Cao điểm chiến lược
Cứ điểm C1, được thực dân Pháp đặt tên là Éliane 1, thuộc cụm cứ điểm Éliane. Đây là một trong những cao điểm phía Đông tạo nên “bức bình phong” che chắn hữu hiệu, hình thành hướng phòng ngự chủ yếu để ngăn chặn đối phương tấn công từ phía Đông và Đông Bắc đánh vào trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và sân bay Mường Thanh - con át chủ bài của thực dân Pháp.
Cứ điểm C1 nằm trên điểm cao 493, với độ cao 50m, sườn dốc thoai thoải, ở giữa các cứ điểm A1, D1, D3. Tại đây, thực dân Pháp bố trí Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn bộ binh Morocco số 4 trấn giữ. Ngoài ra, chúng còn có sự hỗ trợ của Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6, Tiểu đoàn ngụy số 5, một đại đội của Tiểu đoàn dù xung kích số 8.
Biển chỉ dẫn Di tích lịch sử đồi C1. |
Về vũ khí, quân Pháp mạnh hơn ta rất nhiều. Chúng có cả súng phun lửa - một loại hỏa lực lợi hại, lần đầu tiên sử dụng ở chiến trường Việt Nam và duy nhất ở trận chiến trên cứ điểm C1. Địch lại có sự chi viện của pháo binh ở Hồng Cúm, của các khẩu trọng liên 4 nòng ở cứ điểm C2 liền kề và ở đầu cầu Mường Thanh chỉ cách trận địa ta vài trăm mét. Ngoài ra máy bay địch thường xuyên ném bom, kể cả bom cháy napalm xuống trận địa ta.
Cứ điểm C1 có vị trí cực kỳ quan trọng. Trong cuốn hồi ký “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đánh giá 5 ngọn đồi phía đông (E1, D1, C1, C2, A1) là tấm lá chắn thép, là thành lũy bảo vệ cho cả Tập đoàn cứ điểm của quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Trong đó, C1 và A1 tuy thấp hơn E1, D1, nhưng lại có vị trí quan trọng hơn nhiều, bởi chúng chỉ cách Sở chỉ huy của De Castries vài trăm mét và trực tiếp kiểm soát 2 chiếc cầu qua sông Nậm Rốm. Nếu ta chiếm được C1, A1 thì sẽ phá được thế phòng thủ liên hoàn của địch ở hai bên bờ sông Nậm Rốm, đồng thời khống chế được các cứ điểm trên cánh đồng Mường Thanh bằng hỏa lực bắn thẳng của ta… Chính vì vậy, cả quân ta và quân Pháp đều nỗ lực củng cố chỗ đứng trên ngọn đồi này.
Trận công kiên kéo dài hơn 1 tháng
Sau 10 ngày (từ ngày 18 đến 27-3-1954), bộ đội ta trên toàn mặt trận tích cực đồng loạt đào được hơn 100km giao thông hào trục chính chạy vòng quanh phân khu trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và các đường hào tấn công chọc thẳng vào những vị trí tiền tiêu của quân Pháp. Chiếc thòng lọng thít quanh cổ địch đã chính thức hoàn thành.
Trận đánh tiêu diệt cứ điểm Đồi C1 do đồng chí Vũ Lăng (sau này là Thượng tướng, Giám đốc Học viện Lục quân), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 (nay là Sư đoàn 316, Quân khu 2) là tổng chỉ huy và kéo dài hơn 1 tháng.
Lược đồ về diễn biến trận đánh cứ điểm C1. Ảnh: TTXVN |
17 giờ 30 phút ngày 30-3-1954, pháo binh chiến dịch bắn dồn dập vào Sở chỉ huy của De Castries cùng các cứ điểm C1, D1, E1, các trận địa pháo và khu vực quân cơ động của địch ở Mường Thanh, Hồng Cúm. Bị bất ngờ, chúng hoang mang không kịp trở tay đối phó trong những phút đầu tiên.
Tại cứ điểm C1, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98 nhanh chóng tiếp cận mục tiêu, sau 5 phút đã dọn xong cửa mở qua 7 lớp hàng rào dây thép gai. Nghe tiếng súng bộ binh nổ trên cứ điểm, Trung đoàn 98 ra lệnh cho pháo chuyển làn. Chỉ bằng một đợt xung phong mạnh, trong 10 phút, Đại đội 38 đã chiếm được chiếc lô cốt nằm trên mỏm đất cao nhất, nhô lên trên đỉnh đồi, được gọi là mỏm Cột Cờ. Tiểu đội trưởng mũi nhọn Nguyễn Thiện Cải cắm lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” lên nóc sở chỉ huy địch ở cứ điểm C1. Quân Pháp dồn về những lô cốt ở khu vực phía Tây, gọi pháo bắn vào trận địa. Bộ đội ta dùng lưỡi lê, lựu đạn lao lên đánh giáp lá cà. Toàn bộ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn bộ binh Morocco số 4 bị tiêu diệt hoặc bắt sống. Ta tạm thời làm chủ cứ điểm C1. Tuy nhiên, quân Pháp cho đại bác bắn dữ dội rồi dùng súng phun lửa xung phong lên đồi. Sau nhiều giờ giằng co, Pháp đã chiếm lại được mỏm Cột Cờ. Ngày 9-4-1954, sau khi được tăng viện thêm 1 đại đội của Tiểu đoàn dù Lê dương số 2, quân Pháp phản kích hòng chiếm lại cứ điểm C1. Cuộc chiến đấu diễn ra 4 ngày đêm liên tục, cuối cùng mỗi bên chiếm một nửa.
