"Thúc đẩy quân sự hóa trên một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, mà còn gây lo ngại cho các nước trong khu vực, cộng đồng quốc tế như được phản ánh trong những văn kiện của ASEAN, không có lợi cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực Biển Đông", phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói trong họp báo hôm nay.
Bà Hằng nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt việc quân sự hóa, không có hành động gây gia tăng căng thẳng ở khu vực, duy trì điều kiện thuận lợi và tiếp tục nỗ lực cùng ASEAN đàm phán, sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982", phó phát ngôn viên nói.
Tuyên bố được bà Hằng đưa ra khi được hỏi về thông tin Trung Quốc đã hoàn tất hoạt động xây dựng kho tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác trên đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước đó, hãng thông tấn AP dẫn lời đô đốc John Aquilino, tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng Trung Quốc đã hoàn thành các hoạt động quân sự hóa trên ba đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở các thực thể trên, song chưa rõ họ có xây thêm hạ tầng quân sự ở các thực thể khác hay không.
Ông Aquilino cho hay các hành động này hoàn toàn trái ngược với cam kết của Trung Quốc rằng sẽ không biến các đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự. Ông đánh giá đây là một phần trong quá trình Trung Quốc củng cố sức mạnh quân sự của mình ở Biển Đông.
Đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ thập là ba trong số 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Các thực thể còn lại là đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma và đá Châu Viên.
Nguồn VnExpress