Nhân dịp này, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới Pallab Sengupta, đang có chuyến thăm tới Việt Nam về những thành tựu của Việt Nam trong đảm bảo nhân quyền, thúc đẩy hòa bình tại Việt Nam và trên thế giới.
PV: Thưa ông, được biết ông đã đến Việt Nam rất nhiều lần, vậy ông có ấn tượng như thế nào với sự thay đổi của Việt Nam qua từng chuyến thăm?
Pallab Sengupta: Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam vào năm 1985. Tôi nhớ rằng, để đi từ sân bay tới khách sạn phải mất tới 2 giờ đồng hồ. Đường xá vẫn còn chưa phát triển và rất khó đi. Lần tiếp theo tôi đến đây là vào năm 1990, tôi đã được thấy rất nhiều sự thay đổi. Giờ đây, đã gần 40 năm, tôi có thể thấy sự chuyển mình vô cùng lớn lao. Việt Nam đã phát triển trên mọi lĩnh vực, về cơ sở hạ tầng, về đời sống dân sinh, văn hoá xã hội và về sự ổn định chính trị. Tôi cũng nhận thấy sự thay đổi lớn trong đời sống dân sinh. Có thể nói là các bạn không hề đi sau các nước phát triển, thậm chí một số chỉ số, các bạn còn đang tiến bộ rất nhanh. Tôi tin rằng, sẽ có ngày Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia phát triển trên thế giới.
PV: Ông đánh giá như thế nào về chặng đường bảo đảm và thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam, góp phần đem lại hoà bình cho mọi người dân, thưa ông?
Pallab Sengupta: Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe tiếng nói của người dân để đáp ứng nhu cầu và cải thiện cuộc sống mỗi người. Tôi nghĩ Việt Nam đang làm những điều tốt nhất để đảm bảo nhân quyền. Các bạn luôn nỗ lực bảo vệ chủ quyền, độc lập. Và hai yếu tố này cũng có liên quan trực tiếp đến nền dân chủ của các bạn và các quyền lợi của người dân. Tôi đánh giá cao những nỗ lực này của Việt Nam. Cũng sẽ có những thách thức, nhưng rõ ràng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang rất cẩn trọng và nỗ lực giải quyết, khắc phục những khó khăn này.
Tôi cũng muốn nói rằng, ngay từ những ngày đầu tiên, đối với Việt Nam, hoà bình và độc lập luôn là 2 yếu tố song hành. Trong giai đoạn kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm cách tốt nhất để giành được độc lập thông qua các biện pháp hoà bình. Dù vẫn chiến đấu trên mặt trận, nhưng các bạn vẫn tìm cách đàm phán trong hòa bình. Có thể kể đến việc ký kết Hiệp định Paris cũng là một biểu tượng cho thấy nỗ lực của các bạn, chiến đấu hết mình, nhưng cùng lúc đó cũng là sự sẵn sàng để đàm phán.
PV: Vậy Hội đồng hoà bình thế giới đang và sẽ có những hỗ trợ như thế nào đối với Việt Nam trên con đường gìn giữ và bảo vệ hoà bình tại Việt Nam và thế giới, thưa ông?
Pallab Sengupta: Tôi có thể nói rằng Hội đồng hoà bình thế giới luôn sát cánh với Việt Nam. Từ khi thành lập, tới năm 1975, chúng tôi đã tổ chức hàng trăm cuộc gặp, thảo luận về hoà bình và độc lập cho Việt Nam. Và sau khi Việt Nam giải phóng đất nước, đến nay, chúng tôi vẫn luôn ủng hộ các bạn trong giai đoạn phát triển mới.
Trong tương lai, chúng tôi nhận thấy rằng, ASEAN với vai trò trung tâm của mình có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ hòa bình thế giới. Và trong ASEAN, Việt Nam cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các quốc gia khác cùng hợp tác với ASEAN. Đây là lúc những lực lượng hoà bình cần tiến bước mạnh mẽ hơn, thể hiện vai trò lớn hơn, để ngăn chặn những nguy cơ chiến tranh, xung đột có thể xảy ra. Đó cũng là mục tiêu của hội đồng hoà bình thế giới, và tôi tin đó cũng là mục tiêu của quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông về những chia sẻ vừa rồi!