Bảo tồn các giá trị văn hóa là nhiệm vụ quan trọng. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
80 năm trước, trong bối cảnh chế độ thực dân nửa phong kiến đang suy thoái trầm trọng, Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, được Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua vào tháng 2/1943, là Văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về văn hóa.
Đề cương thể hiện tầm vóc tư tưởng chính trị của Đảng trong việc xác định vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong cuộc đấu tranh “phản đế”, “phản phong”, đẩy mạnh cách mạng giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ phát-xít, thực dân, phong kiến tay sai, xóa bỏ mọi áp bức bất công, giành chính quyền về tay Nhân dân.
Tại Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Những tư tưởng lớn, dân tộc, khoa học, đại chúng, với tinh thần cách mạng mạnh mẽ, đột phá, tính nhân văn sâu sắc trong Đề cương đã thổi một luồng gió mới có tác dụng thức tỉnh, thu hút, tập hợp đội ngũ các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ và đông đảo quần chúng nhân dân. Từ chỗ khủng hoảng, mất phương hướng, hoài nghi, bế tắc, nhiều văn nghệ sĩ đã được định hướng về trách nhiệm xã hội, đi theo ngọn cờ chính nghĩa của Đảng, tham gia cách mạng, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của chúng ta”.
Đúng vậy, trong 80 năm qua, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, với ba nguyên tắc “dân tộc”, “khoa học”, “đại chúng”, Đề cương về Văn hóa Việt Nam tiếp tục được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tư tưởng lý luận của Đề cương được thể hiện xuyên suốt trong các Văn kiện của Đảng; đặc biệt là trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Trên cơ sở đó, Nhà nước đã cụ thể hóa, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa, phục vụ thiết thực công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
“80 năm qua, đặc biệt là gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã có quyền tự hào về phát triển văn hóa dân tộc và những đóng góp to lớn của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ vào công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em; ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng của Nhân dân; được bảo tồn, phát huy; từng bước trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Truyền thống văn hóa như suối nguồn nuôi dưỡng tạo nên nét đẹp, cốt cách của con người Việt Nam, là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; sự hội tụ của lòng yêu nước, nhân ái, sẻ chia; tính cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe, chịu thương, chịu khó và khả năng sáng tạo, ứng phó, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong bất cứ hoàn cảnh nào”. – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ thêm một lần nữa khẳng định: “Văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà đã trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng, như Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu đã viết: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm - Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Văn hóa góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, cái ác, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực; truyền cảm hứng, cổ vũ, lan tỏa các giá trị cao đẹp của dân tộc, của con người Việt Nam. Văn hóa Việt Nam đang dần vươn ra thế giới với nhiều giá trị, sản phẩm độc đáo được bạn bè quốc tế trân trọng và đón nhận”.
“Những thành tựu to lớn đó là nhờ có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý sát sao của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, ủng hộ, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và quảng đại quần chúng nhân dân, mà trực tiếp, nòng cốt là đội ngũ các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên cơ sở kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo, hiệu quả Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng khác nhau”. – Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Giai đoạn phát triển mới với tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, mang lại những cơ hội, vận hội mới nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, văn nghệ. Những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa đang diễn biến hết sức phức tạp. Cạnh tranh trong lĩnh vực văn hóa trở nên khốc liệt hơn; việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức mới có nhiều khó khăn hơn.
Trong dòng chảy của xã hội, chúng ta đã chứng kiến biết bao tấm gương cao đẹp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội với khát vọng đóng góp xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng chúng ta cũng trăn trở, băn khoăn khi những “luồng khí độc” văn hóa tác động tiêu cực đến xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ. Giải pháp nào để “gạn đục, khơi trong” trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, công nghệ, các nền tảng mạng xã hội phát triển như hiện nay là thách thức và trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Để vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cần chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó lưu ý 6 nội dung.
Một là, tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những định hướng lớn, quan điểm xuyên suốt, đồng thời phát triển, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn nữa những nội dung trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”; “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”; “Văn hoá còn thì dân tộc còn, văn hoá mất thì dân tộc mất”.
Hai là, nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động để văn hóa thực sự thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường huy động, phát huy tối đa hiệu quả của các nguồn lực Nhà nước và xã hội để phát triển toàn diện văn hóa, để văn hóa, con người thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc ta.
Ba là, tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hoá; đầu tư thích đáng cả về nguồn lực con người, vật chất cho phát triển văn hóa theo chiều sâu, nhanh, bền vững. Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Bốn là, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh phục vụ Nhân dân, môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cải thiện nhiều hơn nữa điều kiện hưởng thụ văn hoá của Nhân dân. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hoá, văn nghệ, văn học nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo, khác biệt của văn hóa dân tộc. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc và phù hợp với văn hoá, điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tạo sự đột phá trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, phát huy tối đa sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam.
Năm là, gắn kết chặt chẽ văn hóa với các hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao giá trị gia tăng, khai thác tối đa các giá trị của chiều sâu văn hóa Việt Nam. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hoá, đưa văn hoá Việt Nam đến với thế giới. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại; chủ động nâng cao sức đề kháng của Nhân dân đối với các văn hoá xấu độc.
Sáu là, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá nền văn hóa, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc thù, đặc trưng của Việt Nam có sức cạnh tranh quốc tế như Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An, Cao nguyên đá Đồng Văn, Phong Nha, Kẻ Bàng, Nhã nhạc Cung đình Huế, Dân ca quan họ Bắc Ninh, hát Xoan Phú Thọ, hát Then, Xòe Thái, Tín ngưỡng thờ Mẫu, Đờn ca tài tử Nam Bộ…
Có thể khẳng định, nền văn hóa của dân tộc Việt Nam - với lịch sử hàng nghìn năm - đã luôn và sẽ là sức mạnh trường tồn của dân tộc; như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người Anh hùng Dân tộc vĩ đại, Danh nhân Văn hóa thế giới đã từng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Để khẳng định lại điều này, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi: “Mỗi người chúng ta dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn tự hào về truyền thống và các giá trị văn hóa Việt Nam, về các danh nhân văn hóa như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương… Chúng ta có nghĩa vụ, trách nhiệm, vinh dự được gìn giữ, bảo tồn và phát triển nền văn hóa dân tộc bền vững, phù hợp với xu thế của thời đại. Đó là nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vì Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, tất cả vì con người và vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng; Nhân dân ngày càng được ấm no và hạnh phúc”.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp