Nông dân Đồng Tháp ngày nay không còn chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích.
Ngoài ra, nông dân còn chú trọng liên kết, hợp tác hình thành vùng sản xuất lớn, tạo ra sản phẩm an toàn, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Trong đó, tập trung vào những ngành hàng trọng yếu, có ưu thế của tỉnh như: lúa gạo, cây ăn trái, rau màu, hoa kiểng, cá tra...
Thay đổi xu thế sản xuất, nông nghiệp không thể đứng ngoài cuộc
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đồng Tháp xác định phải chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, điều này được sự đồng tình rất cao từ các cấp, các ngành và nông dân, doanh nghiệp. Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan (nay là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã dành nhiều thời gian để nói chuyện chuyên đề với nông dân ở các Hội quán về chuyển đổi tư duy này, đặc biệt là Trung ương đã ghi nhận đưa vào Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong tái cơ cấu nông nghiệp, phải thay đổi tư duy và phương thức sản xuất, nếu không thay đổi thì không thể phát triển bền vững được. Và sự thay đổi lớn nhất của tỉnh là cùng nhau làm, sản xuất chung, mua chung, bán chung, đào tạo nên đội ngũ nông dân chuyên nghiệp cũng như rút bớt lao động trong nông nghiệp, không còn quá chú trọng đến sản lượng nông sản hằng năm mà chú ý đến chất lượng, đặc biệt là giá trị sản phẩm.
Một trong những vấn đề quan trọng khi chuyển sang kinh tế nông nghiệp là nâng cao chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, PGS, TS Nguyễn Phú Son (Trường Đại học Cần Thơ) khẳng định, đồng thời cho biết, chuỗi giá trị nông sản toàn cầu của ta thuộc loại hình “do người mua chi phối”, nông sản Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại.
Ông Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, tư duy sản xuất nông nghiệp vốn đã ăn sâu không thể thay đổi trong thời gian ngắn mà cần phải thực hiện xuyên suốt và cần quyết tâm cao hơn. Sự thay đổi này là phù hợp với xu thế và nông nghiệp không thể đứng ngoài cuộc.
Thành công từ thay đổi tư duy sản xuất
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho biết, sự thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân đã góp phần quan trọng cho thành công của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển, đặc biệt là chế biến nông sản theo chuỗi ngành hàng đã làm gia tăng giá trị sản phẩm, nhiều sản phẩm mới được ra đời, đáp ứng nhu cầu thị trường. Có thể kể đến sự đa dạng của các sản phẩm từ sen (hạt sen sấy, sữa sen, các loại trà, rượu từ sen) hay các sản phẩm từ mãng cầu (nước ép mãng cầu, mứt mãng cầu, trà mãng cầu),...
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã biết tận dụng phế phẩm nông nghiệp của ngành hàng này để làm nguyên liệu cho ngành hàng khác. Điển hình như sản xuất lúa, không chỉ thu được giá trị trực tiếp từ hạt gạo mà còn có giá trị sau hạt gạo, với hàng loạt các sản phẩm giá trị gia tăng khác như: Dầu từ cám gạo, trấu viên để xuất khẩu, rơm để trồng nấm; hay như từ vỏ bưởi, vỏ quýt trước đây chỉ bỏ đi, thì nay có thể chiết xuất làm tinh dầu hoặc sản phẩm vỏ bưởi sấy, vỏ quýt sấy, được bán với giá cao hơn,...
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương (ngoài cùng bên phải) trực tiếp khảo sát các cửa hàng tiện lợi để kết nối tiêu thụ nông sản an toàn của nông dân. Ảnh: Kinh tế nông nghiệp
Duy trì đà tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức bình quân 3,57%/năm đã góp phần nâng cao thu nhập người dân nông thôn lên 45,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động nông nghiệp từ 69%, giảm còn 49%. Trong điều kiện nhiều khó khăn, nông nghiệp vẫn tăng trưởng ổn định và phát huy tốt vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của giai đoạn 5 năm (2015-2020) là 6,44%, đứng vào hàng khá ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nông dân thấu hiểu tầm quan trọng của việc sản xuất phải gắn với tiêu thụ, vì vậy mà không ngừng liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp để cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ nông sản. Điển hình, nhiều Hợp tác xã, Hội quán đã ký kết tiêu thụ nông sản với hệ thống Siêu thị Coopmart, Vinmart, Công ty TNHH Long Uyên, Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức, Công ty CP Nông trại sinh thái Ecofarm,...
Song song đó, nông dân Đồng Tháp còn ứng dụng công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, điển hình như ứng dụng thiết bị cảm biến kết nối Internet để tưới nước, sử dụng thiết bị bay để bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật; nắm bắt tình hình sâu rầy qua hệ thống giám sát thông minh; mô hình “Cây xoài nhà tôi” của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh; mô hình “Cây cam vườn tôi” của nông dân xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh;...
