Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được nghi ngờ, ngả nghiêng, dao động.
CNXH – lựa chọn lịch sử duy nhất đúng của cách mạng Việt Nam
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong Chánh cương của Đảng năm 1930 nêu rõ, cách mạng Việt Nam trải qua 2 giai đoạn, trước làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng, sau đó đi tới xã hội cộng sản. Từ đó mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội luôn được khẳng định trong các kỳ Đại hội của Đảng. Năm 1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Đảng ta đưa ra luận điểm: Miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh thống nhất nước nhà. Đến năm 1976, khi đất nước thống nhất, trong văn kiện của Đảng tiếp tục khẳng định, cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Và đến năm 1991, khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân xuất hiện những hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Với bản lĩnh và niềm tin mãnh liệt vào sức sống của Chủ nghĩa Mác - Lênin, trong cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta vẫn khẳng định: Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ chủ nghĩa tư bản. Và luận điểm này tiếp tục được khẳng định trong cương lĩnh của Đảng năm 2011.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thạch, nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội, cho rằng, Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội không phải là ngày một, ngày hai, không phải là sự lựa chọn nhất thời, trước đây hay hiện nay, mà đó là sự lựa chọn của lịch sử, duy nhất đúng của cách mạng Việt Nam.
“Sự lựa chọn này là cả một quá trình, cả những lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, kể cả điểm khởi đầu hay đến lúc chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông âu khủng hoảng thì sự lựa chọn này chúng ta thấy là nhất quán từ trước đến nay. Đây là sự lựa chọn đúng đắn và hợp lý nhất”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thạch nhấn mạnh.
Cũng cần nói thêm rằng, khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các chiến lược gia tư bản, các thế lực thù địch phản động liên tục khuếch trương sức mạnh của chủ nghĩa tư bản, chúng rêu rao tuyên truyền rằng, chủ nghĩa xã hội đã hết thời, chủ nghĩa xã hội không còn phù hợp với xã hội loài người. Đây là quan điểm thiếu căn cứ thực tiễn, thiếu cơ sở khoa học. Bởi lẽ, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có quyền tự quyết, có quyền lựa chọn đi theo những thể chế chính trị khác nhau, và đó là quyền bất khả xâm phạm. Mỗi quốc gia đều có quyền lựa chọn con đường và xu hướng phát triển cho phù hợp với thực tiễn của đất nước mình, không có một công thức chung áp đặt cho tất cả mọi quốc gia. Những gì đã diễn ra ở Việt Nam và một số quốc gia đi theo chủ nghĩa xã hội đã cho thấy, chủ nghĩa xã hội không những không hề diệt vong mà còn chứng minh sức sống mãnh liệt, bất chấp sự biến đổi của thời đại.
Ông Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương khẳng định: “Chúng ta tin rằng, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại sẽ giữ vững được trận địa và xu thế xã hội chủ nghĩa sẽ tiếp tục đi lên dưới hình thức này, hình thức khác, và chủ nghĩa xã hội không hề diệt vong, thế giới tư bản cũng không thể chứng minh được rằng đó là lực lượng thống trị toàn cầu, cũng không thể chứng minh được rằng xã hội tư bản là xã hội tốt đẹp cuối cùng của loài người, ngay giữa lúc thế giới tư bản chủ nghĩa huênh hoang về sức sống dài lâu của nó thì nó cũng lâm vào khủng hoảng cục bộ kể từ năm 2008 cho đến nay”.
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự gắn kết hai sức mạnh thành một sức bật mới
Lúc sinh thời Bác Hồ luôn nhắc nhở “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Vì thế, Việt Nam sau khi giành được độc lập dân tộc phải tiến lên chủ nghĩa xã hội, để đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, qua 13 kỳ Đại hội, Đảng ta luôn nhất quán với mục tiêu này, cũng vì thế mà sau khi đất giành được độc lập, đất nước đã được tự do, nhân dân được thừa hưởng cuộc sống hòa bình, hạnh phúc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Phong, Giảng viên Cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Có được độc lập là quý nhất, nhưng để độc lập được giữ vững thì phải tiến bước làm cho người dân có tự do, hạnh phúc, tức là phải có chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, nó có mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có độc lập dân tộc rồi mà dừng lại thì độc lập đó chẳng có ý nghĩa gì? Cho nên phải tiến một bước nữa là đi lên chủ nghĩa xã hội”.
Còn Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng, Giảng viên Cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, chủ nghĩa xã hội đã đưa đất nước ta đến một xã hội tốt đẹp, con người được giải phóng phát triển toàn diện. Cho nên đừng vì một số sai lầm khuyết điểm trên thế giới, một vài con người hư hỏng, chỗ này, chỗ nọ tiêu cực… mà phủ nhận toàn bộ về chủ nghĩa xã hội.
Những năm gần đây, thế giới đã trải qua nhiều biến động, bất ổn. Nhiều dân tộc ở Châu Phi, Trung Đông, dù đã giành được độc lập nhưng vẫn chưa lúc nào thanh bình. Những cuộc nội chiến khiến người dân không nơi nương tựa, phải chạy trốn khỏi đất nước nơi mình sinh ra. Ở một số quốc gia khác dù đã có độc lập nhưng vẫn luôn bất ổn bởi sự cạnh tranh giữa các lực lượng, các đảng phái, phe nhóm chính trị, người dân cũng không được hưởng cuộc sống yên bình.
Thực tế đó là cơ sở để chúng ta tin rằng sự lựa chọn con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định: “Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn liền với đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc của quần chúng nhân dân. Để bảo đảm vững chắc được độc lập dân tộc, để không bị rơi vào vòng lệ thuộc, đói nghèo, lạc hậu, chặng đường tiếp theo chỉ có thể là đi lên chủ nghĩa xã hội. Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng triệt để được các dân tộc bị áp bức khỏi ách nô lệ; chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới bảo đảm cho một nền độc lập thật sự chân chính”.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ rộng mở như hôm nay. Như vậy, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội không chỉ là mục tiêu, là nhu cầu, là cương lĩnh hành động, là ngọn cờ hiệu triệu mà còn là động lực, niềm tin son sắt của cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự gắn kết hai sức mạnh thành một sức bật mới, là cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam, hôm qua, hôm nay và mai sau./.
Trường Giang/Phát thanh Quân đội