Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 8/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp định kỳ 6 tháng về công việc của Cơ chế giải quyết các vụ việc tồn đọng của các tòa án quốc tế (gọi tắt là Cơ chế).
Thẩm phán Carmel Agius, Chủ tịch Cơ chế và và ông Serge Brammertz, Công tố viên Cơ chế báo cáo cuộc họp.
Tại đây, Việt Nam khẳng định cam kết thúc đẩy vai trò của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Thẩm phán Agius cho biết, trong 6 tháng qua, Cơ chế đã đạt được nhiều tiến triển tích cực trong công tác xét xử như vừa ban hành một bản án chung thẩm ngày 8/6/2021 và dự kiến ban hành hai bản án khác trong tháng 6/2021, bắt đầu tiến trình xét xử Felicien Kabuga, một trong các nghi phạm chủ chốt gây tội ác diệt chủng tại Rwanda năm 1994, bị bắt giữ tại Pháp và giao nộp cho Cơ chế năm 2020.
Thẩm phán Agius cũng thông tin về việc thực hiện các chức năng khác như bảo vệ nhân chứng, quản lý thi hành án, giải quyết chỗ ở cho 9 người trắng án và đã được phóng thích, đang ở tại Tanzania.
Công tố viên Cơ chế khẳng định cam kết truy bắt các nghi phạm phạm tội diệt chủng tại Rwanda còn đang lẩn trốn, hỗ trợ các cơ quan tư pháp quốc gia trong truy tố các tội ác nghiêm trọng.
Các ý kiến phát biểu bày tỏ ủng hộ vai trò của Cơ chế trong thực thi công lý, truy cứu trách nhiệm với những người được cho là phạm tội ác nghiêm trọng, kêu gọi các nước liên quan hợp tác và hỗ trợ Cơ chế.
Một số ý kiến đề nghị Cơ chế bảo đảm tiêu chuẩn tư pháp cao nhất, báo cáo về tình hình bảo đảm sức khỏe cho những người bị giam giữ và đề cập cụ thể đến một số bản án được ban hành.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, ghi nhận các nỗ lực của Cơ chế trong triển khai các biện pháp thực hiện Nghị quyết 2529 (2020) của Hội đồng Bảo an, ủng hộ hoàn thành xét xử đúng thời gian, thực hiện tầm nhìn của Hội đồng Bảo an về Cơ chế có “quy mô nhỏ, hoạt động hiệu quả, tạm thời với cơ cấu và chức năng giảm dần theo thời gian.”
Đại sứ nhấn mạnh quốc gia có trách nhiệm hàng đầu trong truy tố, xét xử tội ác quốc tế nghiêm trọng và ủng hộ hợp tác, hỗ trợ quốc gia thực thi thẩm quyền xét xử.
Cơ chế giải quyết các vụ việc tồn đọng của các tòa án quốc tế (IRMCT) được Hội đồng Bảo an thành lập năm 2010 nhằm kế thừa và thụ lý các công việc còn lại của Tòa hình sự quốc tế về Rwanda và Tòa hình sự quốc tế về Nam Tư cũ.
Tháng 6/2020, với sự điều phối của Việt Nam, Hội đồng Bảo an đã thương lượng và thông qua Nghị quyết 2529 về kiểm điểm hoạt động của Cơ chế.
Sự hợp tác của Việt Nam với các nước thành viên Hội đồng Bảo an và Liên hợp quốc liên quan đến công việc của Cơ chế được nhiều nước đánh giá cao, thể hiện tính khách quan, chuyên nghiệp./.
Theo TTXVN