Ảnh minh họa: internet
Thị trường sách, trong đó có sách văn học, đang khó kiểm soát, đó là một thực tế. Sách văn học dịch đang lấn át sách của các nhà văn cổ điển Việt Nam, sách giải trí thuần túy đang ở thế thượng phong đôi khi làm người đọc chệch hướng khiến cho mỹ cảm (cảm xúc về cái đẹp) có phần rối loạn. Nói tóm lại tình trạng “khủng hoảng thừa mà thiếu” đang diễn ra trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có sách và sách văn học.
Nếu ai quan tâm sẽ thấy lo lắng cho vị thế của sách văn học trong đời sống xã hội hiện đại. Một quốc gia có 97 triệu dân (ở trong nước, theo điều tra dân số 2019) thế nhưng một tiểu thuyết hạng khá chẳng hạn, in ra với số lượng 1.000 cuốn, đã bán lay bán lắt, loại trừ sách “bắt mắt”, hay “nhạy cảm”. Vì thế nỗi sợ hãi có thật của nhà văn hiện nay là tác phẩm mình viết và in ra sẽ bị chìm lấp trong thế giới mạng, trong sự thờ ơ cố tình hoặc vô tình của chính những người trước đây son sắt thủy chung với văn hóa đọc nay ngả theo văn hóa nghe nhìn được ví như một con khủng long thời hiện đại “ngoạm” dần hết thị phần sinh hoạt tinh thần trong một xã hội kỹ trị.
Nếu chúng ta bình tĩnh sẽ không ngạc nhiên về thực trạng ảm đạm này. Vì sao? Vì chữ “thời” (thời buổi/thời thế/thời vận) như người ta nói “thời nay nó thế”: giới trẻ thích thời trang; kẻ xấu thích thời loạn/thời mạt; người tốt thì lỡ thời, nhiều thời cơ tốt bị vuột mất khỏi tay cộng đồng,... Sách đã từng làm nên văn hóa một thế hệ: “Không có sách chúng tôi làm ra sách/Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh - Đường tới thành phố). Bây giờ là thế hệ “văn hóa nghe nhìn”. Những cường quốc đọc sách như Mỹ, Ixraen, Nga, Nhật Bản... đều có chỉ số lý tưởng - đọc trên 40 cuốn/năm/người; ở Đức thì gần 50 phần trăm người đọc ít nhất 1 tuần/1cuốn sách (con số thống kê năm 2015); người Nga đọc nhiều nhất (55 cuốn/người/năm).
Đó là những tấm gương lớn của tình yêu sách. Nhưng có lẽ ta khó học theo họ, vì nhiều lẽ. Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng văn hóa đọc xuống cấp ở ta hiện nay có một phần lỗi của ngành giáo dục: nạn học hành/học thêm, thi cử nặng nề đã cướp mất tuổi thơ của thanh thiếu niên, nạn “nhồi nhét” kiến thức vào óc học trò nhiều quá nên các em không có thời gian đọc sách, nhất là sách văn học.
Thị hiếu thẩm mỹ của lớp trẻ đang nói ở đây cũng rất khác nhau, không thể đưa ra một nhận định chung chung được. Trước hết lớp trẻ là sinh viên đại học và cao đẳng, đây là lực lượng nòng cốt của sự đọc sách. Nhưng tình hình cũng không mấy lạc quan. Họ chỉ chăm chăm đọc những sách phục cụ cho việc học và thi của hàng mấy chục môn học trong suốt mấy năm trời trên ghế nhà trường với cả đống tín chỉ (hơn 100) đè nặng trĩu lên vai. Có thời gian rỗi thì họ chơi phây (facebook) để giải trí, để tương tác, hoặc lướt mạng để xem những gì mình thích, mà sở thích của họ thì cũng vô cùng vô tận (chưa có một điều tra xã hội học nào thật đáng tin cậy về việc sử dụng thời gian nhàn rỗi của lớp trẻ là sinh viên).
Nếu có dính dáng tí chút văn học thì đọc sách ngôn tình, đam mỹ (!?). Lớp trẻ là người lao động tự do thì họ xem truyền hình. Lớp trẻ là viên chức nhà nước thì bị áp lực công việc nên họ hay xả hơi, thư giãn bằng những “liệu pháp tinh thần” khác. Nhiều người có tâm huyết đang thực sự lo lắng khi sách văn học đang có nguy cơ trở thành một “xa xỉ phẩm”. Ngay cả sinh viên ngành ngữ văn các trường đại học, cao đẳng cũng rất ít đọc sách văn học, họ thường học “chay”.
