Những đường bay nội địa hoạt động trở lại, cũng như dịch vụ xe khách, tàu hỏa, nhà hàng, bán lẻ... đón khách từ khi Việt Nam kết thúc thời gian giãn cách xã hội vào 23/4. Ngành hàng không chuẩn bị sẵn sàng cho các chuyến bay quốc tế. Ngành du lịch cũng nỗ lực tìm kiếm phương án "bong bóng du lịch" với Trung Quốc hay Hàn Quốc. Nếu thành công, Việt Nam sẽ đi trước Thái Lan một bước, quốc gia láng giềng này cũng coi Trung và Hàn là hai thị trường trọng điểm.
Kenneth Atkinson, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), cho biết đơn vị này đã đề xuất chính phủ mở "những cuộc đàm phán song phương sớm với các thị trường đã kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng".
"Những cuộc đàm phán song phương đầu tiên là với những thị trường chúng tôi cần nhất, ví dụ như Trung Quốc và Hàn Quốc. Tiếp đó là Australia, New Zealand, Đài Loan và Singapore - dù đảo quốc này chưa có tiến triển khả quan khi các ca lây nhiễm mới là từ lao động nhập cư", ông Atkinson nhận định.
Michael Piro, giám đốc điều hành Indochina Capital, cho biết thêm khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 55% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong số 18 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019, có 5,8 triệu người đến từ Trung Quốc và 4,3 triệu người Hàn Quốc.
Hành lang du lịch tới hai thị trường này sẽ khơi thông hoạt động kinh doanh và du lịch giải trí, ông Piro nói thêm. Nhiều công ty sản xuất đã chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Trung Quốc và Hàn Quốc là những nhà đầu tư lớn và cũng là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam. Khi những "bong bóng du lịch" mở ra, các nguồn đầu tư nước ngoài sẽ bắt đầu trở lại, kéo theo doanh thu từ du lịch. Năm ngoái, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 7,2% lên 38 tỷ USD.
Du lịch nội địa
Triển vọng phục hồi khởi động du lịch nội địa của Việt Nam dường như khá khả quan, như thời điểm sau khi dịch SARS năm 2003. Những yêu cầu đặt phòng khách sạn và Airbnb cho kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 gia tăng với các khu vực gần các thành phố lớn, theo dữ liệu thu được từ Indochina Capital.
Piro, người sở hữu một số quán bar và nhà hàng ở TP HCM, cho biết khi các cửa hàng mở cửa lại gần đây, kinh doanh tốt hơn so với trước khi có virus. "Mặc dù vẫn còn sớm để đánh giá, điều đó cho thấy người dân địa phương đang rất háo hức ra khỏi nhà. Chính phủ đang làm rất tốt để khơi dậy niềm tin của nhân dân, và khi thấy tình hình hiện đang được kiểm soát, mọi người muốn đi chơi", ông Piro nói.
Chính phủ Việt Nam hành động nhanh chóng để chống đại dịch. Từ ngày 29/2, hành khách từ các khu vực có dịch phải cách ly trong 14 ngày. Việt Nam còn ngừng miễn thị thực cho khách Hàn Quốc và người châu Âu trước khi dừng đón khách quốc tế từ ngày 12/3, bao gồm cả người Việt Nam trở về từ nước ngoài. Các địa điểm giải trí và điểm tham quan du lịch phải đóng cửa, và thực hiện biện pháp giãn cách xã hội tối đa từ ngày 1/4. Việt Nam còn thực hiện các sáng kiến lan tỏa tinh thần phòng chống dịch bệnh như một bài hát nhạc pop và vũ điệu rửa tay nổi tiếng toàn cầu.
Khoảng 40% dân số Việt Nam (tổng cộng hơn 96 triệu người) dưới 25 tuổi. Năng động, có sức khỏe, am hiểu công nghệ, và chấp nhận rủi ro, những người trẻ cũng góp một phần đáng kể trong 85 triệu chuyến du lịch nội địa năm 2019.
Atkinson đánh giá đó là con số tuyệt vời dễ bị bỏ qua. Thị trường du lịch nội địa phát triển của Việt Nam là nhờ tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người (11% kể từ năm 2000), một trong những tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Một yếu tố khác là chính phủ đầu tư tới 5,7% GDP vào cơ sở hạ tầng như đường sá. Không một quốc gia nào khác ở Đông Nam Á chi nhiều cho cơ sở hạ tầng như Việt Nam.
Ông Piro cho biết thêm, 60% du lịch nội địa là đường bộ mặc dù du lịch hàng không cũng được kích thích nhờ sự tăng trưởng của các hãng hàng không giá rẻ.
Trong một hội thảo trực tuyến do Delivering Asia Communications tổ chức, Piro cho biết một chiến dịch của Bộ VHTTDL đã đưa ra những tour giá rẻ hơn 30%, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường nội địa vốn luôn chào đón những chương trình ưu đãi.
Thay đổi vai trò
Việt Nam chỉ mất 7 năm để thu hút từ 6 triệu lượt đến 15 triệu lượt khách quốc tế, trong khi Thái Lan mất 15 năm. Như vậy, Việt Nam hiện ở vị trí của một quốc gia tiên phong - có thể đi trước Thái Lan trong việc thu hút khách du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc hậu Covid-19.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá Thái Lan nên cảnh giác hơn. Ngay cả trước Covid-19, quốc gia này đã phải hết sức nỗ lực để thu hút khách du lịch Trung Quốc trở lại, sau tai nạn tàu thuyền gây tử vong ở Phuket. Thêm vào đó, Việt Nam có thể là một nơi tốt hơn đối với những du khách thay đổi thói quen sau đại dịch.
"Sau khi bị kìm chân quá lâu, mọi người sẽ tìm kiếm những chuyến đi và trải nghiệm nhiều hơn, trái ngược với cuộc sống trong các thành phố. Với bờ biển dài hơn 3.000 km và địa hình đa dạng, Việt Nam còn có hang động, thác nước, núi non, đồng lúa, bãi biển, sông Mekong để du khách khám phá trong vòng một tuần", ông Piro đánh giá.
So sánh cuộc đua giữa Việt Nam và nước láng giềng, Bill Barnett, giám đốc điều hành của C9 Hotelworks, cho biết Việt Nam dễ dàng kiểm soát virus sau đại dịch tốt hơn vì đây là điểm đến cuối cùng của khu vực, thay vì vị thế của một trung tâm trung chuyển quốc tế như Thái Lan hiện nay.
Dù vậy, một cuộc khảo sát do C9 Hotelworks và Delivering Asia Communications thực hiện vào tháng 4 vẫn cho thấy, khách du lịch Trung Quốc quan tâm đến thăm Thái Lan (71% số người được hỏi) hơn so với Việt Nam (45%).
Bên cạnh đó, ông Atkinson có cái nhìn thực tế rằng các cuộc đàm phán bong bóng có thể kết thúc không mấy tốt đẹp. "Các mô hình 'bong bóng du lịch' có những thách thức riêng. Trong khi Thượng Hải vẫn còn các ca lây nhiễm trong cộng đồng, làm thế nào để chúng tôi đảm bảo rằng hành khách trên chuyến bay Thượng Hải đến Việt Nam đều đến từ Thượng Hải?", ông bày tỏ. Những lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai, như các bệnh nhân mới ở Trung Quốc và Hàn Quốc, là một nguy cơ khác.
An An (Theo Skift)