Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định chính thức về việc xây dựng Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Dự thảo Quy tắc ứng xử đưa ra những điều nên và không nên trong hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật, trong đó quy tắc chung là giữ gìn đạo đức, hình ảnh, tác phong, uy tín của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam và pháp luật của Nhà nước.
Dự thảo cũng đưa ra cụ thể quy tắc trong hoạt động nghề nghiệp, ứng xử với đồng nghiệp, công chúng, khán giả; ứng xử trong công tác xã hội, trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội. Thế nhưng, nhiều người cho rằng bên cạnh những quy định về đạo đức chung này, cần có những chế tài với hình thức xử phạt cụ thể và rõ ràng...
Từ câu chuyện quốc tế
Thời gian qua, làng giải trí thế giới rúng động bởi các động thái mạnh tay và quyết liệt của Trung Quốc đối với một số nghệ sĩ nổi tiếng của nước này.
Trong thông báo mới nhất về việc tăng cường công tác quản lý giáo dục và xây dựng đạo đức cho văn nghệ sĩ, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã yêu cầu tăng cường thực thi các biện pháp kiểm soát “khẩn cấp quyết đoán” đối với những cá nhân và vấn đề có thể gây tác động xấu trong xã hội, với tôn chỉ quyết không dung thứ cho bất cứ hành động vi phạm pháp luật và đạo đức nào.
Dịp này, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc còn đưa ra 10 biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa việc chấn chỉnh tình trạng hỗn loạn trong cộng đồng fan (người hâm mộ), trong đó có việc hủy bỏ các bảng xếp hạng nghệ sĩ nổi tiếng, ngăn chặn các cuộc chiến giữa những cộng đồng fan của các ngôi sao và những hiện tượng tiêu cực khác liên quan đến ngành giải trí.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Bộ Quy tắc ứng xử này là khung để nghệ sĩ biết tiết chế, ứng xử có văn hóa với nhau và với công chúng. Dù không phải quy phạm pháp luật với các điều khoản xử phạt, cấm sóng, nhưng đây là cơ sở để các bộ, ban, ngành xây dựng những quy tắc cũng như ban hành các chế tài riêng để áp dụng với thành viên, hội viên.
Có thể nói, việc mạnh tay xử lý các ngôi sao có tầm phủ sóng rộng rãi trên mạng xã hội, khi họ có những hành vi sai trái cho thấy Trung Quốc quyết không nương tay trước những hệ lụy khôn lường và tác hại ghê gớm của các hành vi lệch chuẩn tác động lên giới trẻ.
Không chỉ Trung Quốc, tại Mỹ, những nghệ sĩ dính bê bối đời tư đều phải trả giá theo những mức độ khác nhau.
Điển hình là vào năm 2018, khi phong trào #MeToo - nơi các nữ nạn nhân đứng lên tuyên chiến với nạn quấy rối tình dục... thì một loạt “yêu râu xanh” trong làng giải trí Hollywood đã bị đưa ra ánh sáng.
Những năm gần đây, ngành giải trí Hàn Quốc cũng đã phơi bày mặt tối của một loạt nghệ sĩ trẻ. Không ít ngôi sao buộc phải tuyên bố giải nghệ, cúi đầu xin lỗi người hâm mộ, hoặc chịu hình phạt của pháp luật.
... đến làn sóng thanh lọc ở Việt Nam?
Có lẽ, bài học từ các nghệ sĩ quốc tế sẽ là lời cảnh tỉnh cho các nghệ sĩ Việt trước những hoạt động trái pháp luật, những hành vi, lời nói, chia sẻ không chuẩn mực, phù hợp với đạo đức chung của xã hội. Hơn nữa, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang biên soạn Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cũng được cho là động thái tích cực trong nỗ lực nhằm nâng cao ý thức hành xử của các nghệ sĩ thời nay.
Tuy nhiên, liệu đây có thực sự là một công cụ hữu hiệu giúp thanh lọc môi trường văn hóa, nghệ thuật tại Việt Nam?
Được biết, Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử gồm ba chương, 11 điều, được áp dụng là những người tham gia lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm cả hoạt động tự do và biên chế ở các đơn vị nghệ thuật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hoàn thiện Dự thảo này để gửi tới các cơ quan chức năng và sáu đơn vị (Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ Múa, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Hội Nhạc sĩ) đề nghị tham gia góp ý xây dựng cho dự thảo.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Bộ Quy tắc ứng xử này là khung để nghệ sĩ biết tiết chế, ứng xử có văn hóa với nhau và với công chúng. Dù không phải quy phạm pháp luật với các điều khoản xử phạt, cấm sóng, nhưng đây là cơ sở để các bộ, ban, ngành xây dựng những quy tắc cũng như ban hành các chế tài riêng để áp dụng với thành viên, hội viên.
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Hướng Dương cũng khẳng định việc ban hành một Bộ Quy tắc ứng xử cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là vô cùng cần thiết. Bởi, làng giải trí Việt đang quá nhiều sự việc lùm xùm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và xói mòn lòng tin đối với giới nghệ sĩ.
Ở một góc nhìn khác, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam Tuyết Minh lại cho rằng, những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật cần tự ý thức được hành vi ứng xử của mình, chứ không cần phải chờ cơ quan quản lý Nhà nước ban hành bộ quy tắc.
Đăng Minh (BQT)