Nội dung này dự kiến được thể hiện trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV và chắc chắn sẽ được Quốc hội ấn nút thông qua tại phiên bế mạc ngày 28/7. Đây là quyết sách chưa có tiền lệ, thể hiện trong tình hình mới thì “Quốc hội càng phải có tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và sức sáng tạo mới” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ.
Cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, để kịp thời xử lý những vấn đề vướng mắc về mặt pháp lý, Quốc hội dự kiến giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyền chủ động quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng, chống dịch, bệnh Covid - 19, bao gồm cả các biện pháp theo quy định được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh; các giải pháp, biện pháp chưa được pháp luật quy định hoặc khác với quy định của một số luật.
Việc giao thẩm quyền này sẽ có 3 “khoá” kiểm soát: Cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện có thời hạn (khi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Nhất cho đến hết năm 2022); phạm vi hẹp khi chỉ phục vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 (như một số biện pháp hành chính kiểm soát dịch bệnh, các vấn đề liên quan đến mua và sản xuất vaccine, an sinh xã hội, tài chính ngân sách mua bán trang thiết bị vật tư y tế); đồng thời có cơ chế giám sát trực tiếp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và nhân dân.
Tại sao Quốc hội điều chỉnh chương trình làm việc, dành thời gian xem xét và quyết định bổ sung vào Chương trình làm việc tại kỳ họp việc thông qua Nghị quyết chung về việc giao một số quyền vào thời điểm này? Lý do chính là đòi hỏi từ thực tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thời gian qua, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hiến định và luật định, được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, đã thực hiện một số các giải pháp cấp bách cần thiết để phòng, chống dịch.
Việt Nam đã đạt kết quả tốt, được thế giới và trong nước đánh giá cao. Thành công này có 3 yếu tố: Thứ nhất là dịch còn ít, quy mô nhỏ và virus giai đoạn đầu lây lan chậm. Thứ hai, hết sức quan trọng là chúng ta có một hệ thống chính trị vững mạnh, tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thứ ba là nhân dân đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ, tuân thủ các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công cuộc phòng chống đại dịch.
Đến nay, theo ông Lê Thành Long, hai yếu tố sau vẫn còn và tiếp tục củng cố, tuy nhiên, yếu tố thứ nhất đã có sự thay đổi khi tình hình phức tạp, dịch bệnh lan nhanh, số người mắc Covid-19 tăng và số bệnh nhân tử vong cũng tăng.
“Như vậy cùng với hai yếu tố quan trọng còn nguyên giá trị, chúng ta phải có những thay đổi nhất định để đáp ứng, đặc biệt là yếu tố thứ nhất. Chính vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội các nội dung như Bộ trưởng Bộ Y tế đã trình bày và đây là giải pháp chưa có tiền lệ” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp phân tích, đồng thời khẳng định các quy định hiện hành cơ bản đã có nhưng cần một cơ sở pháp lý ở mức cao hơn từ Quốc hội cho phép áp dụng các biện pháp như trong trường hợp đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, một số biện pháp mới chưa có quy định cụ thể chủ yếu liên quan trong lĩnh vực ứng dụng các thành tựu mới của công nghệ thông tin. Còn những biện pháp khác luật, dự thảo nghị quyết sẽ yêu cầu Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét quyết định và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp gần nhất. Khi được thông qua, Quốc hội cũng cho phép Chính phủ được linh hoạt áp dụng các hình thức văn bản để đáp ứng kịp thời với tình hình phòng, chống dịch bệnh.
Đại biểu Quốc hội cho rằng đây chính là sáng kiến lập pháp, được chuẩn bị trong thời gian rất ngắn, các cơ quan liên quan phải làm việc cả ngày và đêm cũng như được xem xét theo một quy trình thủ tục đặc biệt song vẫn đảm bảo chất lượng để tạm thời trao quyền cho “tướng ngoài biên ải” thực hiện các biện pháp linh hoạt, kịp thời hơn cũng như yên tâm, ít rủi ro hơn.
Quyết định đó cũng thể hiện quan điểm, phương châm Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình thực hiện các giải pháp nhanh nhạy, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để tập trung khống chế và đẩy lùi dịch bệnh Covid -19.
Quyết định “chưa có tiền lệ” đó của Quốc hội trong bối cảnh hiện nay, theo đại biểu Lê Thanh Vân, chính là “thay đổi phương thức quản lý để quản lý tốt hơn sự thay đổi”. Chính phủ phải đặt trong thế động, trong đó chứa đựng điều kiện, quyền năng trong khuôn khổ Hiến pháp để huy động sức mạnh, bởi chỉ có quyết định khác biệt mới tạo kỳ tích./.
Ngọc Thành/VOV.VN