Quốc hội đã kết thúc tuần làm việc bận rộn đầu tiên với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, đáng chú ý Quốc hội bầu đồng chí Lương Cường giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội cũng đã thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội và ngân sách năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Gỡ điểm nghẽn thể chế để không lỡ thời cơ phát triển", trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh điều này. Nêu ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực; trong đó, thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", Tổng Bí thư chỉ rõ tình trạng một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực... Để "tìm ra con đường đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" như Tổng Bí thư Tô Lâm xác định thì việc tập trung khắc phục những "điểm nghẽn" về thể chế hiện tại, đồng thời cũng phải tăng tốc hơn nữa trong xây dựng thể chế cho những lĩnh vực mới, xu hướng mới.
"Để phát triển được phải có nền móng. Nền móng đó là thể chế và chúng ta đang nỗ lực hoàn thiện thể chế. Tổng Bí thư nói rằng: thể chế là điểm nghẽn và Quốc hội đang làm và cố gắng kỳ họp này sẽ cho ý kiến tới 31 Luật và Nghị quyết. Nỗ lực rất lớn để hoàn thiện và tiếp tục "dùng một luật sửa nhiều luật". Như vậy, điểm nghẽn đã thấy và đang nỗ lực để hoàn thiện", ĐB Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM chia sẻ.
"Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là một định hướng hoàn toàn đúng đắn. Định hướng này sẽ là điểm mốc rất quan trọng và làm thay đổi cơ bản công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội cũng như của toàn hệ thống chính trị. Chúng tôi thấy rằng việc xây dựng pháp luật hiện nay theo hướng không chỉ phục vụ cho công tác quản lý mà xây dựng pháp luật giúp cho việc khơi thông nguồn lực, hạn chế điểm tắc nghẽn và phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội", ĐB Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Trong ngày làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã bầu đồng chí Lương Cường giữ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026. Trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, Chủ tịch nước bày tỏ xúc động, vinh dự và ý thức rất rõ về trách nhiệm to lớn và hứa nỗ lực hết sức mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao phó. Việc kiện toàn chức danh quan trọng này đã đáp ứng mong mỏi của ĐBQH và cử tri.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, đoàn Nam Định; Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Bình Dương cho rằng: "Bầu Chủ tịch nước, khi chọn người có uy tín cao, bầu làm Chủ tịch nước, chia sẻ gánh nặng trách nhiệm với Tổng Bí thư. Vấn đề nhân sự Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Việc đó là mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước cũng như các ĐBQH. Tôi hy vọng rằng kết quả đó là nguồn lực tinh thần động viên cho tất cả đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ năm".
Trong "bức tranh" kinh tế- xã hội năm nay cho thấy những tín hiệu tích cực. Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội phục hồi và phát triển, dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu. Tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%). Vốn FDI thực hiện ước đạt 17,34 tỷ đô la Mỹ, tăng 8,9%, cao nhất từ năm 2021 đến nay, phản ánh môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam...Đặc biệt, đã hoàn thành đưa vào khai thác thêm 109km đường cao tốc; khánh thành dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối sau hơn 6 tháng thi công.
Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá: "Dự án đường dây 500KV là một trong những ví dụ thành công trong việc triển khai các dự án quy mô lớn, đòi hỏi yếu tố kỹ thuật tương đối phức tạp với một thời gian vượt ra khỏi tưởng tượng của rất nhiều người. Đấy là một trong những thành công. Đây là ví dụ điển hình chúng ta có cơ sở, tính toán triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong thời gian tới. Dự án 500kV mạch 3 có ý nghĩa cực kỳ lớn trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chuyển tải điện từ những khu vực sản xuất đến nhu cầu cao, tạo ra hệ thống điện là cơ sở cho phát triển kinh tế một cách bền vững".
Nhìn nhận những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, các đại biểu cho rằng ưu tiên hàng đầu vẫn là tăng cường năng lực nội sinh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Ổn định giá cả hàng hóa, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu đặc biệt là điện, xăng, dầu.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn TP Hà Nội cho rằng: "Để kích cầu trong nước có lẽ phải tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa ngược mạnh hơn. Các chương trình giảm thuế phải tiếp tục giãn, hoãn các khoản đóng tiền thuê đất. Tôi nghĩ rằng phải tiếp tục giảm xuống. Làm thế nào khơi thông cho các hoạt động doanh nghiệp, để có thể mở rộng sản xuất, tháo gỡ những khó khăn về rào cản thể chế cho hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo môi trường tốt.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đắc Nông kiến nghị: "Liên quan đến đầu tư, đầu tư công, ngân sách nhà nước, vấn đề chứng khoán. Vấn đề chứng khoán, vừa rồi thị trường trái phiếu, đây là những vấn đề cấp thiết để đảm bảo an toàn tài chính trong thị trường chứng khoán. Vấn đề đầu tư công thì vấn đề được nguồn lực của Nhà nước như nguồn lực của các nhà đầu tư không phải ngoài Nhà nước để góp vốn vào để tiếp tục có những quyết sách đầu tư công một cách hiệu quả nhất, đầu tư đối tác công một cách hiệu quả nhất".
Trong tuần làm việc, Quốc hội thảo luận về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là phù hợp với yêu cầu của Quốc hội, nhất là trong bối cảnh đất nước đang chuẩn bị triển khai một số dự án quan trọng quốc gia, trong đó có Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Với quy mô siêu lớn và trình độ công nghệ tiên tiến, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá cho nền kinh tế đất nước.
Nhiều cử tri bày tỏ: "Đi lại, vận chuyển hàng hóa và hành khách hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ. Mỗi ngày nhu cầu của khối lượng về hàng hóa càng nhiều, nhưng nếu để ngành đường sắt như thế này thì chắc chắn sẽ không đáp ứng vào những năm sau nữa".
"Lựa chọn tốc độ 350 cây số giờ đối với sự phát triển giao thông Việt Nam là chính xác. Chúng ta đã có 1.000 đô thị rồi, các đô thị nằm trên trục đường sắt cao tốc. Đường sắt kết nối được với các đô thị, các cảng biển thì tạo nên hệ Logictics rất lớn".
"Điều kiện đã chín muồi rồi còn băn khoăn là chúng ta chọn đối tác hợp lý, tiết kiệm được, tiệm cận được khoa học kỹ thuật tốt nhất và phát triển bền vững lâu dài".
Tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội đã cho ý kiến vào các dự án Luật dự kiến thông qua tại Kỳ họp này. Đáng chú ý, cho ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, các đại biểu nhấn mạnh việc cầu cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc thiết yếu cho việc phòng bệnh, điều trị bệnh là hết sức cấp thiết. Thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), các đại biểu thống nhất cao nghiêm cấm thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai. Đề cao tính nhân văn, hướng thiện trong xử lý người chưa thành niên phạm tội, quy định trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Với những dự án luật cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp này, các đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế phải bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, tạo thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ y tế, khắc phục tình trạng thiếu vật tư y tế, bảo đảm quyền lợi người bệnh.
Ngày 28/10, Quốc hội bước sang tuần làm việc thứ 2 với nhiều nội dung trọng tâm. Thảo luận về: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; và Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".