Cuộc đời Đại tướng Văn Tiến Dũng gắn liền với những giai đoạn cách mạng hào hùng, gian khổ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc và cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí là vị tướng tài ba, văn võ song toàn, đặc biệt là người có những đóng góp to lớn đối với công tác đảng, công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp
Chủ trương coi trọng công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội
Ngày 11/11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, nhưng như thế không có nghĩa công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác xây dựng Đảng, công tác chủ trương trong quân đội nói riêng bị buông lỏng.
Ngày 19/10/1946, Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng được tổ chức, bàn đến nhiều nội dung quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng trong quân đội.
Hội nghị tập trung đánh giá công tác chính trị, trong đó khẳng định, công tác chính trị ở các khu đạt được nhiều thành tích chính trị rất khả quan, tinh thần bộ đội cao, được dân chúng tín nhiệm; đồng chí chính trị viên có nhiều nỗ lực cao trong công tác chính trị.
Để đẩy mạnh công tác chính trị quân đội trong tình hình mới, Hội nghị thống nhất đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gồm: Chỉnh đốn các cán bộ chính trị viên bằng cách đưa người có nǎng lực vào; Quy định rõ chế độ chính trị viên và các cơ quan chính trị trong bộ đội; hằng tháng triển khai hội nghị cán bộ chính trị; Chấn chỉnh tờ báo Sao vàng; Tổ chức việc phát sách báo Cứu quốc, Sự thật cho các bộ đội; Tổ chức thư viện trong bộ đội; Mở trường huấn luyện chính trị viên; cuối cùng là định kinh phí đầy đủ về mặt tuyên truyền và giáo dục trong bộ đội[1].
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác chính trị trong quân đội, với trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn phong phú về công tác đảng, công tác chính trị, trên cương vị Cục trưởng Cục Chính trị[2], đồng chí Văn Tiến Dũng đã trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức quán triệt tư tưởng và chủ trương lớn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Vệ Quốc đoàn và dân quân tự vệ, để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, cùng toàn dân bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Thiếu tướng Văn Tiến Dũng tại Hội nghị Trung Giã, tháng 7/1954 (Ảnh tư liệu)
Là người được nhiều lần tiếp xúc, làm việc và lĩnh hội những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đặc biệt ghi nhớ lời căn dặn của Người về công tác chính trị, đó là “công tác đối với con người, là linh hồn của quân đội cách mạng. Công tác chính trị phải chủ động, chớ lẽo đẽo theo đuôi phong trào. Tình hình càng trở nên khó khăn càng phải chủ động[3].
Với cương vị là người lãnh đạo phụ trách xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị, đồng chí Văn Tiến Dũng cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp và nhiều đồng chí khác góp phần không nhỏ vào việc xây dựng cơ cở chính trị vững mạnh của lực lượng vũ trang, tạo ra một bước tiến mới, một nền nếp công tác chính trị và công tác xây dựng Đảng trong quân đội.
Trước thực trạng của công tác chính trị trong quân đội lúc bấy giờ; xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, đồng chí đã chủ động tham mưu với Trung ương và Bộ Quốc phòng mở các trường đào tạo cán bộ quân đội và kịp thời chỉ đạo một số mặt công tác cấp bách trên lĩnh vực quan trọng này.
Để nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị của toàn quân trong kháng chiên, đồng chí chỉ đạo các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cổ động; đẩy mạnh công tác địch vận và công tác huấn luyện chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, xác định vấn đề đầu tiên là phải “coi trọng công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức tư tưởng, giác ngộ giai cấp cho mọi cán bộ, chiến sĩ, làm cho mọi người hiểu rõ tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến, vì ai mà chiến đấu, ai là bạn, ai là thù”; đồng thời, khắc phục tư tưởng quân sự thuần túy, coi nhẹ công tác chính trị...
Tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị khi bước vào kháng chiến toàn quốc
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ nhất (2/1947) đề ra 12 điều kỷ luật dân vận, 10 nhiệm vụ của công tác chính trị trong quân đội cũng như quyết nghị xây dựng chế độ công tác chính trị; kiện toàn tổ chức cơ quan công tác chính trị trong toàn quân, trong đó xác định đại đội là đơn vị căn bản của công tác chính trị trong quân đội; quyết định ra tờ báo Vệ Quốc quân.
Mặt khác, Cục Chính trị ban hành Chỉ thị về việc thông tin thời sự cho bộ đội; mở Hội nghị tuyên truyền và báo chí toàn quân (7/1947)... [4]. Đây là những vấn đề rất quan trọng, làm cơ sở để Trung ương Đảng ra Nghị quyết về tổ chức đảng trong quân đội theo hệ thống, bảo đảm chặt chẽ, thống nhất. Qua đó, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, giữ vững và phát huy tinh thần chiến đấu, đáp ứng đòi hỏi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ của dân tộc.
Đến giữa năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, ở một số đơn vị, có cán bộ nhận thức chưa đúng về cuộc kháng chiến, thậm chí có tư tưởng tuyệt đối hóa vai trò của công tác quân sự, coi đó là giải pháp của mọi vấn đề và xem công tác chính trị chỉ là phụ. Điều đó dẫn tới thói kiêu căng, bản vị, thắng thì kiêu, bại thì nản, coi thường hệ thống công tác chính trị trong quân đội.
Trước tình hình đó, tại Hội nghị “Rèn luyện cán bộ chấn chỉnh quân đội” (tháng 5/1949), đồng chí Văn Tiến Dũng đã phân tích và thẳng thắn phê phán quan điểm quân sự thuần túy; chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này và đề xuất với Trung ương, Bộ Tổng Chỉ huy tiếp tục “nâng cao trình độ chính trị của quân đội, giáo dục phương pháp nhận xét theo lối biện chứng; dựa trên nền tảng nhân dân cách mạng mà giáo dục bộ đội; phải phân quyền giữa đội trưởng và chính trị viên dứt khoát”[5].
Đồng thời, đồng chí yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần kết hợp chặt chẽ giữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với công tác tuyên truyền và công tác địch vận trong chiến đấu để quân đội làm tròn nhiệm vụ mà nhân dân đã giao phó. Đây là những vấn đề có tính nền tảng, góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề về sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống cơ quan công tác chính trị và cán bộ chính trị trong quân đội.
Thượng tướng Văn Tiến Dũng (ngoài cùng bên phải) trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước (Ảnh tư liệu)
Hội nghị chính trị viên toàn quốc khẳng định tầm quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội
Từ ngày 6 đến 11/3/1948, Trung ương Quân ủy tổ chức Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ hai tại Chiến khu Việt Bắc dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Văn Tiến Dũng.
Hội nghị thống nhất đề nghị thiết lập chế độ chính trị ủy viên từ cấp trung đoàn trở lên và chế độ chính trị viên từ cấp tiểu đoàn trở xuống; thống nhất quy định về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cơ quan công tác chính trị các cấp, về công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị viên và giáo dục chính trị cho cán bộ quân sự.
Với năng lực tư duy chính trị toàn diện, sắc sảo, năng lực lãnh đạo toàn diện, đồng chí Văn Tiến Dũng nhận thấy sự thiếu hụt và hạn chế của đội ngũ cán bộ chính trị, phần đông cán bộ chưa nắm vững được những nguyên lý của công tác chính trị, mà lối làm việc lại hết sức thủ công nghiệp, vì thế, nỗ lực thì nhiều nhưng kết quả thì ít”.
Để khắc phục tình trạng này, đồng chí Văn Tiến Dũng kịp thời chỉ đạo Cục Chính trị nghiên cứu đề xuất Trung ương Quân ủy tiếp tục điều động thêm cán bộ của Đảng vào quân đội, đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ và mở các trường huấn luyện, đào tạo cán bộ chính trị cho quân đội.
Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ hai (3/1948), với sự chỉ đạo tích cực của đồng chí Văn Tiến Dũng, chỉ trong một thời gian ngắn, đội ngũ cán bộ chính trị toàn quân được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Hàng trăm chính trị viên trung đội và đại đội đã được học tập, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, trình độ kiến thức, năng lực tiến hành công tác chính trị; tiến hành cuộc vận động Luyện quân lập công thành công; Số lượng chính trị viên được bổ sung tăng cường từ gần 10 cán bộ, nhân viên khi mới thành lập Cục Chính trị, đến tháng 9/1948 đã lên tới 378 người, bảo đảm cho Cục hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao[6], đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến.
Vị tướng gắn bó và đóng góp lớn cho công tác chính trị của toàn quân
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, phát huy sức mạnh tập thể, nhằm tạo sự thống nhất về công tác chính trị, công tác đảng trong quân đội, đồng chí Văn Tiến Dũng chỉ đạo Cục Chính trị xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác chính trị cho các cấp; chủ động nghiên cứu, soạn thảo, ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn, kế hoạch hoạt động công tác chính trị và chủ trì nhiều hội nghị quan trọng về công tác chính trị để đề ra chủ trương, nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp, hiệu quả; đưa ra những định hướng, thống nhất hoạt động công tác chính trị trong toàn quân, từng bước đưa công tác chính trị đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và tác chiến lúc bấy giờ.
Bên cạnh đó, công tác tổng kết thực tiễn được đồng chí Văn Tiến Dũng chú trọng thông qua hoạt động báo cáo định kỳ từng tháng, nửa năm, hằng năm, báo cáo chuyên đề hoặc khi có những vấn đề đột xuất với Trung ương Quân ủy, Bộ Tổng Chỉ huy và Tổng Chính ủy.
Các báo cáo đề cập một cách toàn diện, đánh giá đúng, sát tình hình công tác chính trị trong quân đội, thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém và nguyên nhân, đúc rút các bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó xác định phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp tiến hành công tác chính trị trong thời gian tiếp theo.
Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, giúp Trung ương Quân ủy, Bộ Tổng Chỉ huy, Tổng Chính ủy nắm chắc tình hình quân đội để chỉ đạo công tác chính trị trong toàn quân, chuẩn bị tư tưởng - tâm lý, xây dựng ý chí quyết tâm, niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến; động viên cán bộ và chiến sĩ khắc phục khó khăn, gian khổ, chiến đấu dũng cảm, giành thắng lợi từng bước tiến tới thắng lợi quyết định; đồng thời, giúp cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, từng bước làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Văn Tiến Dũng đã thể hiện rõ phẩm chất một người cán bộ ưu tú của Đàng trong quân đội, người Cục trưởng Chính trị có tầm nhìn chiến lược, sâu sát thực tiễn, kịp thời chỉ đạo toàn quân khẩn trương kiện toàn hệ thống tổ chức đảng từ Trung ương Quân ủy xuống đến khu ủy, trung đoàn ủy, tiểu đoàn ủy và chi bộ, bảo đảm cho bộ máy vận hành cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội đi vào hoạt động có nền nếp ngay từ đầu. Hệ thống cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị có bước phát triển nhanh chóng, làm nòng cốt tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Đó chính là những yếu tố bảo đảm cho quân đội ta không ngừng được xây dựng, trưởng thành và chiến thắng vẻ vang.
Mỹ Hường
[1] Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Mục hệ thống tư liệu Văn kiện, Nghị quyết Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng, ngày 19/10/1946, đăng ngày 8/4/2024.
[2] Theo sắc lệnh số số 16/SL ngày 12/2/1947 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
[3] Nhớ mãi Đại tướng Văn Tiến Dũng (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr 245
[4] Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy Hà Nội: Đại tướng Văn Tiến Dũng với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 53
[5] Tổng cục Chính trị: Quá trình hình thành, Nxb. Quân đội nhân dân. Hà Nội, t.1, tr. 243 - 244.