SCMP ngày 31/5 dẫn một nguồn tin quân đội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã lên kế hoạch cho việc lập ADIZ trái phép ở Biển Đông từ năm 2010 và chỉ chờ thời cơ để công bố. Theo kế hoạch này, ADIZ sẽ bao phủ khu vực Đông Sa, và quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Kế hoạch được đưa ra cùng năm Trung Quốc cân nhắc lập ADIZ ở biển Hoa Đông. Trung Quốc đã ngang nhiên lập ADIZ ở biển Hoa Đông vào năm 2013 - một động thái vấp phải sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế.
Mặc dù Trung Quốc giữ bí mật kế hoạch lập ADIZ ở Biển Đông, song cơ quan phòng vệ Đài Loan hôm 4/5 nói rằng, họ đã biết về kế hoạch này. Giới quan sát cho rằng, kế hoạch Trung Quốc công bố ADIZ trái phép thứ hai sẽ làm gia tăng căng thẳng với Mỹ và tổn hại đến mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á.
Lu Li-Shih, một cựu giảng viên thuộc Học viện Hải quân Đài Loan, nói rằng Trung Quốc ngang nhiên xây dựng và phát triển trái phép các đảo nhân tạo, cụ thể là đường bay và hệ thống radar trên các đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn thời gian qua đều nằm trong kế hoạch lập ADIZ ở Biển Đông.
Các ảnh chụp vệ tinh gần đây cho thấy, quân đội Trung Quốc đã triển khai máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay săn ngầm KQ-200 ở đá Chữ Thập, ông Lu nói. Chuyên gia này cho biết thêm, các cơ sở điều hòa không khí mà Trung Quốc đang xây dựng ở đây có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể sắp triển khai các máy bay chiến đấu.
“Một khi quân đội Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu ở đây, chúng có thể kết hợp với các máy bay cảnh báo sớm và máy bay săn ngầm để ngang nhiên thực hiện các hoạt động tuần tra ADIZ”, ông Lu bình luận.
Li Jie, một chuyên gia về hàng hải tại Bắc Kinh, nói rằng thông thường các nước thường chờ đến khi có đủ trang thiết bị và năng lực cần thiết để vận hành mới công bố ADIZ. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể công bố sớm hơn khi có thời cơ.
“Bắc Kinh đã công bố ADIZ ở Hoa Đông ngay cả khi quân đội chưa có khả năng phát hiện, theo dõi và trục xuất máy bay nước ngoài xâm nhập”, ông Liu cho biết.
Một nguồn tin quân sự Trung Quốc khác cho biết, do vấn đề về sự chuẩn bị cũng như Bắc Kinh nhận thấy Biển Đông rộng lớn hơn Hoa Đông nên cần nhiều nguồn lực hơn để tuần tra một ADIZ trái phép ở vùng biển này.
“Bắc Kinh còn do dự công bố ADIZ ở Biển Đông là bởi nhiều yếu tố cả chính trị, ngoại giao và kỹ thuật. Tuy nhiên, vấn đề thực tế nhất đó là trước kia quân đội Trung Quốc không có khả năng triển khai máy bay chiến đấu để trục xuất máy bay ở Biển Đông, khu vực rộng gấp mấy lần Hoa Đông, và chi phí lập ADIZ cũng rất lớn”, ông Liu nói.
Dân Trí