Giáo dục trẻ chưa bao giờ là hành trình dễ dàng và dễ dãi.
Tranh luận trên mạng xã hội về giáo dục bằng khuyên nhủ hay hình phạt thực sự sẽ không thể kết thúc nếu như chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu trong giáo dục trẻ.
Văn hóa Á Đông với truyền thống gia đình nhiều thế hệ trọng chữ hiếu đã neo giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp bao đời của người Việt. Con cái vâng lời bố mẹ, kính trọng ông bà và nép mình vào khuôn phép, gia phong để khôn lớn, trưởng thành. Nếp sống và nếp nghĩ bao đời ấy đã tạo nên những con người thành công trong sự nghiệp lẫn cuộc đời.
Tuy nhiên, chính tư duy ăn sâu mọc rễ "cá không ăn muối cá ươn" rồi "thương cho roi cho vọt" ẩn nấp dưới mái nhà đã khiến không ít đứa trẻ lớn lên cùng đòn roi và bạo lực.
Suốt thời thơ ấu ăn mắng, ăn roi và những cú bạt tai, đấm đá của bố mẹ đã in hằn những vết xước đắng cay trong tâm hồn trẻ. Sự mặc cảm, tự ti khiến con không hề có tiếng nói cá nhân, không bao giờ có chính kiến và cứ chui sâu hơn vào vỏ bọc nhút nhát, đớn hèn. Rồi dòng đời nối dài, những đứa trẻ ngày ấy giờ là bố là mẹ lại giáng đòn roi xuống thân thể và tâm hồn thơ bé, mong manh khiến vòng luẩn quẩn của bạo lực cứ giày xéo mãi.
Chúng ta chứng kiến không ít cảnh đời ngang trái với sự nhẫn tâm của bố mẹ khi giáng đòn roi lằn ngang lằn dọc lên tấm lưng, bờ vai, bắp tay, gò má của trẻ thơ. Chúng ta chứng kiến không ít cảnh bi kịch khi bố mẹ bắt con quỳ gối, cởi truồng giữa bàn dân thiên hạ, thậm chí là vô tình khiến sự sống tắt lịm sau ngón đòn trúng chỗ hiểm trên thân thể bé con…
Bạo lực, nhất là cảnh đòn roi vun vút giáng xuống, cảnh thượng cẳng chân hạ cẳng tay bất kể hoàn cảnh xung quanh, cảnh sỉ nhục và xúc phạm nhân cách trẻ trước đám đông… đều không thể chấp nhận! Chúng ta không thể vin vào cớ "yêu thương con nên phải dạy dỗ con", "nghiêm khắc vậy con mới nên người" để gieo đớn đau và ám ảnh về roi vọt lên ký ức tuổi thơ của trẻ!
Ở chiều hướng ngược lại, giáo dục khuyên nhủ và động viên có thật sự là giải pháp tối ưu trong bối cảnh quyền trẻ em đang ngày càng được nhận thức đầy đủ và trân trọng? Tôi e là nhiều người đang lầm tưởng bởi chưa hiểu đúng và đủ về giáo dục bằng hình thức kỉ luật tích cực.
Chúng ta phải bảo vệ quyền được phát triển toàn diện của trẻ và bảo đảm cho trẻ lớn lên trong môi trường giàu yêu thương. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn cho mình cái quyền lớn tiếng mắng mỏ và nạt nộ mỗi khi nghe con trẻ bị la mắng hay đánh roi ở trường học.
Hãy thử nhìn lại hành trình xây dựng trường học thân thiện và học sinh tích cực suốt bao năm qua, chúng ta ghi nhận về môi trường học đường an toàn và chất lượng đón bước chân con trẻ đến trường. Hiệu quả của những quy định về việc nhà giáo phải tôn trọng nhân phẩm người học, tránh xúc phạm thân thể người học ít nhiều đã tạo ra được những "quả ngọt" quả nhất định!
Tuy nhiên, thẳng thắn mà đánh giá thì không ít bố mẹ đang khiến hành trình giáo dục của thầy cô nhọc nhằn vô cùng bởi tính nuông chiều con cái quá mức, bảo bọc con cái vô điều kiện và bênh vực con cái bất kể đúng sai. Trẻ đến trường để học tri thức, rèn nhân cách mà trường học có những nội quy riêng để tạo ra nền nếp.
Vậy nên, khi trẻ không chấp hành nội quy, trẻ bị phạt là lẽ tất nhiên. Thế mà không ít trường hợp phụ huynh làm ầm lên khi nghe con phải quét sân, tưới cây, lau bảng. Tôi xin phép bỏ qua một vài trường hợp xấu xí liên quan đến việc bạo hành trẻ xuất phát từ sự hao hụt tình thương của một số người thầy diễn ra trong thời gian qua, tôi chỉ muốn luận bàn đến hình thức giáo dục tích cực trong trường học hiện nay.
Việc nhắc nhở trò khi vi phạm nội quy, có chế tài xử lý khi không chấp hành quy định học bài và làm bài… đang ngày càng bị tước bỏ khỏi quyền hạn của người thầy. Sẽ thế nào nếu người thầy làm ngơ khi trẻ mắc lỗi? Sẽ thế nào nếu người thầy "mặc kệ nó" khi trẻ sai lầm trong nhận thức, thái độ, hành động?
Một câu nói rất chua chát mà chúng tôi từng nghe: "Phụ huynh không cho nhà trường dạy trẻ, xã hội sẽ dạy nó!", bố mẹ có nghe chăng?
Hãy kịch liệt phê phán và đả kích những cú bạt tai trời giáng và những lời miệt thị cay nghiệt từ người thầy thiếu chữ "tâm"! Nhưng đừng nhảy đùng đùng lên và ầm ầm lao đến trường rượt đuổi những người thầy đầy nhiệt tâm uốn rèn trò vào khuôn nếp! Giáo dục không hình phạt không phải lúc nào cũng hiệu quả và có tác dụng với tất cả học sinh.
Giáo dục trẻ chưa bao giờ là hành trình dễ dàng và dễ dãi. Giữa hình phạt và bạo lực mong manh vô cùng. Mong sao chúng ta biết điểm dừng để lời trách phạt của mình dừng ở ngưỡng an toàn, để trẻ biết sai mà sửa và cảm nhận trọn vẹn yêu thương từ chính sự nghiêm khắc của người lớn./.
Nguyễn Thanh (TGVN)