Khát vọng là mong muốn làm được, đạt được những điều lớn lao, tốt đẹp với sự thôi thúc mãnh liệt đến từ sâu thẳm trái tim con người. Khát vọng gắn liền với mục đích sống cực kỳ mãnh liệt và cháy bỏng. Khát vọng là động lực thôi thúc con người cố gắng nỗ lực, phấn đấu, hy sinh để hiện thực hóa ước mơ, lý tưởng.
Cách đây hơn một trăm năm, năm 1911, với khát vọng giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn bể, Người về nước trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giải phóng dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Khát vọng ấy cũng dẫn dắt toàn thể dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc, qua đó giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, xây dựng một xã hội tốt đẹp, một cuộc sống no ấm cho nhân dân Việt Nam.
Trải qua hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là 35 năm đối mới đất nước, “chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu, mặt tích cực là cơ bản, chúng ta cũng còn không ít khuyết điểm, hạn chế và đang phải đối mặt với những thách thức mới trong quá trình phát triển đất nước.
Để phát huy cơ đồ, tiềm lực, vị thế, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là động lực phát triển quan trọng.
Khơi dậy phát triển phồn vinh, hạnh phúc là khơi dậy ý chí quyết tâm hành động mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, thông qua việc lao động sáng tạo với những nỗ lực lớn lao, vượt qua mọi khó khăn để đạt sự giàu có, dồi dào về kinh tế để thỏa mãn đầy đủ những nhu cầu cao về vật chất và tinh thần; xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh để con người được có điều kiện phát triển toàn diện. Thông qua đó, vươn tới những mục tiêu to lớn: “năm 2025: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, hướng đến xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để đạt những mục tiêu chiến lược, lâu dài như trên, chúng ta cần tiếp tục phát huy và thúc đẩy mạnh mẽ các giá trị độc lập, tự do, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Trước hết, cần gắn độc lập dân tộc với khát vọng phồn vinh, tự lực, tự cường. Độc lập dân tộc là điều kiện, tiền đề để xây dựng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Ngược lại, đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ củng cố cho độc lập dân tộc được vững chắc hơn, lâu dài hơn. Trước đây, độc lập dân tộc là không bị đô hộ, xâm lược về lãnh thổ thì ngày nay phải độc lập về kinh tế, chính trị,v ăn hóa, tư tưởng. Muốn vậy, dân tộc phải tự lực và tự cường để không bị thao túng, chi phối và thôn tính.
Phát huy tinh thần tự do sáng tạo để mỗi tổ chức, cá nhân phát huy năng lực, sở trường của mình đóng góp cho sự phát triển đất nước, theo đúng tinh thần nhân văn, tiến bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam là “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.
Tiếp tục thực hành dân chủ trong xã hội, “dân là chủ và dân làm chủ” để phát huy tiềm năng và năng lực sáng tạo của nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng nước nhà nhất định trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”; “Nhà nước ta phát huy dân chủ đến cao độ, đó là do tính chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân. Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên. Đồng thời phải tập trung đến cao độ để thống nhất lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội”; “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”.
Tiếp tục thực hiện và phát huy công bằng xã hội - yêu cầu nội tại của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang phấn đấu xây dựng, cũng chính là mục tiêu, là động lực kích thích mạnh mẽ tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dân, tùy theo khả năng, sức lực của mình, cùng đồng tâm tham gia xây dựng và phát triển đất nước .
Khơi dậy khát vọng văn minh - tiêu chí quan trọng của tiến bộ xã hội, cũng là một đặc trưng của xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, phù hợp với giá trị tiến bộ phổ quát mà nhân loại đang hướng tới. Cụ thể hơn, cần hướng tới xây dựng một xã hội “Về điều kiện vật chất: có thể đáp ứng nhu cầu cao của con người về sự thụ hưởng, tạo điều kiện cho sự phát triển con người. Về văn hóa tinh thần: con người có môi trường văn hóa để phát triển, hoàn thiện nhân cách của mình; có đời sống tinh thần lành mạnh, đời sống đạo đức tiến bộ; con người được tự do lao động, sáng tạo, phát huy hết khả năng để hoàn thiện bản thân và đóng góp cho sự phát triển xã hội; con người sống thân thiện, hài hòa với tự nhiên”. Thông qua đó, góp phần tạo tiền đề cho sự giải phóng và phát triển toàn diện con người, để chuyển từ “vương quốc tất yếu sang vương quốc của tự do”, con người sẽ được giải phóng triệt để và phát triển toàn diện.
Khơi dậy khát vọng hạnh phúc, với các tiêu chí cơ bản: sự hài lòng về cuộc sống (sự hài lòng về điều kiện kinh tế - vật chất; về mối quan hệ với gia đình và xã hội; về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dịch vụ xã hội; sự hài lòng về hoạt động của các cơ quan công quyền); đánh giá về tuổi thọ trung bình và sự hài lòng về môi trường sống (sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng cảnh quan đô thị, làng xã; việc bảo vệ môi trường nước và xử lý nước thải, rác thải; việc bảo vệ rừng và môi trường cây xanh).
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội. Đó là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên cuộc sống hạnh phúc, no ấm, tiến bộ của mỗi gia đình, góp phần tạo ra một xã hội hạnh phúc, hài hòa và công bằng. Theo đánh giá của Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên Hợp quốc, Việt Nam được ghi nhận là có sự tiến bộ về các chỉ số hạnh phúc (tăng từ hạng 95/156 năm 2018 lên hạng 83/156 năm 2020 và hạng 79/149 năm 2021), điều này cho thấy các chính sách của Đảng, Chính phủ và những nỗ lực của người dân đang đi đúng hướng.
Với tất cả những điều đó, có thể khẳng định chủ trương của Đảng ta là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được nêu ra trong Văn kiện Đại hội XIII là hoàn toàn khả thi và đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại mới./.
Quang Đặng