Từ ngày 13/2- 22/2, Đoàn công tác QĐND Việt Nam gồm 76 sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu trợ, hỗ trợ nhân đạo thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó Cục trưởng Cục cứu hộ - cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam) – Tổng chỉ huy lực lượng của QĐND Việt Nam tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh hoạt động cứu hộ, cứu trợ nhân đạo của Đoàn công tác tại nước bạn thể hiện quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại ưu việt, trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế của Đảng, Nhà nước ta.
Thông qua hỗ trợ nhân đạo lần này, quân đội ta rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, đào tạo lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm để sẵn sàng ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có động đất.
Mệnh lệnh từ trái tim
PV: Trong thời gian cứu hộ, cứu trợ nhân đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ, có sự kiện nào khiến ông “cân não” để đưa ra quyết định sáng suốt nhất?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Trong ngày thứ 3 làm việc, tại một ngôi nhà 7 tầng đổ sập, trong đó có rất nhiều người bị mắc kẹt, vùi lấp bên trong. Các lực lượng cứu hộ của Bạn đang tích cực sử dụng phương tiện hạng nặng như máy xúc, máy ủi để tìm kiếm.
Khi chúng tôi đến hiện trường, nhiều gia đình nói có người thân đang ở bên trong và khẩn thiết mong mỏi đoàn Việt Nam giúp tìm kiếm. Trong điều kiện nhà cửa đổ sập chênh vênh, nếu không chui vào hầm bê tông thì không thể quan sát, phát hiện được; ngược lại, để bảo đảm lực lượng mà chúng ta không vào thì sẽ không thể giúp được gì cho người dân. Cho nên tôi quyết định bằng mọi cách phải khắc phục, phải vào, nhưng phải bảo đảm an toàn, vừa có lực lượng quan sát, vừa có lực lượng thực hiện nhiệm vụ, sử dụng cả chó nghiệp vụ, cũng như thiết bị chuyên dụng.
Kết quả là lực lượng của ta đã phát hiện 4 vị trí, trong đó có 2 vị trí có dấu hiệu sự sống, bàn giao cho đoàn cứu hộ, cứu trợ một số nước và sở tại sử dụng trang thiết bị hạng nặng để giải cứu; 2 vị trí khác được đào đất đá lên để đưa thi thể nạn nhân ra. Ngày hôm đó, chúng tôi làm việc liên tục từ 8h – 19h tối, không nghỉ trưa, bẻ mì tôm ăn sống kèm theo chai nước lọc mang đi.
Ngày hôm sau, khi chúng tôi trở lại, các cụ già, người thân các nạn nhân rất cảm động, họ đã khóc và cảm ơn lực lượng QĐND Việt Nam đã chỉ cho họ các vị trí kịp thời để đưa nạn nhân ra ngoài. Chính tình cảm đó của người dân khiến các thành viên trong đoàn không thể quên.
Thực tế ở hiện trường có nhiều vấn đề, nghiên cứu để rút kinh nghiệm, đồng thời nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn tốt hơn, sẵn sàng nhận các nhiệm vụ quốc tế như vừa qua. Giả sử sau này có xảy ra thảm họa, chúng ta đưa lực lượng đi nước ngoài thì chất lượng thực hiện nhiệm vụ sẽ tốt hơn.
PV: Thưa ông, những yếu tố nào đã giúp đoàn công tác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, làm nhiệm vụ ứng phó với thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Ưu điểm của chúng ta là việc tổ chức và sử dụng lực lượng, phương tiện rất phù hợp với thời cơ, thời điểm lúc đó. Vì khi thảm họa xảy ra không quá 72 giờ (giờ quy định của quốc tế về cứu nạn – PV), chúng ta phải đến không chỉ tìm, cứu những người bị mắc kẹt mà còn tìm và đưa thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.
Quân đội ta sử dụng 3 lực lượng gồm chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn, đây là lực lượng rất hiệu quả để đánh hơi, phát hiện thi thể cũng như người còn sống. Sau khi chó nghiệp vụ đánh hơi, phát hiện được vị trí thì sử dụng trang thiết bị chuyên dụng dò tìm như camera hình ảnh, camera thân nhiệt, hệ thống rada xuyên tường để tìm kiếm vị trí chính xác.
Ngoài ra, lực lượng y tế sẵn sàng bảo đảm y tế cho đoàn cứu hộ cũng như thiết lập bệnh viện để thu dung điều trị cho đoàn các nước trong quá trình làm việc tại hiện trường bị thương; khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân bị thảm họa.
Như vậy, việc tổ chức và sử dụng lực lượng vào thời điểm đó hết sức quan trọng, được tất cả đoàn ở các nước đánh giá cao.
