Khách châu Âu đến Việt Nam tăng trưởng mạnh kể từ đầu năm nhờ chính sách thị thực thông thoáng. Ảnh: Hoàng Anh
Trong bối cảnh mùa hè châu Âu đang cận kề, Việt Nam là một trong ba điểm đến châu Á thu hút du khách châu Âu nhất dựa trên lượt tìm kiếm chỗ ở, sau Malaysia và Nhật Bản.
Thông tin này được nền tảng du lịch kỹ thuật số Agoda đưa ra dựa trên dữ liệu thống kê mới nhất.
Theo đó, lượng tìm kiếm của du khách châu Âu đối với Malaysia tăng gần 90%, Nhật Bản tăng hơn 70% trong tháng 4 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam là điểm đến đứng thứ ba, ghi nhận lượng tìm kiếm tăng hơn 65% từ khách Âu.
Theo ông Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Agoda Việt Nam, sự gia tăng trong lượt tìm kiếm về du lịch Việt Nam so với năm ngoài thể hiện sức hút ngày càng lớn của Việt Nam đối với thị trường châu Âu.
Dữ liệu thực tế cũng đã cho thấy điều này. Theo Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch quốc gia, bốn tháng đầu năm nay tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh từ các thị trường châu Âu nhờ vào hiệu quả từ chính sách thị thực thông thoáng được áp dụng từ quý III năm ngoái.
Hầu hết thị trường đều rất khả quan, trong đó, các thị trường ghi nhận tăng trưởng tốt bao gồm Italy (tăng gần 80%), Pháp (tăng gần 42%), Anh (tăng hơn 35%), Đan Mạch (tăng hơn 40%)…
Theo Agoda, các điểm đến tại Việt Nam được du khách châu Âu tìm kiếm nhiều nhất là TP.HCM, Hội An và Nha Trang. Đây là những điểm đến mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa nghỉ dưỡng, phiêu lưu và văn hóa, là lựa chọn lý tưởng cho du khách muốn tận hưởng tối đa kỳ nghỉ hè dài ngày ở Việt Nam.
Từ giữa tháng 8 năm ngoái, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định mới về quản lý xuất nhập cảnh, tiếp tục thực hiện chủ trương mở cửa với người nước ngoài đến Việt Nam.
Cụ thể, Việt Nam cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày thành không quá 90 ngày.
Cùng với đó, Việt Nam cũng mở rộng thời hạn tạm trú đối với công dân của 13 nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá, mặc dù chính sách thị thực hỗ trợ thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài hơn, hành trình của du khách bắt đầu không phải từ sự hiện diện của họ ở Việt Nam, mà từ việc xin thị thực và thủ tục nhập cư.
Do đó, các thủ tục hành chính, đặc biệt là cổng thông tin thị thực điện tử cần được cập nhật, nâng cấp kịp thời để đáp ứng các hồ sơ xin thị thực ngày càng tăng và nâng cao sự hài lòng của người dùng.
Điều này cũng áp dụng cho các thủ tục nhập cảnh, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM, nơi du khách thường phải chờ đợi nhiều giờ để hoàn thành thủ tục nhập cảnh.
EuroCham khuyến nghị, Việt Nam nên mở rộng danh sách miễn thị thực cho tất cả các nước châu Âu và có lộ trình rõ ràng để thực hiện thủ tục này.
Cùng với đó, Việt Nam nên cung cấp miễn thị thực lưu trú ngắn hạn trong một số tình huống nhất định, đặc biệt là hỗ trợ các diễn đàn, triển lãm và các sự kiện thể thao.
Ngoài ra, cần đảm bảo tính nhất quán giữa phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh của cổng thông tin thị thực điện tử.
Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam chưa điều chỉnh nhanh như các đối thủ cạnh tranh để thích ứng với thực tế hậu Covid-19. Do vậy, Việt Nam cần xem xét các biện pháp khẩn cấp để theo kịp tốc độ tăng trưởng của các đối thủ cạnh tranh, bao gồm thêm miễn thị thực cho các thị trường mục tiêu chính, như Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu, Úc, New Zealand, Canada và Mỹ.
“Chúng ta cũng cần xem xét thị thực lưu trú dài hạn để nghỉ hưu và thị thực nghỉ hưu cho những người muốn nghỉ hưu ở Việt Nam”, tổ chức này khuyến nghị.
Theo The Leader