Đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được thực hiện quyết liệt với nhiều đổi mới, đem lại hiệu quả thiết thực cho đời sống kinh tế - xã hội. Vì thế, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là cần thiết, với mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 trên 90%; số dự án hoàn thành trong giai đoạn chiếm trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.
Chỉ ưu tiên dự án cấp thiết, cấp bách
Thảo luận về nội dung này tại tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết, thành công nổi bật của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là cơ bản khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cần phấn đấu giảm tỷ trọng các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), bởi thực tế cho thấy nhiều dự án theo hình thức này không thực hiện được mà phải chuyển sang dự án đầu tư công.
"Điều đó cho thấy, việc huy động các nguồn lực của xã hội cho các dự án đầu tư công chưa đạt kết quả như mong đợi. Vì thế, trong giai đoạn tới, Chính phủ cần chú trọng hơn đến vấn đề này, đặc biệt là việc chuẩn bị các dự án cũng như cam kết của doanh nghiệp khi triển khai để hạn chế các dự án dở dang, gây thiệt hại cho nhà nước", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cần ưu tiên các dự án cấp thiết, cấp bách để lựa chọn phân bổ ngân sách cho hợp lý.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho biết, Chính phủ đề xuất tổng mức vốn ngân sách nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870 nghìn tỷ đồng, trong đó có 1.500 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách trung ương. Trong bối cảnh chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, nguồn thu giảm mạnh thì Chính phủ cần giải thích rõ căn cứ vào đâu để đề xuất mức này.
"Dù Chính phủ đã giải thích khá kỹ nhưng tôi cho rằng áp lực trả nợ công vào năm 2021 và 2024 là rất lớn. Trong khi dự toán thu ngân sách nhà nước giai đoạn tới còn nhiều khó khăn khi phải bảo đảm an sinh xã hội do tác động của đại dịch, thì Chính phủ cần xem xét lại việc cân đối nguồn thu. Trong kế hoạch của Chính phủ cho thấy số dự án chuyển tiếp từ giai đoạn cũ rất lớn, với khoảng 1.000 dự án. Những dự án dở dang này có nên tiếp tục không, trong khi nhiều dự án cấp bách lại phải chờ vốn", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đặt vấn đề.
Theo phân tích của đại biểu đoàn thành phố Hà Nội, việc phân bổ dự án cho các khu vực trong kế hoạch vẫn còn một số điều chưa hợp lý, bởi thực tế, nhiều dự án được ưu tiên chưa phát huy hiệu quả thực sự.
Còn theo đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn Hà Nội), trong giai đoạn tới, Chính phủ cần rà soát lại các dự án trọng điểm quốc gia đang tồn đọng để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; rà soát lại các dự án theo thứ tự ưu tiên, trong đó chú trọng đến các dự án về giao thông giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như các dự án đã được đầu tư nhưng chưa khai thác hiệu quả.
Các đại biểu Vũ Anh Tuấn (Đoàn Phú Thọ), Đôn Tuấn Phong (Đoàn An Giang) cũng ủng hộ quyết định đầu tư có lựa chọn, có trọng tâm, tránh trường hợp dàn trải, đầu tư nhỏ giọt.
“Ngân sách có sẵn không đầu tư đã là lãng phí, nhưng cả khi dùng vốn vay vẫn giải ngân chậm thì lại càng lãng phí hơn. Tiến độ giải ngân cần được thúc đẩy quyết liệt như tinh thần của Chính phủ trong thời gian vừa qua”, đại biểu Đôn Tuấn Phong nói.
Hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự kiến dành khoảng 0,95% trong tổng số 2.870 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho văn hóa. Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc dành khoản ngân sách như vậy còn quá thấp so với các dự án phát triển kinh tế cũng như cơ sở hạ tầng.
Dưới góc độ văn hóa, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) cho rằng: "Việc đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa mang tầm quốc gia vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Chính phủ cần dành thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình văn hóa mang tầm quốc gia trong giai đoạn tới".
Nêu thực tế các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân còn thiếu trầm trọng, đại biểu Nguyễn Đình Khang (Đoàn Ninh Thuận) đề nghị Quốc hội đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời đề nghị các cơ quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp.
Theo đại biểu Nguyễn Đình Khang, các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về nhà ở xã hội nói chung, nhà ở cho công nhân nói riêng là hết sức rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, cả nước mới có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án).
Cùng quan điểm dành thêm nguồn lực đầu tư cho nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội), trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động như hiện nay, việc tập trung giải ngân đầu tư công rất quan trọng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với đó, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới, Chính phủ cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho phát triển khoa học công nghệ, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Hanoimoi.com.vn