Có lẽ không ai trong đoàn công tác quên được hình ảnh người dân Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là các cụ già, các ông bố, bà mẹ khi gặp đoàn cứu trợ của Việt Nam, họ đã khóc mong được giúp đỡ. Sau đó họ khóc và nói rằng, cảm ơn các bạn đã tìm giúp người thân cho chúng tôi. Nhìn trong ánh mắt của họ, chúng tôi cảm nhận được những đau khổ, mất mát chất chứa bên trong và cả nghị lực vượt qua thách thức.
Chúng tôi đã chia sẻ phần lương thực, thực phẩm nhỏ bé của mình cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ; ngược lại người dân nước Bạn cũng chia sẻ bánh mì, nước uống cho lực lượng của ta khi đang làm nhiệm vụ như một cách cảm ơn, động viên.
Bằng mệnh lệnh từ trái tim, đoàn QĐND Việt Nam sang làm nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ coi việc tìm kiếm các nạn nhân như chính người thân của chúng tôi và sự mất mát đau thương của Bạn cũng chính là mất mát, đau thương của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực, đặc biệt là an ninh phi truyền thống.
Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra
PV: Tìm kiếm trong môi trường quốc tế và tham gia cùng lực lượng các nước trong cứu nạn, cứu trợ nhân đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua đã giúp quân đội rút ra những bài học kinh nghiệm gì, thưa ông?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Có nhiều bài học rút ra, trong đó phải nhấn mạnh công tác chuẩn bị phải chu đáo, chặt chẽ; phải đánh giá, kết luận tình hình, trên cơ sở đó tổ chức và sử dụng lực lượng, phương tiện cho phù hợp, hiệu quả.
Thực tế vừa qua khi đưa 3 lực lượng gồm chó nghiệp vụ, công binh, quân y là rất phù hợp với thực tiễn đặt ra tại thời điểm đó.
Thứ hai là công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng phải hết sức chặt chẽ. Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa lực lượng, phương tiện ra nước ngoài để thực hiện công tác cứu hộ, cứu trợ nhân đạo. Mặc dù Việt Nam đã có ký kết trong “Hiệp định về Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp ASEAN” năm 2005, có đội hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa theo Hiệp định ASEAN nhưng việc đưa lực lượng đi nước ngoài đi thực hiện nhiệm vụ này thì đây là lần đầu tiên ở quy mô cấp thảm họa lớn như vậy.
Thứ ba là chủ động phối hợp với cơ quan địa phương sở tại trong việc xác định vị trí, cũng như kinh nghiệm nâng cao hiệu quả tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Thứ tư là công tác thông tin tuyên truyền, định hướng làm sao cho đúng, chính xác, phản ánh chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và truyền thống của dân tộc với cộng đồng quốc tế. Đồng thời cũng phản ánh hoạt động, truyền thống của nước sở tại. Nếu thông tin không đúng, không chính xác sẽ dẫn đến hoang mang, hiểu sai.
PV: Cứu trợ ở bất cứ thảm họa nào cũng đều nguy hiểm, nhưng riêng thảm họa ở Thổ Nhĩ Kỳ thì nguy hiểm nhân lên gấp đôi khi điều kiện công tác vô cùng khó khăn, nguy hiểm, thời tiết khắc nghiệt. Với vai trò là người chỉ huy, đội trưởng, ông đã làm thế nào để vừa cứu hộ, cứu nạn một cách hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn cho các lực lượng?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Theo quy định bao giờ cũng phải đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Để thực hiện nhiệm vụ đó, trước hết lực lượng cứu hộ, cứu nạn phải có bản lĩnh và ý chí quyết tâm sắt đá, phải hiểu rõ nhiệm vụ cao quý, vinh dự mà mình đang làm.
Bên cạnh đó, người chỉ huy phải nghiên cứu kỹ, đánh giá, kết luận đúng tình hình và quyết đoán trong thực hiện, không ngại gian khổ và không sợ hy sinh. Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm, thời tiết khắc nghiệt, rung chấn 6,2 – 6,4 độ richter vô cùng nguy hiểm, điều kiện sinh hoạt “màn trời, chiếu bê tông”, nếu không có lập trường tư tưởng vững vàng thì sẽ không thực hiện được nhiệm vụ cũng như tìm kiếm vị trí của các nạn nhân.
Kinh nghiệm khi đó cho thấy, ngoài bản lĩnh chính trị thì người chỉ huy phải quyết đoán, dám chịu trách nhiệm và bảo đảm an toàn cho lực lượng.
PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng./.
Kim Anh/VOV.VN