Sau khi quân đội Hoa Kỳ làm lễ cuốn cờ, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam ngày 29/03/1973, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam cần 2 năm nữa để giành thắng lợi hoàn toàn. Do trong giai đoạn này, quân đội Mỹ đã rút khỏi Việt Nam, nên nhiều ý kiến cho rằng đây là cuộc nội chiến giữa chế độ chính trị hai miền Nam - Bắc và phần thắng cuối cùng thuộc về miền Bắc. Sự đúng sai của ý kiến này sẽ được giải đáp dưới đây
Cuộc chiến tranh ở Việt Nam mà chiến thắng thuộc về nhân dân Việt Nam được ghi dấu ấn đậm nét vào lịch sử dân tộc đến nay đã 46 năm.
Gọi tên cuộc chiến tranh này là gì?
Đảng Cộng sản Việt Nam và rất nhiều người Việt Nam gọi đó là “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Hồ Chí Minh cũng gọi như vậy trong Thư cuối cùng của mình để lại cho “toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng…, các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”. Một số người lại cho rằng, đó là “Cuộc nội chiến”, với cái nghĩa là chiến tranh huynh đệ tương tàn, là nồi da nấu thịt, là người Việt Nam đánh người Việt Nam.
Có phải đó là cuộc nội chiến không?
Thoạt nhìn bề ngoài thì thấy rằng, có vẻ như đó là cuộc nội chiến. Thì đó. Có hai chế độ chính trị khác nhau ở hai miền Nam, Bắc. Và trong Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương thì sau hai năm, tức là đến tháng 7 năm 1956, hai miền phải tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Việc này không thành. Hai phía đổ lỗi cho nhau. Đại diện của Chính phủ Mỹ và chính quyền Sài Gòn tham gia Hội nghị Giơnevơ năm 1954 không tán thành bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị, trong đó có đề cập tổng tuyển cử hai miền Nam Bắc Việt Nam.
Phía cách mạng Việt Nam đã kêu gọi các đồng chủ tịch Hội nghị Giơnevơ, lưu ý phía Pháp về trách nhiệm đối với việc thống nhất hai miền đất nước Việt Nam thông qua tổng tuyển cử tự do theo đúng tinh thần của bản Tuyên bố cuối cùng tại Hội nghị Giơnevơ. Tháng 6/1955, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố sẵn sàng mở hội nghị hiệp thương với chính quyền Sài Gòn nhưng không được đáp ứng. Tháng 7/1956, sau khi yêu cầu đàm phán không được chính quyền Ngô Đình Diệm trả lời, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã yêu cầu các đồng chủ tịch Hội nghị Giơnevơ tổ chức một cuộc hội nghị mới. Yêu cầu này được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục nêu lại vào tháng 8/1956. Các yêu cầu đàm phán với Chính phủ Ngô Đình Diệm tiếp tục được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên trì nêu tại các thời điểm:Tháng 6 và 7/1957, tháng 3 và tháng 12/1958, tháng 7/1959, và tháng 7/1960, nhưng đều bị chính quyền Sài Gòn từ chối. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn muốn thiết lập quan hệ thương mại giữa hai miền, nhưng chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng khước từ.
Chiến tranh đã xảy ra. Nhưng, ở đây một số người gọi đó là cuộc nội chiến với ý là: đó là cuộc chiến của một bên là của chính quyền Sài Gòn với sự giúp sức của Mỹ, với một bên là của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được sự giúp sức của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Ngày 30/4/1975 cho đến nay, thì một bên hằng năm kỷ niệm một cách long trọng là “Ngày chiến thắng”, một số năm kỷ niệm chẵn còn mít tinh, duyệt binh, diễu binh, diễu hành, bắn pháo hoa…, thường lấy ngày đó gộp liền vào ngày 1/5 làm thành chuỗi ngày nghỉ lễ. Một số người khác thì lấy đó là ngày “Ngày quốc hận”, tâm lý này chủ yếu ở một số cộng đồng người gốc Việt Nam xa xứ.
