Những ngày tháng 9 này, nhìn lại lịch sử hào hùng của đất nước, chúng ta không khỏi tự hào về những thành tựu to lớn mà đất nước ta đã đạt được trong thời gian qua.
Đáng chú ý, việc thiết lập quan hệ ngoại giao, Đối tác chiến lược với nhiều quốc gia, trong đó có nước CHDCND Trung Hoa đã nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Trung Quốc những năm gần đây đã tạo động lực mới để mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Trung Quốc phát triển mạnh mẽ toàn diện trên các lĩnh vực.
Nhìn lại chặng đường 73 năm qua, có thể thấy rằng, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu. Việc năm 2008, Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện; Lãnh đạo cấp cao hai nước đã tiến hành các chuyến thăm cấp cao, trong đó có chuyến thăm chính thức Trung Quốc tháng 10/2022, chuyến thăm chính thức Trung Quốc và tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đã ghi dấu những bước tiến trong quan hệ song phương.
Việt Nam hết sức coi trọng mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Trung Quốc; coi đây là sự lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Ông Nguyễn Vinh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối Ngoại Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc cho biết: “Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc bây giờ là quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện. Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc từng có những giai đoạn hết sức tốt đẹp nhưng cũng có những giai đoạn hết sức khó khăn, nhưng chúng ta thấy dòng chính của mối quan hệ Việt Nam-Trung quốc là hợp tác, hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau. Sau này hai nước bình thường hóa quan hệ thì mối quan hệ hai nước lại được củng cố thêm một bước, trong môi trường hòa bình, Trung quốc cải cách mở cửa, Việt Nam tiến hành Đổi mới. Những thành công của Trung Quốc ta có thể tham khảo và những thành công của Việt Nam, Trung Quốc cũng tham khảo. Trong những năm vừa rồi, ngoài giao lưu trao đổi nhiều kinh nghiệm thực tiễn ra, quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước về kinh tế thương mại cũng đã vượt lên rất nhanh”.
Với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hợp tác chính trị được coi trọng cao độ đã tạo xung lực mới thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Dưới góc nhìn này, Giáo sư Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định, thời gian gần đây, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã phát triển nhanh vượt bậc, đặc biệt là trong thời kỳ xảy ra đại dịch không những không giảm mà còn tăng lên. Điều này đã cho thấy tiềm năng to lớn của mối quan hệ giữa hai bên.”
Trên lĩnh vực kinh tế-thương mại, Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN từ năm 2016 và là nước đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới từ năm 2020 của Trung Quốc. Việc Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được nhận thức chung về việc tăng cường phối hợp, cùng thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại; hai bên đã thiết lập, ký kết nhiều cơ chế, như: Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ; Hiệp định gia hạn và bổ sung Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn 2017-2021 đã tạo khuôn khổ để tăng cường, thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại song phương.
Hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam mỗi tuần có 19 chuyến bay kết nối 7 thành phố giữa hai nước. Trung Quốc cũng đã trở thành thị trường quan trọng hàng đầu của nông, lâm, thủy sản Việt Nam, với giá trị thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp tăng nhanh, được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba nhấn mạnh: "Tôi cho rằng, sự phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có một triển vọng rất tươi sáng, tiềm năng hợp tác to lớn, bởi vì lãnh đạo hai Đảng đều có chung nhận thức chính trị quan trọng là chúng ta sẽ ủng hộ lẫn nhau thực hiện những mục tiêu phát triển chiến lược của nhau mà hai Đảng đã xác định, đó là trong 15 năm, 30 năm tới đây, Trung Quốc sẽ cơ bản thực hiện xã hội chủ nghĩa hiện đại hoá và xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại hoá, còn Việt Nam đã xác định sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, và chúng ta đều ủng hộ nhau thực hiện các mục tiêu trên”.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho rằng, trong tình hình hiện nay, việc củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phù hợp với lợi ích căn bản, lâu dài của hai bên, có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của quan hệ song phương, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho rằng, thời gian tới, hai bên cần tăng cường giao lưu cấp cao và các cấp, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị, thúc đẩy thực hiện nghiêm túc, đầy đủ những nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, cũng như các thỏa thuận song phương giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước; kịp thời cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hợp tác thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Với lợi thế, tiềm năng, nhu cầu và thành tựu hiện tại của quan hệ song phương, cùng với quyết tâm và nỗ lực chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới với nền tảng hữu nghị, hợp tác vững chắc hơn".
Hồ Điệp/VOV1