Và nhiều nông dân đã trở thành những “Thủ lĩnh cộng đồng”, ông chủ những điểm du lịch nông nghiệp, biến những mảnh vườn, bờ ao thành các điểm trải nghiệm cho du khách.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Tháp, cho biết, năm 2020 với nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng Đồng Tháp đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về “chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp”. Một số ngành hàng chủ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông dân đã nỗ lực mở rộng diện tích, áp dụng các biện pháp giảm giá thành như: giảm định mức sử dụng vật tư (giảm lượng giống gieo sạ trung bình 7kg/ha, phân bón tổng số giảm khoảng 5kg/ha), ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp, áp dụng các biện pháp kỹ thuật cao, canh tác thông minh và tiết kiệm tài nguyên, sức lao động để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt đạt 6,45%/năm, tốc độ tăng thu nhập từ chăn nuôi 2,58%/năm, tốc độ tăng thu nhập từ thủy sản 4,08%/năm.
Làng hoa Sa Đéc là một trong những điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế. Ảnh: Kinh tế nông thôn
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, manh mún sang trồng cây ăn trái, hoa màu, hoa kiểng, nuôi thủy sản được thực hiện tại nhiều địa phương, thúc đẩy tăng trưởng trồng trọt và tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Bình quân 1ha đất lúa chuyển sang nuôi thủy sản cho lợi nhuận tăng 450 triệu đồng, trồng cây ăn trái lợi nhuận tăng 370 triệu đồng, canh tác hoa kiểng lợi nhuận tăng 400 triệu đồng. Đến nay, tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày với 16.248ha, lợi nhuận tăng gấp 2 - 3 lần so trồng lúa; chuyển đổi sang trồng cây ăn trái với 7.557ha, lợi nhuận tăng từ 3 - 8 lần so trồng lúa và chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản 965ha, lợi nhuận tăng 3 - 5 lần trồng lúa.
“Ngoài ra, chuyển đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp đã làm thay đổi lối sống và cách nghĩ của mỗi người dân, từ đó phát huy vai trò, nguồn lực, hợp tác, chia sẻ và cùng nhau làm giàu trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt, mô hình Hội quán với phương châm “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác” nhằm chia sẻ và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, hứa hẹn góp phần dẫn dắt cho kinh tế hợp tác của tỉnh phát triển bền vững trong thời gian tới”, Giám đốc Nguyễn Phước Thiện nhấn mạnh .
Liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp
Với phương châm ‘‘Đồng hành cùng doanh nghiệp’’, UBND tỉnh Đồng Tháp thường xuyên tiếp xúc và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp không ngừng tăng lên. Điển hình là thực hiện liên kết với nông dân, Hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, có 130 doanh nghiệp tham gia, tăng 50 doanh nghiệp so với năm 2016.
Xoay quanh chủ đề thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp, các doanh nghiệp, hội quán, hợp tác xã thông tin về nhu cầu liên kết và tiêu thụ nông sản an toàn, chất lượng. Theo đó, các bên đều mong muốn sự hợp tác, liên kết này phải hướng đến tư duy cùng thắng, cùng chia sẻ lợi ích và trách nhiệm.
Đến nay, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 54 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng. Các lĩnh vực đầu tư như: Chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung, sản xuất giống thủy sản; chế biến thủy sản,...
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Đồng Tháp tuy có nhiều lợi thế, nhất là về nông nghiệp, nhưng phần lớn là thuần tuý là nông dân, tỷ lệ số doanh nghiệp trên vạn dân còn thấp so với các địa phương trong vùng. Để phát huy lợi thế, phát triển kinh tế, nâng cao chuỗi giá trị, tỉnh xác định phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là phong trào khởi nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Trên cơ sở đó, từ nhiều năm qua, Đồng Tháp luôn thể hiện rõ quyết tâm “Đồng hành cùng doanh nghiệp” trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động khởi nghiệp đã đạt được một số kết quả khả quan, tạo sức lan tỏa sâu rộng.
Trước hết, khởi nghiệp từng bước được lồng ghép vào kế hoạch, chương trình hoạt động của từng ngành, từng địa phương. Chúng tôi đã tạo sự nối kết mật thiết giữa doanh nghiệp khởi nghiệp với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dẫn đầu trong tỉnh. Đáng quý hơn là, khi một số doanh nhân là người Đồng Tháp thành công ở các nơi khác quay về địa phương để hỗ trợ, dẫn dắt các bạn khởi nghiệp quê mình, và các doanh nghiệp lớn trong tỉnh đồng hành với các dự án khởi nghiệp, hướng dẫn, hỗ trợ và sử dụng các sản phẩm khởi nghiệp.
Một góc trang trại Đồng Tháp Aqua. Ảnh: Kinh tế nông nghiệp
Bên cạnh đó, tỉnh còn tạo điều kiện, cơ hội giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các hoạt động, chuỗi sự kiện như: Phiên chợ Nông sản an toàn; Mỗi xã một sản phẩm; Hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh và ở nước ngoài; thành lập các trung tâm giới thiệu hàng hoá ở các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội; ký kết giao thương với các hệ thống siêu thị lớn; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp từ ý tưởng, phát triển sản phẩm, thành lập doanh nghiệp, đăng ký nhãn hiệu, nâng chất lượng, cải tiến bao bì v.v. cùng các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, quản trị, kỹ năng bán hàng, tiếp thị, quảng bá,...