Không ở đâu trên thế giới này như ở đất nước Việt Nam, tâm trạng giằng xé đó lại hiện diện trong nhiều gia đình, nghĩa là trong cùng một nhà, vừa có người tham gia phía cách mạng và vừa có người tham gia phía chính quyền Sài Gòn. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, vào năm 1974 ở vùng “da báo” Quảng Trị, có những cuộc chơi bóng chuyền mà người của cả hai bên đều chơi chung một trận: bên Quân Giải phóng và bên Quân đội Sài Gòn. Chơi để mà chơi, giành thắng lợi theo đúng tinh thần thể thao Ôlimpíc, không cay cú. Nhìn cảnh đó thấy thật đẹp nhưng có cái cảm giác quá đau. Người cùng một làng đấy ! Có khi lại còn có quan hệ họ hàng nữa. Lúc đánh bóng chuyền thì thành một khối của cuộc chơi, nhưng bên trong sâu thẳm thì là một trời một vực, là hai chiến tuyến, một mất một còn.
Nhưng thực chất đó không phải là cuộc nội chiến.
Đúng là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ được sự giúp sức của Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, nhưng thực sự đó là cuộc chiến đấu của chính bản thân nhân dân Việt Nam, không có sự tham gia trực tiếp của người nước ngoài nào. Đường lối chính trị, quân sự, kế hoạch tác chiến…đều là của Đảng Lao động Việt Nam. Còn chính quyền Sài Gòn thì lại khác, thực chất cuộc chiến là của Hoa Kỳ, quân đội Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến với sự tham gia của quân đội Sài Gòn (và cả quân của một số nước đồng minh khác của Hoa Kỳ nữa). Chính quyền Sài Gòn là chính quyền bị phụ thuộc vì Hoa Kỳ mới là người điều khiển cuộc chiến tranh xâm lược. Cho nên, về nghĩa nào đó, không sai khi gọi đó là “chính quyền tay sai” (ngụy quyền, ngụy quân). Chẳng thế mà năm 1963, khi Tổng thống chính quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm không đáp ứng được những yêu cầu của Hoa Kỳ nữa thì Hoa Kỳ đã bật đèn xanh cho cuộc đảo chính sát hại anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu để dựng nên một chính phủ khác "dễ bảo" hơn. Về mặt pháp lý, khi ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973, là bốn bên ký: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bốn bên nhưng hình thù hai bên đều lộ rõ: bên cách mạng Việt Nam và bên Hoa Kỳ có sự giúp sức của phía Sài Gòn, chứ không phải hai bên theo nghĩa nội chiến: bên Việt Cộng và bên chính quyền Sài Gòn.
Chỉ có điều là cuộc chiến tranh này đã lùi xa gần 5 thập niên, song những nỗi đau vẫn còn đó, cả nỗi đau về vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc. Cái tinh thần “đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” được Hồ Chí Minh nêu trong bức thư cuối cùng, tuy hai miền đã được thống nhất, nhưng tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc hình như còn một số vấn đề vẫn ở phía trước. Những người hay tìm hiểu, nghiên cứu về con người Hồ Chí Minh thì đều biết chữ hòa của Hồ Chí Minh, đều biết tư tưởng hòa hiếu, bao dung, nhân ái của Hồ Chí Minh. Trong cái ý tưởng, lòng tin “đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” sau khi kết thúc cuộc chống Mỹ, cứu nước đó, chắc chắn có chỗ đứng xứng đáng cho sự hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Cuối cùng, lý do để cho rằng, giai đoạn từ sau ngày 27/01/1973 (ngày ký Hiệp định Paris) đến ngày 30/04/1975 (ngày Giải phóng miền Nam Việt Nam) không phải nội chiến là ở chỗ: Chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn là thực thể còn lại của chính Hoa Kỳ, nghĩa là nó vẫn là thuộc chế độ của Hoa Kỳ dựng nên. Quân cách mạng Việt Nam chống lại sự tồn tại của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa, do vậy, vẫn là chống Mỹ. Có điều, ở đây không phải chống quân xâm lược người Mỹ cụ thể, mà là chống quân tay sai của Mỹ, chống chế độ chính trị của Mỹ đang hiện diện tại miền Nam Việt Nam.
Lê Miên