Tại cuộc họp Hội đồng chấp hành đặc biệt lần thứ 7 của Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) bàn về tác động và hệ luỵ của tình hình Ukraine đến các lĩnh vực Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hoá có thẩm quyền, diễn ra trong hai ngày 15/03 và 16/03 tại trụ sở tổ chức này ở thủ đô Paris, đại diện Việt Nam tiếp tục khẳng định quan điểm nhân văn, tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam, đồng thời kêu gọi các bên nhanh chóng chấm dứt xung đột, tìm kiếm giải pháp lâu dài.
Cuộc họp Hội đồng chấp hành đặc biệt lần thứ 7 của tổ chức Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc quy tụ 58 quốc gia là thành viên Hội đồng chấp hành, trong đó Việt Nam, với nội dung chính là bàn về các tác động và hệ luỵ của cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine đến các lĩnh vực mà tổ chức này có thẩm quyền như văn hoá, giáo dục, bảo vệ di sản, bảo vệ con người.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc khẳng định lại quan điểm nhất quán của Việt Nam về việc cần phải tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhất là các nguyên tắc về tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Là quốc gia đã trải qua hàng thập kỷ chiến tranh, Việt Nam hiểu hơn ai hết chiến tranh và xung đột chỉ đem lại đau thương, mất mát cho người dân và để lại nhiều hệ lụy tiêu cực đến mọi mặt của đời sống của những quốc gia liên quan trực tiếp cũng như các quốc gia khác. Do đó, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cho rằng, bài học từ Chiến tranh thế giới thứ hai cũng như từ chính lịch sử dân tộc Việt Nam đã chỉ ra rằng, bảo đảm luật pháp quốc tế, tăng cường đoàn kết, hợp tác và tin cậy lẫn nhau có ý nghĩa then chốt cho duy trì hòa bình và ổn định trên khắp thế giới.
Trong hơn 75 năm qua, với vai trò là cầu nối thúc đẩy đối thoại, hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, giữa các nền văn hoá, Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc đã duy trì được cách tiếp cận toàn cầu và nhân văn, và do đó, tầm quan trọng của tổ chức trong thời điểm này càng lớn hơn bao giờ hết.
Đối với tình hình tại Ukraine, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân khẳng định, Việt Nam hết sức lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay tại Ukraine, một quốc gia thành viên có chủ quyền của Liên Hiệp Quốc. Theo Đại sứ, vấn đề cấp bách hiện nay là cần kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay việc sử dụng vũ lực để tránh gây thêm thương vong và tổn thất cho dân thường, nhất là trẻ em, thanh niên, sinh viên, giáo viên, nghệ sĩ, các nhà khoa học, nhà báo.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phải bảo đảm an ninh, an toàn cho các cơ sở dân sự như trường học, các khu tưởng niệm, các công trình văn hóa, thông tin truyền thông theo luật nhân đạo quốc tế, phù hợp với Công ước 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, Công ước 1972 về di sản thế giới và Công ước 1954 bảo vệ tài sản văn hóa trong xung đột vũ trang và hai hiệp định thư liên quan.
Việt Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài, có tính đến lợi ích và quan tâm của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ và tạo thuận lợi cho đối thoại giữa các bên, gia tăng các nỗ lực viện trợ nhân đạo cho dân thường, bảo đảm an toàn, an ninh và tạo điều kiện sơ tán cho tất cả các công dân nước ngoài sinh sống tại Ukraine, bao gồm cả những người Việt Nam tại đây, không phân biệt đối xử về nguồn gốc, chủng tộc, quốc tịch hay tộc người./.
Quang Dũng/VOV-Paris