Có một cuộc giao tranh giữa sách hay và sách bán chạy (best-seller) trong thực tế như là kết quả biến đổi thị hiếu thẩm mỹ của người đọc. Đây là vấn đề thời sự nhất hiện nay trong lĩnh vực sách văn học. Ở ta hiện có một tạp chí rất bề thế là Sách và đời sống (Cơ quan ngôn luận của Hội Xuất bản Việt Nam), song nếu chỉ nhìn vào đó cũng chưa tìm thấy những câu trả lời cần thiết và hữu ích cho việc đánh giá “sách hay và sách bán chạy”. Sách hay và sách bán chạy (best-seller) không phải là một, nhưng có liên quan mật thiết với nhau. Sách hay thường được coi là “sách gối đầu giường” không chỉ của một người mà là của một và nhiều thế hệ, cao hơn là của một dân tộc, cả nhân loại, nó trở thành những giá trị cổ điển (các kiệt tác như Đông-Ky-sôt của nhà văn Tây Ban Nha Xervantec, được bình chọn là “cuốn sách hay nhất mọi thời đại”,Truyện Kiều của Nguyễn Du, được coi là “linh kinh của người Việt”, chẳng hạn).
Sách hay không nhất thiết là sách bán chạy, nhưng cần thiết cho đời sống tinh thần của chúng ta, nó là “của để dành”. Sách hay là bộ phận tinh hoa văn học. Nền văn học nào cũng cần có tinh hoa, đó là văn hóa của một quốc gia. Nhà văn Mỹ Louisa Alcott có một câu nổi tiếng: “Sách hay, cũng như bạn tốt, ít và được lựa chọn”. Sách hay là mơ ước, là đích đến của người sáng tác.Vào tháng 9-2018, cũng có một cuộc tọa đàm với chủ đề “Làm thế nào để có tác phẩm hay. Những giải pháp căn bản thúc đẩy sáng tác” (do Liên chi hội nhà văn các tỉnh phía Bắc tổ chức tại Thái Nguyên). Nhà xuất bản Hội Nhà văn (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam) đã ra mắt sách chuyên đề Viết và đọc (xuất bản theo quý, từ quý IV/2018). Đây là một động hướng xuất bản tích cực, có hiệu quả kinh tế và văn hóa cao.
Sách hướng dẫn cách đọc văn bản nghệ thuật ngôn từ theo lý tưởng thẩm mỹ tốt đẹp, mới mẻ. Chúng tôi gọi đây là sách hay (có thể vẫn không bán chạy). Nhân bàn về sách hay, chúng tôi xin được nhắc lại một câu chuyện thú vị được nhà phê bình Vương Trí Nhàn kể lại. Sinh thời nhà văn Nguyễn Minh Châu được nhiều bạn đọc hâm mộ. Một lần, có một bạn đọc vốn là cựu chiến binh nhờ Nguyễn Minh Châu tư vấn cho sách hay để đọc. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã giới thiệu các trước tác của Vũ Bằng. Một dạo sau, bạn đọc ấy lại gặp và nhờ Nguyễn Minh Châu giới thiệu tiếp những cuốn sách hay như của Vũ Bằng mà ông đã đọc. Nguyễn Minh Châu cảm thấy rất kính nể bạn đọc tinh tường nhưng trả lời: sách hay như thế thì...hiếm!
Sách bán chạy (best-seller) thường đáp ứng nhất thời những yêu cầu nào đó, của một bộ phận độc giả nào đó và mục đích kinh doanh của người viết và người tổ chức sản xuất là không thể phủ nhận, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay. Sách bán chạy thuộc phạm trù “văn hóa đại chúng”. Con người thời kỹ trị, thời thị trường theo cơ chế tiêu dùng, tiện nghi, hữu ích, thực tế không mặn mà với loại hình nghệ thuật (sách văn học) buộc phải nghiền ngẫm, suy tư. Đa phần công chúng ưa “nghe nhìn” (nhanh/nhiều/rẻ). Tương tự, họ thích chất giải trí của các tác phẩm văn học trinh thám/kiếm hiệp/viễn tưởng/ngôn tình/kỳảo/sex/hồi ký/tự truyện.
