy nhiên, do không có vốn để mua nguyên liệu và không có đầu ra nên gia đình tôi chọn mô hình nhỏ là mua đầu tôm sú, loại cỡ 10 - 30 con/kg, sơ chế ra thịt thành phẩm. Lúc đầu, được anh chị em và Nhân dân ủng hộ nhiệt tình, tôi đã làm đơn xin thành lập Hợp tác xã bóc noãn đầu tôm và được UBND thị trấn Duyên Hải (nay là Phường 1) chấp thuận.
Hợp tác xã thành lập được 03 năm, thiếu nguồn hàng, không có nguồn nguyên liệu (đầu tôm sú) để sơ chế, năm 2010, tôi xin chuyển sang tổ hợp tác (THT) sơ chế các mặt hàng thủy sản với 20 thành viên và được chấp thuận. Lúc mới thành lập, các thành viên tự lo vốn trang trải, tìm kiếm nguyên liệu, thị trường đầu ra không ổn định nên gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lúc gia đình tôi muốn đổi nghề. Nhưng được sự động viên, quan tâm của đồng chí, đồng đội, của các cấp Hội, tôi suy nghĩ phải ráng, cô gắng vượt qua giai đoạn này vì THT còn tạo điều kiện cho nhiều lao động có việc làm.
Gia đình tôi và các thành viên THT không ngừng nỗ lực vươn lên, nắm bắt thời cơ, dần dần tìm được nguồn nguyên liệu dồi dào ở địa phương và các huyện Cầu Ngang, Trà Cú; thường nguồn hàng chủ yếu là các loại tôm (tôm thẻ, tôm sú, tôm bạc) đã qua sơ chế và được xuất bán tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Thành phố Hồ Chí Minh. Trung bình 03 ngày, THT sẽ xuất 01 chuyến hàng đi các tỉnh, khoảng 1,5 tấn, giá bán tùy theo loại và dao động theo giá cả của thị trường.
Hiện, THT hoạt động ổn định, từng bước phát triển với số vốn trên 01 tỷ đồng, giải quyết hơn 40 lao động địa phương có việc làm ổn định (trong đó có 14 lao động là con, em CCB), thu nhập từ 03 - 06 triệu đồng/tháng; lợi nhuận THT từ 200 - 400 triệu/năm.
Có thể thấy, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, xóa nhà tạm” là phong trào có ý nghĩa thiết thực, không chỉ giúp các hội viên có điều kiện xóa nghèo bền vững, vươn lên khá giàu, xây dựng kinh tế- xã hội địa phương phát triển mà còn là sợi dây gắn kết tình đồng chí, đồng đội… Đây cũng là động lực để cán bộ, hội viên Hội CCB nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ./.
Theo Báo Trà Vinh