Cũng trong thời đại màn hình phẳng, có thể thấy rằng chưa bao giờ những thế lực thù địch tận dụng mọi khoảng trống của mạng xã hội, lợi dụng truyền thông và tự do trao đổi thông tin của người dân để tìm mọi cách tác động đến tư tưởng, suy nghĩ của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cũng theo cách thức này, chúng tìm cách suy diễn, cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không còn phù hợp với thời đại hiện nay nữa. Chúng sử dụng các luận điệu tuyên truyền chống phá dưới nhiều hình thức: từ bôi nhọ lãnh đạo, nói xấu Đảng, chèo lái hướng dư luận vào những thông tin thất thiệt nhằm kích động, làm cho mọi người phai nhạt lý tưởng cách mạng, sút giảm niềm tin vào chính quyền, vào chế độ. Ngay cả những đảng viên, cán bộ lâu năm, nếu chỉ đọc các thông tin trên mạng xã hội và các trang web không chính thống, bản thân tư tưởng chính trị không vững vàng cũng có thể bị lay động, thay đổi nhận thức, tâm trí hoang mang, dao động khi tiếp nhận các luồng thông tin trái chiều.
Ngay trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ là những người tri thức, dễ tiếp cận các nội dung trong và ngoài nước. Họ là người học rộng biết nhiều, thức thời, song vẫn có nhiều nhà văn, nhà báo bị lôi kéo, xoay ngòi bút sang ủng hộ các thế lực thù địch. Với tầm hiểu biết của mình, nhưng lại có quan điểm lệch lạc như thế, sẽ dễ dàng đem trí thức mình có được để viết lên những tác phẩm lôi kéo mọi người. Khơi gợi lòng hận thù, kêu gọi tương tác một lượng lớn bình luận, lượt thích trên mạng xã hội và dẫn đến những hậu hoạ khó lường.
Trên thực tế, đã có không ít trường hợp như vậy. Có thể khẳng định đó là do các văn nghệ sĩ đã xa rời nền tảng tư tưởng của Đảng, sử dụng vũ khí tinh thần mình có để phá hoại đất nước nhằm trục lợi cho bản thân.
Nói về việc “xây” và “chống”, nên hiểu nền tảng tư tưởng như là gốc rễ của mọi vấn đề. Chỉ khi nền móng vững vàng thì mọi việc mới được hanh thông. Bản thân mỗi văn nghệ sĩ, để không bị thoái hoá, biến chất, mỗi người phải có một cái gốc, phông nền chắc chắn về văn hoá, đủ để hiểu sâu sắc về tình dân tộc, về nghĩa đồng bào, hiểu rõ về lịch sử xây dựng cũng như đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, về cơ cấu tổ chức bộ máy của chính quyền, nhằm phục vụ ai, phát triển, dựng xây như thế nào, đang được định hướng ra sao? Từ đó, mọi tác phẩm mới hướng đến xây dựng, vì con người, vì cuộc sống, vì lý tưởng của thời đại.
Mỗi văn nghệ sĩ chân chính cần cất lên tiếng nói của bản thân, cất lời trong văn đàn và có trách nhiệm với mỗi trang viết, mỗi tác phẩm của mình. Tuyệt đối không dung dưỡng tính chủ nghĩa cá nhân trong văn học nghệ thuật. Không vì cái tôi bản thể mà sáng tạo những tác phẩm sai đường lối, chủ trương của Đảng, của Nhà nước.
“Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” - (Sóng Hồng). Câu thơ vẫn còn nguyên giá trị, càng đúng với thực tiễn hôm nay. Cả quân ta cũng như thế lực thù địch đều thấu hiểu rõ ràng điều này. Sức lan toả của các tác phẩm văn học đã thể hiện rõ trong thời chiến và đến nay là thời bình. Bản thân mỗi văn nghệ sĩ luôn cần hiểu rằng, bảo vệ thành quả cách mạng cũng là bảo vệ nền văn hoá và những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, dân tộc ta.
Trong giai đoạn hiện nay, văn học nghệ thuật cũng như tiếng nói văn nghệ sĩ ngày càng được quan tâm. Văn nghệ sĩ chú trọng sáng tác các tác phẩm đảm bảo tính nghệ thuật và tư tưởng. Đừng nghĩ đó chỉ là một truyện ngắn hay bài thơ mang tính giải trí. Thật sự giá trị mỗi tác phẩm lớn lao và vượt qua nội dung giáo dục, giải trí đơn thuần. Hiệu quả tuyên truyền của văn chương thấm dần vào tâm hồn, tư duy người đọc. Trong giai đoạn văn hoá đọc tưởng như đã bị công nghệ thông tin, mạng xã hội chiếm lĩnh trọn, người ta muốn đọc những điều ngắn ngủn, chỉ cần đảm bảo nội dung thông tin nhanh chóng là đủ. Thì ngay lúc này, chính tiếng nói của văn nghệ sĩ lại càng cần được cất lên, để phản biện lại các luận điệu của kẻ thù, để nói về thông tin đối ngoại, những tấm gương đang ngày ngày học tập và làm theo Bác, về những khó khăn trên con đường phát triển, cả những tín hiệu vui mới xuất hiện…
Văn học nghệ thuật không thể đứng ngoài chính trị, bởi văn học chính thống là phải nói lên tiếng nói của thời đại, phải nhìn thấu tâm tư, tình cảm của con người, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Rõ ràng dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”.
