Chiều tối qua, 5/4 chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Thủ đô Hà Nội kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại nước CHDCND Lào theo lời mời của Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ 4 được tổ chức tại Vientiane.
Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ 4 với chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Công” đã thành công tốt đẹp, người đứng đầu Chính phủ của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Vương quốc Campuchia và Vương quốc Thái Lan đã thông qua Tuyên bố chung – Tuyên bố Vientiane nhằm tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất của bốn quốc gia thành viên, các mục đích và nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của Lưu vực sông Mê Công cũng như xác định các trọng tâm hợp tác của Ủy hội trong thời gian tới.
Trong đó nhấn mạnh, tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất của bốn quốc gia thành viên trong việc tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995 và chức năng của Ủy hội; Tiếp tục khẳng định các mục đích và các nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực; Ghi nhận các thành tựu đạt được từ các Hội nghị cấp cao trước đây; Ghi nhận các thách thức và cơ hội có liên quan đến nước, bao gồm các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và quản lý môi trường của lưu vực sông Mê Công; Xác định các định hướng và chỉ đạo liên quan đến phát triển, quản lý lưu vực và thống nhất các thỏa thuận/kế hoạch để đạt được các kết quả của Chiến lược phát triển lưu vực Mê Công giai đoạn 2021- 2030.
Hội nghị Cấp cao Uỷ hội sông Mê Công diễn ra trong bối cảnh lưu vực sông Mê Công đang đối mặt với những thách thức to lớn do tác động kép của biến đổi khí hậu và việc khai thác và sử dụng quá mức tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh kế của người dân trên toàn lưu vực, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Ông Đỗ Hùng Việt - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: Hội nghị Cấp cao Uỷ hội sông Mê Công diễn ra trong bối cảnh lưu vực sông Mê Công đang đối mặt với những thách thức to lớn do tác động kép của biến đổi khí hậu và việc khai thác và sử dụng quá mức tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh kế của người dân trên toàn lưu vực, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thể hiện sự quan tâm và quyết tâm phát huy vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc ứng phó các thách thức, tăng cường đoàn kết với các nước trong Ủy hội để quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, bảo đảm lợi ích của các quốc gia trong lưu vực, trong đó có Việt Nam.
Tại hội nghị quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao vai trò không thể thiếu của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, đề cao việc Uỷ hội đã thực hiện hiệu quả các chức năng và nhiệm vụ của một tổ chức lưu vực sông quốc tế và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định giá trị lâu dài của Hiệp định Mê Công năm 1995. Thủ tướng cho rằng các thành tựu của Uỷ hội đã và đang góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống của gần 70 triệu người dân trong Lưu vực.
Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ lo ngại do Lưu vực sông đang đứng trước những thách thức chưa từng có do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, sức ép của yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng. Các tác động này ngày càng trở nên trầm trọng hơn ở các khu vực hạ nguồn sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của gần 20 triệu người dân, cũng như nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh lương thực cho tất cả các quốc gia trong Lưu vực.
Theo Thủ tướng, phải đổi mới tư duy hợp tác và có những bước đi đột phá mới có thể đáp ứng được các yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay, đồng thời đưa ra những thông điệp rất quan trọng, sâu sắc và toàn diện, trong đó nhấn mạnh: "Thứ nhất, cần tái khẳng định cam kết mạnh mẽ nhất, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện Hiệp định Mê Công năm 1995, cũng như Bộ Quy chế sử dụng nước đã được xây dựng, đồng thời tập trung thực hiện tốt các kế hoạch, chiến lược của Uỷ hội.
Thứ hai, mọi chính sách và hành động cần lấy con người làm trung tâm, với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn lưu vực, nhằm bảo đảm sinh kế bền vững của người dân, tăng cường khả năng thích ứng, tự cường của người dân, tăng cường khả năng thích ứng, tự cường của mỗi cộng đồng trước những biến đổi nhanh chóng hiện nay. Thứ ba, tăng cường sự phối kết hợp giữa Ủy hội và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác, trong đó phát huy vai trò trung tâm tri thức của Uỷ hội."
Cùng với đó Thủ tướng đề nghị, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, kết nối và nâng cấp mạng lưới điện của vùng, qua đó góp phần phát triển bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng cường hợp tác với các đối tác để tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính, tri thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại; bên cạnh đó, các hoạt động của Ủy hội cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa với các hoạt động thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN và các chương trình nghị sự quốc tế lớn khác.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác Mê Công, đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động của Ủy hội một cách chủ động, tích cực, phát huy “tinh thần hợp tác Mê Công”.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Sông Mê Công quanh co, uốn khúc nhưng thái độ của chúng ta đối với dòng sông sẽ luôn rõ ràng, minh bạch, tất cả vì môi trường sinh thái của dòng sông, vì lợi ích chung của cộng đồng cư dân sống quanh lưu vực, vì trách nhiệm với cả các thế hệ tương lai. Với tinh thần đó, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động của Ủy hội một cách chủ động, tích cực và xây dựng nhằm góp phần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Hiệp định Mê Công năm 1995, phát huy “tinh thần hợp tác Mê Công”, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của tất cả các quốc gia và người dân sinh sống trong Lưu vực; bảo đảm hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau; tất cả vì mục tiêu chung là phát triển bền vững Lưu vực sông Mê Công, không để ai bị bỏ lại phía sau."/.
Vũ Khuyên/VOV