Cách đây chưa lâu, cũng đã có tranh luận về phim hay, có một luồng ý kiến cho rằng phim hay là phim có nhiều người xem (!?). Cũng vậy, sách bán chạy chưa hẳn đã là sách hay. Bởi vì người đọc hiện nay, nếu có thể nói, vừa rất thông minh, vừa rất “đỏng đảnh”, đôi khi khó tính một cách vô lối trước những cuốn sách hay đích thực. Thực tình thì nhiều (không phải tất cả) nhà xuất bản đang hướng tới sản xuất sách bán chạy. Họ chủ yếu bán giấy phép cho tác giả, tác giả thì đi tìm “đầu nậu”, các nhà sách có kinh nghiệm làm sách. Người viết bán tác phẩm cho tư nhân, nhưng nếu xảy ra chuyện cắc cớ thì chính các nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sách bán chạy đang chiếm lĩnh thị phần sách hiện nay. Nhưng không nên từ đó mà bi quan, rồi sẽ đến lúc có sự cân bằng giữa sách hay và sách bán chạy. Nếu chúng ta xem phim Mỹ thì sẽ thấy phim của họ bán chạy khắp thế giới, nhưng là phim hay. Vậy người Mỹ có “bí quyết” gì vậy? Nên chăng học tập họ để làm phim hay sản xuất ra sách hay và bán chạy, sách bán chạy và hay.
Định hướng văn hóa đọc là một nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh văn hóa đại chúng. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, vấn đề định hướng trở nên ít rõ ràng và khó khăn hơn khi thực hiện so với lĩnh vực khác (như kinh tế, giáo dục,...). Vì sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật đều mang tính cá nhân cao độ.Trong văn hóa và cụ thể là văn hóa đọc, chúng ta đang đứng trước những thách thức không dễ dàng giải quyết trước tình trạng nhiễu loạn thẩm mỹ. Một định hướng đúng về cách sống cũng như về cách ứng xử văn hóa là kết quả của một sự vận động tổng thể của nhiều phương diện: cá nhân và xã hội, gia đình và xã hội, nhà trường và xã hội, dân tộc và nhân loại, quá khứ và hiện tại, kinh tế (như “tay ga”), và văn hóa (như “tay phanh”) của cỗ xe có động cơ.
Không nên quy trách nhiệm về tình trạng xuống cấp về văn hóa (trong đó có văn hóa đọc) cho bất kì một cá nhân cụ thể nào, mà nên tìm hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng ấy để khắc phục. Nói một cách thẳng thắn, một bộ phận lớp trẻ đang ở trong tâm thế hoang mang, mất phương hướng trên nhiều phương diện của đời sống, nhất là đức tin. Vì thế nếu có sự dao động trong cách tiếp cận và chiếm lĩnh sách (và sách văn học) như là biểu tượng của văn hóa, thì cũng không có gì là khó hiểu. Sau chiến tranh, chúng ta đang khôi phục kinh tế, chúng ta đang muốn vươn lên làm giàu, các mục đích kinh tế đôi khi làm một số không ít thanh niên nghĩ rằng đấy là tất cả mục tiêu phấn đấu của cuộc đời, mà quên rằng văn hóa mới là thước đo cao nhất của sự phát triển của một quốc gia cũng như một cá nhân. “Văn hóa soi đường quốc dân” chứ không phải kinh tế.
Nói “định hướng văn hóa đọc” nghe có vẻ to tát, lý thuyết (Gơt - “Lý thuyết thì xám xịt còn cây đời mãi mãi xanh tươi”). Nhưng xét đến gốc rễ sâu xa đó chính là nỗ lực duy trì và truyền cảm hứng cho công chúng đọc sách. Điều nguy hiểm nhất hiện nay, xét từ góc độ tâm lý xã hội, là con người dần dần đánh mất cảm hứng tích cực trong hoạt động (tâm lý đối phó, chống đối, qua chuyện, tắc trách, buông bỏ đang lấn sân tính tích cực và tự giác cao của công dân).
Nhưng làm thế nào để duy trì và phát huy cảm hứng tích cực? Đây là câu hỏi lớn khó có câu trả lời vắn gọn. Cách đơn giản nhất là đổ lỗi cho thời đại kỹ trị, thậm chí đổ lỗi cho cách mạng CN 4.0 khi thế giới được số hóa, tự động hóa. Chính phủ thông minh, thành phố thông minh, ngôi nhà thông minh,... tất cả đều thông minh. Nhưng thực tế con người đang kém trí thông minh hơn trước (bằng chứng là con người ngu ngốc khi tấn công vào bà mẹ Tự nhiên vĩ đại). Muốn truyền cảm hứng đọc sách văn học tích cực, thì hãy học tập những người làm bố, làm mẹ ở đất nước Ixraen khi họ thường xuyên khuyên con cái mình: “Trước khi đi ngủ, con hãy cố gắng đọc một trang sách”.
