Tính từ thời điểm bắt đầu làn sóng dịch thứ tư vào ngày 27.4, khi ghi nhận ca bệnh là nhân viên lễ tân của khách sạn Như Nguyệt 2 ở Yên Bái bị lây COVID-19, nước ta đã trải qua hơn 5 tháng kiên cường, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và đến nay cơ bản đã vượt qua giai đoạn hiểm nghèo nhất.
Hơn 5 tháng chịu ảnh hưởng của làn sóng dịch thứ tư - nguy hiểm, khó lường bởi biến thể Delta, với các biện pháp giãn cách, kiểm soát nghiêm ngặt - sức dân và sức doanh nghiệp thực sự tiêu hao nhiều. Chính vì thế, thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, các địa phương đã vừa tích cực kiểm soát dịch, bảo đảm đời sống an sinh xã hội, vừa thần tốc triển khai chiến dịch tiêm chủng, làm tiền đề thực hiện bước chuyển từ chiến lược “Zero COVID” sang “thích ứng an toàn” với dịch, từng bước khôi phục đời sống kinh tế xã hội.
Có thể thấy làn sóng dịch lần này gây nhiều đau thương, tổn thất nhất tại TP Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước đã gần như tê liệt kể từ khi thành phố áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, tiếp đó là Chỉ thị 16 với nhiều mức độ tăng cường. Từ ngày 26.7, TP Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người dân trên địa bàn hạn chế tối đa ra đường, các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ đến 6 giờ hằng ngày. Đặc biệt là từ ngày 23.8, chính quyền thành phố yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó"; quân đội được triển khai tham gia giữ gìn trật tự, cung ứng, phân phối hàng hóa, hỗ trợ y tế cho người dân, bất cứ ai tham gia lưu thông phải có giấy đi đường…
Nhưng khoảng thời gian gánh chịu nhiều mất mát nhất đó cũng là lúc người dân TP Hồ Chí Minh và cả nước đoàn kết một lòng, chia ngọt sẻ bùi, cùng xốc vai nhau vượt qua khó khăn, thách thức. Cả nước hướng về TP Hồ Chí Minh, chi viện sức người, sức của và ưu tiên nguồn vaccine khan hiếm để thành phố đẩy nhanh tiêm chủng, làm cơ sở cho lộ trình mở cửa trở lại.
Những nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị đã đưa TP Hồ Chí Minh đạt được những thành quả khả quan, mở đường bước sang một giai đoạn mới. Trong những ngày qua, số bệnh nhân tử vong tại TP Hồ Chí Minh, số ca nặng đều giảm, số người xuất viện cao hơn nhập viện. Đến nay, 74% địa bàn thành phố là vùng xanh và cận xanh; 11/22 quận huyện đã đủ tiêu chí kiểm soát dịch; gần 7 triệu người trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1 (khoảng 95%) và hơn 3 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi (khoảng 45%).
Trong khi đó, thủ đô Hà Nội và Đà Nẵng, đầu tàu kinh tế của miền Trung, cũng đạt được những thành quả rõ rệt trong kiểm soát đại dịch và đang bước đầu nới lỏng giãn cách, đưa cuộc sống dần trở lại bình thường. Từ ngày 21.9, Hà Nội đã dỡ bỏ giấy đi đường, cho phép các cửa hàng ăn uống phục vụ mang về, và từ ngày 28.9 cho mở cửa lại trung tâm thương mại, người dân được hoạt động thể thao ngoài trời…
Tại Đà Nẵng, từ ngày 30.9, thành phố cho phép chợ truyền thống hoạt động trở lại, khách sạn được mở cửa đón khách với giới hạn 30% tổng số phòng. Hình ảnh người dân Đà Nẵng vui vẻ tận hưởng khoảnh khắc hoà mình trong làn nước biển ngay sáng sớm 30.9 là tín hiệu ấm áp cho thành phố du lịch nổi tiếng này.
Cần phải khẳng định ở mỗi giai đoạn khác nhau của làn sóng dịch, mỗi chiến lược chống dịch mà chúng ta áp dụng đều phát huy những thế mạnh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Khi đại đa số người dân còn chưa được tiếp cận với tấm khiên bảo vệ là vaccine phòng bệnh thì “Zero COVID” là chiến lược cần thiết để tránh sụp đổ hệ thống y tế, cung cấp sự bảo vệ tối đa cho tính mạng và sức khoẻ của nhân dân. Nhưng khi tình hình dịch bệnh chuyển biến tích cực, đi kèm những tiến bộ lớn trong chương trình tiêm phủ vaccine tại các vùng dịch, thì chuyển sang “sống chung”, “thích ứng an toàn” là chủ trương đúng đắn để thực hiện nhiệm vụ phục hồi kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nêu rõ: “Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi. Đạt ‘zero COVID’ sẽ là một điều rất khó khăn vì ngay tại những nước phát triển có tỉ lệ tiêm vaccine đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể. Chúng ta đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.
Ngay trong lúc thực hiện “Zero COVID”, chúng ta đã đồng thời huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân để bảo đảm nguồn cung cấp vaccine phòng bệnh và triển khai thần tốc, vaccine "về tới đâu, tiêm tới đó". Có thể lấy một ví dụ điển hình chỉ trong một vòng một tuần từ ngày 9-16.9, ngành y tế Hà Nội đã triển khai hết công suất 1.600 dây chuyền tiêm chủng, tiêm lượng vaccine COVID-19 cao gần bằng cả 6 tháng trước cộng lại. Tính đến ngày 29.9, Hà Nội đạt tỉ lệ 96,5% dân số trên 18 tuổi đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Cùng với diễn biến kiểm soát tốt lây nhiễm trong cộng đồng, đây là chỉ số quan trọng để chính quyền Thủ đô cho phép thành phố mở cửa lại, từng bước và an toàn.
Những tiến bộ đạt được trong chiến dịch tiêm chủng cũng là cơ sở để TP Hồ Chí Minh cho phép nới lỏng giãn cách dần dần và có kiểm soát. Những con số ca nhiễm hàng ngày từng gây nhói đau hàng triệu con tim Việt giờ đây đang trên đà giảm và cũng không còn mang nhiều ý nghĩa như giai đoạn trước, khi hầu hết dân số trưởng thành đã được trang bị kháng thể từ vaccine để tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong.
Tuy vậy, ngừng “Zero COVID” để chuyển sang “chung sống với dịch bệnh” không có nghĩa là mở cửa ồ ạt, mất kiểm soát, mất cảnh giác. Bài học để virus “quật lại” đã khiến nhiều nước trên thế giới thấm thía, ngay cả với những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao hàng đầu.
Tinh thần "mở cửa" của chúng ta được quán triệt là "an toàn đến đâu mở cửa đến đó", "mở cửa ở đâu, nơi đó phải an toàn". Theo chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" với căn cứ là hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, kinh nghiệm và lộ trình mở cửa của gần 40 nước, cũng như thực tiễn và quy định phòng chống dịch tại Việt Nam và tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, giới chuyên gia... Hướng dẫn "thích ứng an toàn" nhằm mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc và tử vong do COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội.
Dự thảo hướng dẫn cho phép nhiều hoạt động vẫn được thực hiện kể cả khi có dịch. Nhưng để kiềm chế nguy cơ bùng phát dịch một cách bền vững, người dân vẫn cần tuân thủ nguyên tắc 5K, và bất cứ hành vi lơi lỏng nào dù chỉ của một cá nhân cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường khi cuộc sống được "mở cửa"./.
Theo Tin tức