Cá tính sáng tạo không phải là “vượt biên”, viết ra những điều chống phá Đảng, chống phá chính quyền. Một nhà văn chân chính không chỉ cần có “tài”, còn cần có “tâm”, luôn tìm tòi sáng tạo đổi mới nhưng vẫn giữ được cái gốc là đạo đức, tư tưởng. Chỉ khi bản thân thấm nhuần được quan điểm “vì con người”, hướng ngòi bút vào con người, vào cuộc sống thì tác phẩm văn học nghệ thuật mới hướng đến chân – thiện – mỹ, vì khát vọng cao đẹp của con người, của dân tộc.
Vai trò của văn học nghệ thuật trong việc bồi đắp thế giới tinh thần của con người là vô cùng to lớn, nó hướng con người vươn tới những giá trị nhân văn cao cả, cũng hình thành cho con người một nền tảng tư tưởng vững chắc trước mọi luồng thông tin trái chiều hiện nay. Đảng đã chỉ rõ việc sáng tạo và lãnh đạo cho giới nghệ sỹ “phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng giáo dục, xây dựng con người”. Nhưng điểm cần lưu ý ở những người cầm bút là phải “cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, thiên nhiên, phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn”.
Chiến tranh đã đi qua, nhưng những tranh sử vàng chói lọi, những chiến công hiển hách, những mất mát đau thương sau cuộc chiến thì vẫn còn. Cần thiết phải có một lớp văn nghệ sĩ kế tục một cách xứng đáng nền văn học do các thế hệ đi trước để lại, làm cho văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển theo kịp với những đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc đổi mới, theo kịp đòi hỏi của công chúng có trình độ văn hóa và năng lực thẩm mỹ ngày càng cao. Điều này yêu cầu nhà văn phải có tài, đào sâu tìm tòi, thể nghiệm tác phẩm bằng bề dày, chiều sâu cuộc sống. Song cũng không được phép lệch lạc, chủ quan trong cái nhìn, bẻ cong ngòi bút, đặc biệt là trong thời kỳ văn hóa nghệ thuật được quan tâm, nhiều tác phẩm thị trường mang tính thẩm mỹ không cao vẫn trôi nổi đến tay độc giả. Cái đức, cái tâm, tầm nhìn, sự sắc sảo, lòng yêu thương con người cần thiết với mỗi nhà văn là ở điểm đó.
Là lớp người giàu nhạy cảm và tinh tế, mỗi văn nghệ sĩ phải có thế giới quan và nhân sinh quan khoa học và cách mạng để kịp thời, linh hoạt nắm bắt sự vận động và phát triển của thực tiễn, của lịch sử cách mạng. Người nghệ sĩ sống, hoạt động, sáng tạo một cách lành mạnh, đúng đắn, vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của chủ nghĩa xã hội. Người nghệ sĩ phải vững vàng bản lĩnh chính trị, không để bị các thế lực thù địch sử dụng các luồng văn hóa làm công cụ thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” hòng tác động đến chủ thể sáng tạo và chủ thể thưởng thức, tới nghệ sĩ và công chúng...
Trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm người nghệ sĩ - chiến sĩ là những yêu cầu của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân đặt trên vai văn nghệ sĩ hôm nay. Hành động công dân của văn nghệ sĩ là sáng tạo tác phẩm dù phản ánh bất kỳ đề tài nào cũng cần một cái nhìn trách nhiệm, một trái tim biết yêu thương, nhân đạo và nhân bản.
Đất nước đang chuyển mình từng ngày trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện thực mới đang đặt ra yêu cầu văn học nghệ thuật phải nhận thức, khám phá và phản ánh một cách chân thực, sinh động và sâu sắc sự nghiệp của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Văn nghệ sĩ chỉ có bám sát hiện thực sôi động của cuộc sống, nắm bắt được các sắc thái muôn màu của nó... thì mới có thể tìm thấy những nhân tố tích cực trong cuộc sống để phản ánh, nhận thức, khám phá, sáng tạo. Từ đó, chỉ rõ và lên án những vấn đề tiêu cực trong đời sống, không phải với mục đích “bôi đen” mà giúp chúng ta cảnh giác, đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái thấp hèn, để tôn vinh cái đẹp, cái nhân bản. Đó là vị trí và giá trị to lớn của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần của nhân dân. Đó là cứu cánh của nghệ thuật.
Sự sáng suốt của lý trí, được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sự trong sáng và lành mạnh của tâm hồn, sự rèn luyện trau dồi tài năng nghệ thuật sẽ giúp văn nghệ sĩ phản ánh chân thực, sâu sắc, sinh động cuộc sống muôn màu sắc đang vận động và phát triển, không rơi vào xu hướng bôi đen, hoặc tô hồng, phản ánh sai lạc về cuộc sống, “uốn cong ngòi bút” vì lợi ích cá nhân, xa rời lý tưởng sống và lý tưởng nghệ thuật./.
Hải Yến