Cùng với đó là tạo nên mạng lưới kết nối giữa các bạn có dự án khởi nghiệp với nhau để hỗ trợ lẫn nhau, giữa các bạn có dự án khởi nghiệp với người nông dân để hình thành mối liên kết chặt chẽ, bảo đảm nguồn nguyên liệu an toàn, bền vững, giữa các bạn có dự án khởi nghiệp với các đề án, chương trình trọng tâm của tỉnh để tối ưu hoá nguồn lực.
Kết quả thực hiện chương trình khởi nghiệp sáng tạo, Đồng Tháp có 18 nhãn hiệu nông sản đặc thù được cấp Giấy chứng nhận đăng ký xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; phát triển các sản phẩm mới có nhiều bước tiến trong ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến tại các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp và đã có trên 150 sản phẩm khởi nghiệp được thị trường chấp nhận.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Khi triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Đáng chú ý là triển khai chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai và cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh đã phê duyệt tổng kinh phí hỗ trợ gần 10 tỷ đồng; về hỗ trợ cho vay phát triển các ngành hàng tiềm năng, có 11 phương án, dự án được phê duyệt hỗ trợ cho vay, với tổng số vốn đề nghị hơn 4 tỷ đồng.
Đồng Tháp đã thực hiện chính sách hỗ trợ lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm việc có thời hạn ở Hợp tác xã nông nghiệp, hỗ trợ hơn 120 lao động về làm việc tại Hợp tác xã nông nghiệp, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Hợp tác xã theo cơ chế quản lý mới.
Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp, Hợp tác xã của UBND tỉnh Đồng Tháp đã hỗ trợ cho hơn 60 đơn vị xây dựng địa điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, bán hàng và trung chuyển hàng hóa, cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn, quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa với tổng chi phí gần 1,5 tỷ đồng.
Sản xuất nông nghiệp là nền tảng góp phần xây dựng NTM ở Đồng Tháp. Ảnh: Kinh tế nông nghiệp
Đồng Tháp còn thí điểm thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện trên cơ sở sáp nhập các Trạm thuộc ngành nông nghiệp, bước đầu hoạt động của các Trung tâm ổn định, tập thể đơn vị đã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, giảm được khâu trung gian và thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả.
Trong 5 năm tới, Đồng Tháp tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với những cách làm sáng tạo, xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi với khí hậu. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tạo nền tảng ổn định phát triển kinh tế nông nghiệp gia tăng về giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh nông sản; nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn gắn giải quyết việc làm; tăng thu nhập, cải thiện tốt hơn đời sống của nông dân thịnh vượng, nông thôn hiện đại.
“Câu chuyện khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp là cả một quá trình, làm sao tạo ra sự lan toả nhưng đảm bảo tính kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đảm bảo dự án khởi nghiệp không phải lủi thủi, đơn thương độc mã trên thương trường, đó chính là định hướng phát triển chiều sâu mà tỉnh đã và đang thực hiện”, ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng Tháp mong muốn khởi nghiệp cần được thẩm thấu vào cả hệ thống, được kiên nhẫn vun đắp cho tương lai, chứ không phải là thành tích của một cá nhân hay của một giai đoạn.
Để các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ngày càng thêm hiệu quả, thiết thực và phù hợp với tình hình tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cần sự đồng hành của người đứng đầu các ngành, các địa phương; khơi dậy và phát huy vai trò đồng hành, kết nối của các hiệp hội, hội, câu lạc bộ để từ đó xây dựng được cộng đồng khởi nghiệp tại các địa phương.
Đồng Tháp mong muốn các mô hình khởi nghiệp của thanh niên sẽ được nhân rộng và phát huy hơn nữa. Đây sẽ là đòn bẩy cho những bước đầu kết nối các nguồn lực ở địa phương tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh không chỉ trong thanh niên, mà còn trong các cá nhân và doanh nghiệp đã, đang khởi nghiệp trong tỉnh. Mỗi cá nhân thanh niên làm kinh tế, thanh niên khởi nghiệp của tỉnh sẽ là những mảnh ghép sáng trong bức tranh khởi nghiệp của Đất Sen hồng.
Tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp để cùng đi, cùng phát triển, cùng xây dựng một địa phương khởi nghiệp trên Đất Sen hồng - Đồng Tháp.
Đến năm 2025, Đồng Tháp phấn đấu giá trị tăng thêm toàn ngành nông nghiệp gần 22.900 tỷ đồng; thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp, giảm lao động nông nghiệp còn 40%; nâng cao năng lực cho Hợp tác xã nông nghiệp, thu nhập nông thôn tăng 1,6 lần so năm 2020.
Mục tiêu quan trọng nữa là bảo vệ tài nguyên tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; thúc đẩy phát triển nền “nông nghiệp thông minh”; nâng cao năng lực quản lý rủi ro để sẵn sàng ứng phó với các tác động xấu của biến đổi khí hậu./.
Theo Kinh tế nông thôn