Theo kế hoạch của Bộ Chỉ huy chiến dịch, Trung đoàn 98 được lệnh rút quân về tuyến sau củng cố chuẩn bị cho cuộc tổng công kích sắp tới. Chiều 11-4-1954, trong khi đang phối hợp với Đại đoàn 304 chiến đấu ở Hồng Cúm, Tiểu đoàn 888 (Đại đoàn 316) được lệnh hành quân về tăng cường cho Trung đoàn 98. Do yêu cầu tác chiến, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng quyết định chỉ đưa Đại đội 811 của Tiểu đoàn 888 lên phòng ngự, chiến đấu trên cứ điểm C1. Trong suốt 20 ngày đêm từ ngày 11 đến 30-4-1954, cả ta và địch trên cứ điểm C1 tổ chức nhiều đợt tấn công giành giật nhau từng tấc đất, từng ụ súng, từng đoạn chiến hào.
Bộ đội ta xung phong đánh chiếm lô cốt cuối cùng của địch ở cứ điểm C1. Ảnh: TTXVN |
Chiều 30-4-1954, đồng chí Vũ Lăng lệnh cho Đại đội trưởng Đại đội 811 Lê Văn Dỵ qua điện thoại rằng, đúng 19 giờ hôm đó, trừ một bộ phận nhỏ ở lại, còn toàn bộ đại đội phải rút ra khỏi trận địa 200m về phía đột phá khẩu hướng Đông để bảo đảm cho pháo binh ta chế áp. Sau khi cân nhắc, đồng chí Lê Văn Dỵ cho một trung đội dự bị lui về phía sau, còn lại toàn đơn vị vẫn bám chắc trận địa, với lý do trận địa của ta được xây dựng vững chắc, đủ sức chịu đựng sức công phá của đạn pháo. Nếu lùi lại quá xa sẽ lỡ thời cơ chiến đấu, không còn yếu tố bất ngờ. Hơn nữa pháo của quân Pháp ở Hồng Cúm khi ấy có đủ thời gian bắn chặn, chắc chắn sẽ gây thương vong cho quân ta, đồng thời quân Pháp ở cứ điểm C1 lại đủ thời gian củng cố để đánh trả.
17 giờ chiều 1-5-1954, đợt tấn công thứ ba của Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Sau khi nhận được báo cáo, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng ra lệnh khai hỏa. Hai khẩu sơn pháo 75mm đặt trên đồi D1 cùng súng cối và các cỡ súng bộ binh đồng loạt nhả đạn vào trận địa địch trên cứ điểm C1. Khói đạn bao phủ hết quả đồi nhưng trận địa của Đại đội 811 vẫn an toàn. Pháo ta vừa dứt, Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ liền hô vang: “Các đồng chí, theo tôi tiến lên!”. Bọn lính Pháp giữ súng phun lửa còn đang trong cơn sợ hãi, chui trong hầm thì bộ đội ta ào ạt xông tới diệt sạch. Những mũi xung kích khác cũng tiến công diệt địch rất mau lẹ. Trận chiến đấu kết thúc nhanh chóng không ngờ".
Trong cuốn “Vài hồi ức về Điện Biên Phủ”, đồng chí Vũ Lăng viết: “... Đại đội trưởng Dỵ luôn luôn giữ vững liên lạc được với chúng tôi... Sau đó Dỵ liên tiếp báo cáo: Chiếm được Cột Cờ rồi! Chiếm lại được hoàn toàn C1 rồi! Chúng tôi đã bắt sống và tiêu diệt hoàn toàn quân địch!... Những tin tức bay về vang rộn như những hồi kèn chiến thắng. Thế là sau đúng 32 ngày đêm cực kỳ ác liệt, gian khổ, bây giờ C1 mới hoàn toàn về tay chúng tôi...”.
Tại Di tích lịch sử đồi C1 có bia đặt trên đỉnh đồi, dẫn lên là một con đường bậc thang bê tông. |
Ngay sau khi nhận được báo cáo của Chính ủy Đại đoàn 316 Đại tướng Chu Huy Mân (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó chủ tịch nước), nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam) là quân ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm C1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba tại trận cho Đại đội 811.
Như vậy, quân ta đã chiếm lĩnh hoàn toàn cứ điểm C1, tạo điều kiện tiến công tiêu diệt các cứ điểm còn lại của bức tường thành phía đông, qua đó mở thông cánh cửa vào trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi chung của toàn chiến dịch.
Hiện nay Di tích lịch sử đồi C1 là một di tích thành phần thuộc Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Tại đây đã có bia đặt trên đỉnh đồi và một con đường bậc thang bê tông rộng khoảng 1m từ chân đồi lên tới nơi đặt bia, trên bia ghi nội dung tóm tắt lịch sử di tích. Di tích lịch sử đồi C1 nằm ở trung tâm TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), gần các di tích khác như: A1, C2, D1, hầm De Castries, cầu Mường Thanh... thuận lợi cho nhân dân địa phương và du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử.
------------------
THANH TÂM - Lược trích:
1, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Nxb QĐND, Hà Nội-2000, tr. 143, 265-266, 306-307, 370-373, 399.
2, Vài hồi ức về Điện Biên Phủ, in lần thứ tư, Nxb QĐND, Hà Nội-1977, tr. 165-167.
3, Điện Biên Phủ - Trận thắng thế kỷ, Nxb Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội-2004, tr. 377-378.
4, Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên (bqldt-svhttdl.dienbien.gov.vn).
Nguồn QĐND