Mở đầu bài phát biểu chào mừng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Pháp, Đinh Toàn Thắng đã nhắc lại cột mốc lịch sử 50 năm trước, ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, nước Pháp trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, sau này là nhà nước CHXHCN Việt Nam. Trong những năm tiếp theo, nước Pháp cũng đã sát cánh cùng Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhắc lại, khi Việt Nam hứng chịu bao khó khăn vì các lệnh cấm vận trong thập niên 80, nước Pháp cũng là quốc gia phương Tây duy nhất tiếp tục duy trì các mối liên hệ với Việt Nam thông qua hợp tác khoa học kỹ thuật và trao đổi văn hoá.
Năm 1993, cựu Tổng thống Pháp Francois Mitterand cũng trở thành nguyên thủ phương Tây đầu tiên đến thăm Việt Nam. Tất cả những sự kiện lịch sử đó đã là nền tảng nâng đỡ và đưa quan hệ Việt Nam - Pháp liên tục tiến lên những nấc thang mới trong nửa thế kỷ qua, để đến ngày nay Việt Nam - Pháp đã là những đối tác chiến lược, có quan hệ chính trị mạnh mẽ, quan hệ kinh tế năng động, quan hệ hợp tác phong phú và đa dạng trên tất cả mọi lĩnh vực, từ khoa học - kỹ thuật, văn hoá - giáo dục cho đến trao đổi con người.
Trong suốt tiến trình lịch sử 50 năm qua, một điểm đặc biệt của mối quan hệ Việt - Pháp, theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, đó là bất chấp các biến động lớn của thời đại, hai quốc gia luôn kiên định với lựa chọn là tăng cường hợp tác và đối thoại. Đó cũng là bệ phóng để hai nước hướng đến tương lai, với các dự án hợp tác tham vọng hơn, xứng đáng với tiềm lực và ý chí của hai quốc gia.
Đồng tình với những nhận định của Đại sứ Đinh Toàn Thắng, ông Benoit Guidée, Vụ trưởng Vụ Á-Úc, Bộ Ngoại giao Pháp đánh giá, quan hệ Việt - Pháp là một quan hệ đặc biệt. Ông Benoit Guidee nhấn mạnh, năm 2023 không chỉ là năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt - Pháp mà còn kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia, một minh chứng cho thấy hai nước có quan hệ về chính trị mạnh mẽ và đầy tin tưởng, được cụ thể hoá và nâng tầm bởi các chuyến thăm cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước, như chuyến thăm Pháp năm 2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp nối sau đó bởi chuyến thăm Việt Nam của cựu Thủ tướng Pháp Édouard Philippe và ngay sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, hai nước đã lập tức nối lại đối thoại cấp cao với chuyến thăm Pháp năm 2021 của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động hiện nay, Pháp giành ưu tiên lớn cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đánh giá rất cao vai trò của ASEAN mà trong đó Việt Nam là một thành viên có tầm ảnh hưởng lớn và là đối tác mà Pháp có những liên hệ sâu sắc.
Tuy nhiên, ông Benoit Guidée khẳng định, vượt lên mọi yếu tố, điều làm nên sức mạnh đặc biệt cho quan hệ Việt - Pháp là về mặt con người, khi không có quốc gia châu Á nào mà nước Pháp có các mối liên hệ về con người và văn hoá sâu đậm như Việt Nam.
“Điều làm nên sức mạnh đặc biệt cho quan hệ Việt - Pháp, vượt trên cả các đối thoại chính trị chất lượng, đó là mức độ đậm đặc trong mối quan hệ về mặt con người. Hơn tất cả các nước khác ở châu Á, mối quan hệ của Pháp với Việt Nam về mặt hiệp hội, về văn hoá, về thanh niên, về sinh viên hay các nhà nghiên cứu trong tất cả các lĩnh vực đều đặc biệt lớn mạnh. Ngay cả ở cấp độ các hội hữu nghị hay các chính quyền địa phương, luôn luôn có những nền tảng rất lớn mạnh cho quan hệ giữa nhân dân hai nước chúng ta. Đó chính là điều làm nên sức mạnh đặc biệt cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp”.
Tại buổi lễ kỷ niệm, đông đảo quan khách đã được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, thấm đượm giá trị văn hoá Việt Nam và Pháp do các học sinh của dàn Hợp xướng thiếu nhi Học viện âm nhạc Versailles cùng nhiều nghệ sĩ Nhà hát múa rối quốc gia Việt Nam trình diễn./.
Quang Dũng - Mạnh Hà/VOV-Paris