Người ta hay chê trách, phê phán người trẻ lười đọc sách, nhưng hãy xem người lớn tuổi có ham đọc? Câu chuyện về các Lãnh tụ Lênin, Hồ Chí Minh, Phiđen Catxtơrô yêu sách vẫn còn lưu truyền khắp thế gian. Gần đây việc tổ chức những Hội sách/Đường sách/ngày sách ở hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh là những khởi động đáng lạc quan. Báo Phụ nữ Thủ đô trong nhiều năm liền (từ 2010 đến nay) đã tổ chức cuộc thi đọc “Cuốn sách mà em yêu thích”. Không đơn giản chỉ là thi thố theo phong trào, sâu xa là một cách thức, phương pháp chấn hưng văn hóa đọc. Điều đáng ngạc nhiên là học sinh cấp dưới đọc nhiều hơn cấp trên, học sinh vùng nông thôn đọc nhiều hơn thành phố.
Cổ nhân có câu “Tiên trách kỉ hậu trách nhân” thật chí lí, vận dụng vào hoàn cảnh và trường hợp nào cũng đúng. Trong xã hội hiện nay cái sự “nhầm” đang khá phổ biến (học trò ngồi nhầm chỗ, nhà đầu tư nhầm địa chỉ, lòng tốt bị hiểu nhầm, ủng hộ nhầm một người kém làm lãnh đạo, người thiếu cả hồng và chuyên ngồi nhầm vào vị trí lãnh đạo,…). Sự đọc nhầm của độc giả hiện đang diễn ra khá phổ biến, sự nhầm này là hậu quả của hoạt động đọc sách tự phát, thiếu sự hướng dẫn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, lỗi trước hết là do cá nhân ấy chịu, nhưng một cá nhân mắc sai lầm lại có những nguyên nhân tiềm ẩn, gián tiếp. Rõ ràng quảng cáo, tiếp thị sách theo mục đích kinh doanh hay vì một mục đích khác mà các phương tiện truyền thông không thể phủi tay trốn tránh trách nhiệm. Tâm lý “đám đông” cũng là một yếu tố kích hoạt sự đọc “lệch pha”.
Văn hào Nga M. Gorky nói: “Quần chúng thưởng thức nghệ thuật cũng cần được giáo dục”. Rõ ràng là công chúng nghệ thuật hiện nay, trong đó có độc giả, đang rất tự phát trong tiếp nhận văn học. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến hệ lụy một lúc nào đó sách văn học hay “nằm ngủ” trên giá, mình phủ đầy bụi. Nỗi lo lắng này không của riêng ai. Nói một cách thẳng thắn và nghiêm khắc thì tình trạng không kiểm soát được và có chiều hướng thả nổi việc in ấn xuất bản cũng như việc đọc là một thực tế nhỡn tiền đáng báo động.
Anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi đã từng nói: “Không cần đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc sách mà thôi”. Vì thế cần tổ chức, chấn hưng việc đọc sách như cách Báo Phụ nữ Thủ đô đã thực hiện thành công trong nhiều năm qua (2010 đến nay) khi kiên trì tổ chức cuộc thi đọc “Cuốn sách em yêu thích”. Kết quả rất khả quan, cần nhân rộng mô hình này để chấn hưng văn hóa đọc. Nước ta có hơn 20 triệu người đi học các cấp từ thấp lên cao.
Văn hóa nghe - nhìn đang tỏ rõ sức mạnh cạnh tranh quyết liệt của nó với văn hóa đọc. Nhưng văn hóa đọc có đầu tiên và sẽ định vị đến cuối cùng. Sách cho con người tri thức và sức mạnh. Trách nhiệm của người viết sách (nhà văn), của người làm sách (nhà xuất bản), của cơ quan chức năng quản lý Nhà nước (Bộ VH,TT&DL, Bộ TT-TT, Ban Tuyên giáo TU, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo,..) liên quan, cùng ra quân, hiệp đồng “tác chiến”, nhất định văn hóa đọc sẽ được chấn hưng. Câu châm ngôn “mở một cuốn sách thấy một con người” có ý nghĩa lý luận và thực tiễn khi chúng ta nói rộng ra “Văn hóa đọc là diện mạo tinh thần của một dân tộc”./.
Theo vanhoanghean