Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 vào ngày 11/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra 4 nhóm vấn đề, cũng là 4 định hướng lớn dành cho Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Trong nhóm vấn đề xây dựng tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ, người đứng đầu Đảng yêu cầu phải chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Quan điểm của Tổng Bí thư cũng chính là yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, khi thực tế đã và đang diễn ra ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đâu đó vẫn còn tâm lý “cầm chừng”, ngại va chạm.
Đoàn tàu hú còi nhưng chỉ đứng yên một chỗ
PGS.TS Lê Quốc Lý – nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay đang tồn tại một số người có tư tưởng ngại, không muốn đụng chạm đến ai, không muốn chống tham nhũng vì sợ bị liên lụy, sợ bị trả thù. Thậm chí có người có tâm lý giữ “an toàn”, “che chắn”, “không đụng chạm đến ai và cũng không có ai đụng chạm đến mình” để tranh thủ phiếu, thăng quan tiến chức.
“Chính tâm lý ngại khó, ngại khổ, ngại đụng chạm để “giữ mình” nên sức chiến đấu trong mỗi cá nhân đó bị thụt lùi. Đó cũng chính là bước cản lớn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng” – ông Lê Quốc Lý cho biết.
Liên tưởng đến hình ảnh đoàn tàu hú còi nhưng chỉ đứng yên một chỗ, ông Lê Quốc Lý cho rằng, hình ảnh này giống với một số cán bộ quán triệt, hô hào rất mạnh nhưng khi triển khai thì e dè, ngại tranh đấu, sợ trách nhiệm, thậm chí trù dập những người dám lên tiếng chống lại cái xấu. Chính những biểu hiện này đã vô tình tiếp tay cho tham nhũng, tiếp tay cho tha hóa, biến chất. Và cũng chính biểu hiện tiêu cực này làm cho kinh tế không phát triển, đời sống nhân dân còn đói nghèo.
Do vậy, cần phải đấu tranh, nhận diện những người có tư tưởng nhụt chí đó để “dẹp sang một bên cho người khác làm”, đồng thời khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tiên phong, quyết liệt, hăng hái, có trách nhiệm với dân, với nước. Và quan trọng là phải đo được kết quả cuối cùng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, cũng như kết quả phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng... để đánh giá cán bộ.
Thời gian vừa qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật trên 70 tổ chức đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Điều đó cho thấy công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng, không nghỉ” với cách làm bài bản, quyết liệt, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn và tác động sâu rộng đến toàn xã hội.
Song trước diễn biến phức tạp, tinh vi của tội phạm tham nhũng, đòi hỏi công tác đấu tranh với “giặc nội xâm” trong thời gian tới cần phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, bởi đó không chỉ là đòi hỏi của nhân dân mà còn là yêu cầu cấp bách, nhiệm vụ thường xuyên, trở thành xu thế tất yếu, không thể không làm.
Tâm đắc với chỉ đạo của Tổng Bí thư là “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm", ông Lê Quốc Lý cho rằng, đây không chỉ là lời cảnh báo mà còn là mệnh lệnh, thúc giục với thái độ kiên quyết của người đứng đầu Đảng. Song việc nhận diện một bộ phận cán bộ cần phải “dẹp sang một bên” cũng không phải dễ. Bởi trong thực tế có những người bên ngoài hô hào rất quyết liệt nhưng bên trong lại che đậy, ngụy trang bởi các lý do tưởng như thận trọng, kỹ càng như “vấn đề này chưa chín, chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa được tính toán cẩn thận” nhằm trì hoãn nhiệm vụ chống tham nhũng.
“1-2 tháng, thậm chí là nửa năm chúng ta có thể chấp nhận tư tưởng đó, nhưng để kéo dài 1-2 năm thì cũng nên thay thế, loại bỏ những cán bộ có biểu hiện như vậy” - ông Lê Quốc Lý nói và nhấn mạnh, nếu cuộc sống nhân dân không được ấm no, hạnh phúc thì lãnh đạo cũng nên từ chức.
Bịt kín các “lỗ hổng” để các cá nhân không thể lợi dụng
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hận - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện.
Các đối tượng có hành vi tham nhũng thường là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, có nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội. Các đối tượng này lợi dụng các “khoảng trống”, “kẽ hở” trong chính sách, pháp luật để thực hiện hành vi tham nhũng, nhằm làm lợi cho cá nhân và lợi ích nhóm. Chính vì vậy, để phanh phui một vụ việc tham nhũng không hề đơn giản. Song, theo vị đại biểu Quốc hội, dù khó nhưng vẫn phải tìm mọi biện pháp để làm sao ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này.
“Để ngăn chặn tham nhũng, trước hết hệ thống pháp luật cần rạch ròi, rõ ràng, bịt kín các “lỗ hổng” để các cá nhân không thể lợi dụng được” – ông Nguyễn Quốc Hận nói và nhấn mạnh thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị cần phải nêu cao trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Nếu để cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng thì người đứng đầu không thể không liên đới trách nhiệm./.
Kim Anh/VOV.VN