Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận sức khỏe của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa còn yếu.
Vấn đề này gây nóng Nghị trường Quốc hội tại Phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lo lắng về “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ hiện nay.
Doanh nghiệp nội khó cạnh tranh
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Bắc Kạn lo ngại trước tình trạng DN công nghiệp hỗ trợ chưa kịp lớn, chưa đủ sức cạnh tranh trước làn sóng đầu tư của các tập đoàn toàn cầu, trong khi chính sách hỗ trợ có nhưng DN không thể tiếp cận.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), Chủ tịch Công ty CP HALCOM Việt Nam nêu vấn đề hiện Việt Nam chưa có chính sách phát triển công nghiệp toàn diện, trong khi các nước đã "phát triển rất xa". Thời gian tới, có chính sách gì để phát triển ngành công nghiệp đúng nghĩa.
Cùng vấn đề này, Đại biểu Dương Tấn Quân, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng cho rằng, qua nhiều năm triển khai chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế. “Để xảy ra hạn chế này là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước hay doanh nghiệp? Ông chất vấn Bộ trưởng Công Thương.
Ông Trần Văn Tiến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị Bộ trưởng Diên cho biết kết quả thực hiện mục tiêu chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ. "Giải pháp của Bộ từ nay đến năm 2025 để đạt được mục tiêu đáp ứng 65% nhu cầu sản xuất nội địa?", ông hỏi.
Thực tế lo ngại về “sức khỏe” của các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước không phải là vấn đề mới, nhưng đến nay dường như chưa có nhiều cải thiện. Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chia sẻ, tăng trưởng xanh, thu hút FDI… được đánh giá là tiềm năng, động lực tăng trưởng mới của Việt Nam, nhưng cá nhân ông nhìn nhận đây sẽ là thách thức. Nguyên nhân là bởi làn sóng đầu tư của Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Họ đầu tư với quy mô lớn và làm rất nhanh.
Ông Tuất kể trong một lần gặp gỡ chuyên gia người Nhật chuyên về làm khuôn mẫu để phục vụ sản xuất công nghiệp. Vị này đánh giá nếu năm 2000, Trung Quốc chưa làm nổi khuôn mẫu, nay họ có thể làm được hầu hết linh kiện phụ tùng cho một chiếc xe ô tô.
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã nhiều lần chỉ ra làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào Việt Nam với quy mô cực lớn và làm cực nhanh. Kéo theo đó là hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết để xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ, tránh hàng rào kỹ thuật và hàng rào thuế quan. Đây là nỗi lo trong cạnh tranh của công nghiệp hỗ trợ.
Gỡ 'nút thắt' về chính sách hỗ trợ
Theo đó, ông Tuất kiến nghị cần có chiến lược, coi công nghiệp hỗ trợ có vai trò cực kỳ quan trọng, là linh hồn, hạt nhân của quá trình công nghiệp hóa đất nước, để từ đó có tầm chiến lược, có suy nghĩ thấu đáo và sâu sắc, toàn diện về phát triển. Thêm nữa, cần có đạo luật riêng cho công nghiệp hỗ trợ, với các chính sách ưu đãi mang tính đặc thù riêng, làm cơ sở để thúc đẩy công nghiệp hóa.
Trước những lo ngại trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam bao giờ họ cũng muốn tìm đối tác công nghiệp hỗ trợ cùng "hệ" với họ, về tiêu chuẩn sản phẩm, môi trường, giá cạnh tranh... trong khi DN Việt sức khoẻ yếu.
Theo ông Diên, khi triển khai thực hiện Quyết định 68 về công nghiệp hỗ trợ, Bộ tập trung vào các lĩnh vực như linh kiện phụ tùng máy móc thiết bị, công nghiệp hỗ trợ dệt may, da giày và công nghệ cao.
Sau 6 năm thực hiện với mục tiêu đạt 45% trở lên cho nhu cầu sản xuất nội địa, linh kiện xe máy đáp ứng được 85-90%, linh kiện sản xuất ôtô là 15-40% (tùy chủng loại xe); 40-60% máy nông nghiệp; dệt may, da giày là 40-45%. Tuy vậy, một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp, như công nghệ cao mới đáp ứng được 10%.
Nguyên nhân theo ông Diên, do nguồn lực hỗ trợ Nhà nước hạn chế, khó tiếp cận. Chính sách thu hút FDI chưa liên kết, ràng buộc với DN trong nước. Cùng đó, công nghiệp cơ khí khó thu hút vì cần vốn lớn, thị trường hẹp, khả năng cạnh tranh với các đối tác phát triển khó khăn. Sự phối hợp giữa các địa phương chưa tốt, nên chính sách "có nhưng khó tiếp cận".
Muốn giành lại thị phần cho DN trong nước, Bộ trưởng Công Thương cho rằng phải 'rà' lại chính sách để họ hấp thụ được. Các địa phương phải giành điều kiện thuận lợi nhất giúp DN có mặt bằng, hạ tầng, hỗ trợ về vốn, đào tạo nhân lực... Đồng thời, phải sửa Luật Đầu tư, các luật liên quan để có cơ chế ràng buộc doanh nghiệp FDI liên kết, chia sẻ với các đơn vị trong nước, thay vì khuyến khích như hiện nay.
Đơn cử, cần hoàn thiện đồng bộ chính sách, trong đó xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm, phối hợp chặt chẽ trung ương, địa phương và DN. "Chúng ta cần bố trí đủ nguồn lực cho công nghiệp hỗ trợ tới 2025, đào tạo cung cấp nguồn nhân lực hỗ trợ DN, để ngành công nghiệp hỗ trợ đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại", ông nói.
Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh: “Đầu tư công nghiệp hỗ trợ nói chung và cơ khí nói riêng cần rất nhiều tiền, cần nhiều trình độ, kinh nghiệm mới dám bước vào chuỗi của các nước phát triển đi trước chúng ta rất xa”.
Hiến cách giúp Việt Nam tận dụng thời cơ từ sóng FDI công nghệ cao, ông Nguyễn Vũ Michael, Giám đốc Boeing Việt Nam, bật mí DN FDI họ không nhất thiết phải làm việc với DN lớn của Việt Nam và đa phần các tập đoàn lớn của Mỹ cũng bắt đầu từ DN nhỏ. Vì vậy, Việt Nam có thể hỗ trợ các DN nhỏ và vừa của mình để nắm bắt cơ hội, trở thành đối tác với các tập đoàn đa quốc gia.
"Chúng tôi mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam và không quan trọng đối tác là FDI hay DN nội địa, quan trọng là làm sao đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam mạnh hơn", CEO Boeing nói.
Theo ông, hiện nay hàng không dân dụng Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, vì vậy cần nắm bắt cơ hội để tham gia chuỗi cung ứng. Boeing đang hỗ trợ Việt Nam cơ hội cạnh tranh hơn trong chuỗi cung ứng thông qua nâng cao chất lượng, trình độ tay nghề nhân lực
Theo VNBusiness