Trong những năm qua, sứ mệnh Gìn giữ hòa bình, đóng góp chung vào công cuộc đảm bảo an ninh, an toàn cho các phái bộ Liên Hợp Quốc luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Thống kê cho thấy, Việt Nam đã cử 792 lượt quân nhân và công an thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hai hình thức cá nhân và đơn vị tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abye và Trụ sở Liên hợp quốc.Với những thành quả của Việt Nam tại các phái bộ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres từng khẳng định lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong những lực lượng Gìn giữ hòa bình tốt nhất trên thế giới.
Mới đây, ngày 11/1, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập và ra mắt đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình số 1. Đây là lực lượng cảnh sát vũ trang gìn giữ hòa bình đầu tiên của Việt Nam. Nhiệm vụ của đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình số 1 là đảm bảo, tăng cường an ninh cho khu vực triển khai phái bộ; đảm bảo an ninh cho các cơ quan của Liên Hợp quốc và góp phần đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân nước sở tại và các hoạt động cứu trợ nhân đạo, thực thi bảo vệ quyền con người.
Ông Faisal Shahkar - Tư lệnh Cảnh sát Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, việc thành lập đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình số 1 là cột mốc lịch sử, là minh chứng cho thấy vai trò và đóng góp ngày càng tăng của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầu. Thể hiện sự chuyên nghiệp và tận tâm của lực lượng Cảnh sát Việt Nam cũng như sự sẵn sàng chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm của Cảnh sát Việt Nam với các nước đang gặp nhiều khó khăn do xung đột vũ trang.
Nhân dịp này, PV VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn với Thượng tá Nguyễn Văn Nam, Chỉ huy trưởng Đơn vị Cảnh sát Gìn giữ hòa bình số 1 – Bộ Công an về nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình.
PV: Thưa Thượng tá Nguyễn Văn Nam, chúng ta đã có sự chuẩn bị như thế nào trong việc cử các lực lượng tham gia nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình?
Thượng tá Nguyễn Văn Nam: Chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng. Thứ nhất là chúng tôi tuyển chọn những lực lượng tinh nhuệ nhất trong ngành công an. Thứ hai là chúng tôi đã nghiên cứu nội dung về triển khai kỹ, chiến thuật tương ứng với yêu cầu của đơn vị cảnh sát vũ trang của Liên Hợp Quốc.
Với sự thể hiện này chỉ là một phần trong nhiệm vụ yêu cầu của đơn vị cảnh sát của Liên Hợp Quốc. Trong thời gian tới, khi triển khai và huấn luyện thì chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ và thể hiện đầy đủ các hạng mục trong các kỹ, chiến thuật, đáp ứng yêu cầu kể cả về trình độ ngoại ngữ, luật pháp quốc tế, kỹ năng mềm…
Khi được triển khai ở các phái bộ, chúng tôi sẽ đảm bảo tăng cường an ninh cho Liên Hợp Quốc, các cơ quan của Liên Hợp Quốc, nhân dân nước sở tại, đặc biệt là cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo và đảm bảo quyền con người.
PV: Chúng ta sẽ triển khai lực lượng cảnh sát gìn giữ hòa bình theo hình thức nào?
Thượng tá Nguyễn Văn Nam: Như chúng ta đã biết, chính sách của Đảng và Nhà nước thực hiện nhất quán đường lối ngoại giao. Việt Nam mong muốn có sự đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định an ninh khu vực và quốc tế. Việt Nam cũng là một quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, tuân thủ đầy đủ các quy định của Liên Hợp Quốc.
Trong các hoạt động triển khai lực lượng cảnh sát gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc thì có 3 hình thức: Thứ nhất là sỹ quan cá nhân. Bộ Công an đã triển khai được 2 đợt, gồm 6 đồng chí đang làm nhiệm vụ tại phái bộ Nam Sudan.
Hình thức thứ hai là đơn vị cảnh sát đặc biệt. Thứ ba là đơn vị cảnh sát vũ trang. Đơn vị cảnh sát vũ trang là một hình thức rộng lớn nhất của hoạt động cảnh sát gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Với sự triển khai quân số theo chuẩn Liên Hợp Quốc là 160 sỹ quan cảnh sát. Bao gồm có bộ phận chỉ huy, các bộ phận lãnh đạo để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ cảnh sát, đảm bảo yêu cầu của Liên Hợp Quốc đặt ra.
PV: Đối với một đơn vị mới thành lập như Cảnh sát Gìn giữ hòa bình, chúng ta gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
Thượng tá Nguyễn Văn Nam: Hiện nay, chúng tôi có thuận lợi là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là sự chỉ đạo, lãnh đạo rất sát sao của Đảng ủy Công an Trung ương, của Bộ trưởng Bộ Công an. Cụ thể, các hoạt động của Cảnh sát gìn giữ hòa bình được thực hiện trên cơ sở cụ thể hóa kết quả Đề án 05 của Bộ Công an về việc lực lượng công an tham gia gìn giữ hòa bình.
Chúng tôi tiếp tục được sự quan tâm của Đảng ủy Công an Trung ương, cũng như của các cơ quan trong Bộ Công an, nghiên cứu về các chính sách cho toàn thể cán bộ chiến sĩ tham gia.
Chúng tôi cũng có thuận lợi là các tổ chức cảnh sát quốc tế quan tâm, hỗ trợ. Như ngài Faisal Shahkar - Tư lệnh Cảnh sát Liên Hợp Quốc đã chính thức thăm Việt Nam để ngài có những báo cáo và đánh giá sát hơn về tình hình chuẩn bị của Cảnh sát Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Chúng ta có nền tảng về nghiệp vụ cảnh sát, chúng ta có nhiều điều kiện để có thể sánh ngang với các nước về trình độ, về phương tiện. Tiếp theo nữa, quyết tâm của Bộ Công an Việt Nam mong muốn đây là một dấu mốc để lực lượng Công an nhân dân Việt Nam sẽ có điều kiện để tham gia vào môi trường hoạt động quốc tế một cách thuận lợi.
PV: Vâng xin cảm ơn Thượng tá Nguyễn Văn Nam.
Trọng Phú/VOV.VN