Doanh nghiệp mong sớm giải ngân
Để được vay vốn theo Nghị quyết số 154/NQ-CP, có 3 điều kiện DN cần đáp ứng: Có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1-4-2020 đến hết ngày 31-12-2020; doanh thu quý 1/2020 giảm 20% trở lên so với quý 4/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 và DN không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31-12-2019.
Theo Nghị quyết số 154/NQ-CP và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg, DN sẽ được vay tối đa 3 tháng trong khoảng thời gian từ ngày 1-4 đến hết ngày 31-12-2020, mức cho vay tối đa 1 tháng bằng 50% mức lương tối thiểu vùng (x) số lao động bị ngừng việc. Ngoài ra, trường hợp cho vay này, DN được hỗ trợ lãi suất 0%, không phải bảo đảm tiền vay; thời hạn cho vay do NHCSXH nơi cho vay và khách hàng thỏa thuận nhưng không quá 12 tháng, kể từ ngày giải ngân món vay đầu tiên.
Là DN chuyên xẻ, sấy khô gỗ cao su và kinh doanh thêm mặt hàng sản xuất, chế biến bánh tráng, Công ty TNHH MTV SX-TM-DV Ngọc Ánh, xã Minh Thành, huyện Chơn Thành có khoảng 100 công nhân đang làm việc, gồm cả lao động chính thức và công nhân thời vụ. Trong thời gian dịch Covid-19, nhiều đơn hàng không xuất khẩu được, hàng hóa dồn ứ, công ty viết giấy thỏa thuận và cho một số công nhân nghỉ việc tạm thời. Tuy nhiên, để giữ chân người lao động, công ty vẫn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho 14 người. Hiện nay, tình hình dịch được kiểm soát, đơn hàng bắt đầu xuất được thì người lao động đã trở lại làm việc tại công ty như cam kết.
Ngay sau khi được Chi nhánh NHCSXH tỉnh, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chơn Thành hướng dẫn thủ tục và các hồ sơ cần thiết để vay vốn tín dụng chính sách trả lương cho người lao động theo Nghị quyết số 154/NQ-CP, lãnh đạo công ty xem đây là động lực để DN vượt qua khó khăn. Ông Nguyễn Văn Dụ, Giám đốc công ty cho biết: Vì DN ít lao động nên số tiền dự kiến được hỗ trợ không nhiều. Tuy nhiên, đây cũng là động lực để chúng tôi trả lương cho một số công nhân bị ảnh hưởng trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19.
Công nhân đang làm việc tại Công ty cổ phần sản xuất, thương mại và dịch vụ Phúc Thịnh. Ảnh: Bình Phước online
Chuyên về lĩnh vực chế tạo bình, lọ và đồ dùng trang trí nội thất, sản phẩm của Công ty TNHH MTV An Bình, xã Minh Long, huyện Chơn Thành chủ yếu tiêu thụ tại thị trường các nước châu Âu. Dịch Covid-19 xảy ra nhưng đơn hàng xuất khẩu của công ty vẫn ổn định, nhờ vậy mà hơn 100 công nhân đang làm việc tại đây giữ được việc làm ổn định.
Chị Trần Thị Hữu Phúc, Quản lý công ty cho biết: Sau khi nghe chia sẻ về thủ tục, điều kiện vay, tôi thấy Nghị quyết số 154 có giá trị nhân văn rất cao khi đi vào thực tế. Nếu DN ít công nhân thì có thể nguồn hỗ trợ không nhiều, thế nhưng với DN bị ảnh hưởng mà công nhân từ vài trăm đến cả ngàn người, rồi cộng với lãi suất cho vay 0% thì đây rõ ràng là “chiếc phao” hỗ trợ DN vượt qua khó khăn mà dịch Covid-19 để lại.
Cần gói tín dụng cho doanh nghiệp đặc thù
Với hơn 2.300 công nhân, người lao động, trong đợt dịch Covid-19, Công ty cổ phần cao su Đồng Phú cũng cho công nhân nghỉ cạo và thực hiện giãn cách theo quy định. Tuy nhiên, công ty đã chủ động vay thêm từ các ngân hàng thương mại để trả lương và đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho công nhân. Ông Hồ Cường, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty đề xuất: Là DN sản xuất nông nghiệp, thực hiện trả lương theo cơ chế khoán trên kết quả sản xuất, kinh doanh, điều này lại gây khó cho công ty khi hoàn chỉnh hồ sơ vì bắt buộc phải có văn bản ký thỏa thuận ngừng việc. Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, công ty cũng thực hiện giãn cách xã hội, cho công nhân nghỉ nhưng không thực hiện ký thỏa thuận này. Rất mong hệ thống NHCSXH các cấp xem xét, có chính sách hỗ trợ để các DN đặc thù như chúng tôi cũng được vay vốn từ chương trình này.
Công nhân tại Công ty TNHH MTV Hải Biên, huyện Đồng Phú đang xẻ gỗ cao su. Ảnh: Bình Phước online
Để chính sách cho vay “đúng - trúng - hiệu quả”, NHCSXH cũng tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ để triển khai nghị quyết kịp thời, hiệu quả, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Ông Võ Trọng Hòa, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết thêm: Ngay sau khi nghị quyết và quyết định có hiệu lực, chúng tôi thành lập nhiều đoàn công tác, phối hợp với liên đoàn lao động để đi đến DN, hướng dẫn thủ tục cần thiết để sớm được giải ngân theo quy định. Trong khoản nguồn vốn tự cấp, NHCSXH Trung ương sẽ cấp theo hạn mức mà Chi nhánh NHCSXH tỉnh đề xuất. Trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ vay vốn, chúng tôi sẽ phê duyệt cho vay và thông báo kết quả cho khách hàng. Hiện nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang hoàn tất hồ sơ và sẽ giải ngân cho một số DN đầu tiên tiếp cận nguồn vốn này./.
Theo Báo Bình Phước