Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai của dân tộc; luôn luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục xác định là đầu tư cho phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác. Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, giáo dục đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những kỳ tích phát triển của dân tộc”.
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm cho thấy Đảng ta luôn quan tâm đến giáo dục. Tổng Bí thư nhắc lại: “Phong trào Bình dân học vụ với chính sách “cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền” sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh... đã căn bản xóa xong nạn mù chữ ở vùng đồng bằng và trung du, miền núi miền Bắc - hậu quả do chính sách ngu dân của thực dân Pháp xâm lược. Thành tựu xóa nạn mù chữ là nền tảng đầu tiên, căn bản nhất để cách mạng Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao mới, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đạt được thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước”.
Từ bài học bình dân học vụ, Tổng Bí thư đã chỉ đạo phát động thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”. Theo Tổng Bí thư, chất lượng giáo dục ở các cấp học còn hạn chế; giáo dục đại học vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới; “nặng” về lý thuyết, “nhẹ” về thực hành; chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, với sản xuất kinh doanh và nhu cầu thị trường.
Hàng chục ngàn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, hoặc làm không đúng nghề nghiệp được đào tạo, không chỉ gây ra lãng phí lớn, mà còn phản ánh rõ nét hạn chế của giáo dục đào tạo. Đội ngũ nhà giáo vẫn còn thiếu về số lượng, một bộ phận yếu về năng lực chuyên môn, chưa tích cực đổi mới, một bộ phận nhỏ vẫn còn có biểu hiện vi phạm đạo đức gây ảnh hưởng xấu trong dư luận.
Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo chưa tương xứng với yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, trong khi xã hội hóa các nguồn lực đầu tư còn gặp nhiều khó khăn.
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm cho chúng ta thấy sâu sắc hơn về thực trạng của nền giáo dục nước nhà từ phổ thông đến đại học, những yếu kém trong giáo dục để những nhà quản lý, giáo viên tìm cách khắc phục, đưa giáo dục nước nhà lên một tầm cao mới, xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục. Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước được xác định là cốt lõi.
Để hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, nhân lực chất lượng cao tiếp tục được Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII xác định là đột phá chiến lược, và đổi mới giáo dục đào tạo là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược của Đại hội XIV.
Nói đến nguồn nhân lực, kinh tế tri thức thì ắt hẳn vai trò của giáo dục là tiên quyết, và ở đó người thầy là thuyền trưởng của con tàu tri thức. Như vậy để thấy rằng, vai trò của người thầy trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu là vô cùng quan trọng.
Để thực hiện tốt trọng trách này, trước hết, mỗi cơ sở đào tạo, mỗi người thầy phải ý thức tự đổi mới để thích ứng với thời đại công nghệ nhằm nâng cao vai trò của mình trong công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và làm chủ công nghệ.
Đồng thời, để tạo động lực cho nhà giáo tận tâm, tận hiến với sự nghiệp trồng người, Nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ nhà giáo phát huy tối đa đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo.
Không dám nhìn vào sự thật, không dám ước mơ về một nền giáo dục Việt Nam tiên tiến thì không thể có được một nền giáo dục vì dân, vì học sinh thân yêu, vì sự phồn thịnh của đất nước. Mỗi địa phương, mỗi cơ sở giáo dục, các nhà quản lý, giáo viên phải thấy rõ hiện trạng của giáo dục nước nhà, nhìn vào đó để đặt ra những mục tiêu và bước đi phù hợp cho từng người, từng cơ sở giáo dục, từng địa phương mới hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho thế hệ mai sau.
Nguồn SGGP