Những ngày gần đây, truyền thông Nhật Bản, Việt Nam thông tin việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam là nước tới thăm đầu tiên sau khi nhậm chức thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam đối với Nhật Bản; sự tin cậy về chính trị và kinh tế giữa hai quốc gia, thể hiện đường lối đối ngoại nhất quán của Nhật Bản coi trọng quan hệ với Việt Nam và khu vực ASEAN. Đây cũng là tiền đề mới tạo động lực cho một chặng đường hợp tác phát triển mới giũa hai đất nước.
Trước thềm chuyến thăm chính thức đến Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide, mời quý độc giả nhìn lại những dấu mốc hợp tác tốt đẹp trong lịch sử hai nước với loạt bài viết “Vun đắp hơn nữa tình hữu nghị Nhật-Việt: Vì lợi ích của hai quốc gia, sự phồn vinh và thịnh vượng của khu vực”. Cùng nhìn lại câu chuyện tình hữu nghị Việt-Nhật và nỗ lực chung của chính phủ, nhân dân hai nước vun đắp cho những thành quả hôm nay.
Trong câu chuyện vào một ngày cuối thu Hà Nội, ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản kể rằng, ông vui và hạnh phúc khi được là một phần của lịch sử, được chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hai đất nước. Đại sứ Nguyễn Phú Bình kể cho chúng tôi nghe hồi ức khi được chứng kiến và tham gia 1 phần trong những sự kiện lớn của 2 quốc gia Việt Nam-Nhật Bản trên tất cả mọi phương diện, giai đoạn từ năm 2008-2011. Đó không chỉ là những sự kiện lớn về chính trị, kinh tế mà còn là những thời điểm nhân dân Việt Nam-Nhật Bản chia sẻ nỗi đau và cả sự mất mát sau thảm hoạ sóng thần năm 2011.
Ông Nguyễn Phú Bình cho biết: “Năm 2009, khi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm Nhật Bản, giữa 2 nước đã tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược. Đó là sự kiện tôi cho là rất ý nghĩa. Còn về kinh tế, cũng năm 2009, 2 nước ký hiệp định đối tác song phương và năm 2011, Nhật Bản công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường".
Cũng theo ông Nguyễn Phú Bình, sự kiện này ghi một dấu ấn trong lịch sử vì Nhật Bản là nước đầu tiên trong khối G7 có thái độ tích cực với Việt Nam. Về văn hóa, 1 sự kiện có ý nghĩa về ngoại giao quan trọng khác. Đó là lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản lần đầu tiên. Điều bất ngờ là sau 2 ngày cuối tuần, phía bạn thông báo có đến 150.000 người tham dự. Đây là kết quả rất bất ngờ.
Còn về xã hội, trong nhiệm kỳ của ông Bình làm Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, có một sự kiện không may với nhân dân Nhật Bản, đó là trận động đất sóng thần tại vùng Đông Bắc nước Nhật. Đây là sự kiện gây tổn thất rất lớn cho Nhật. Bộ Ngoại giao Nhật đánh giá rất cao việc Việt Nam và một số nước ASEAN vẫn tiếp tục ở lại, trong khi nhiều nước khác đã rút bớt lực lượng. Thậm chí thời gian đó, các đoàn của Việt Nam vẫn mong muốn sang thăm, giúp đỡ Nhật Bản. Và những hành động đó khiến bạn rất cảm động”.
Cũng theo Đại sứ Nguyễn Phú Bình, sự kiện hai nước Việt Nam – Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973 đã đánh dấu một mốc son đầu tiên mở đầu cho nhiều chương mới trong chặng đường gắn kết giữa hai đất nước, hai dân tộc sau này.
Sự tương đồng về văn hóa, về lịch sử, về truyền thống là những yếu tố quan trọng cấu thành chất keo gắn kết hai đất nước, hai dân tộc. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2017, Nhật hoàng Akihito đã nhắc tới câu chuyện từ thế kỷ thứ 8, nhà sư Phật Triết của Lâm Ấp, nay là miền Trung Việt Nam đã tới hiến vũ nhân lễ cúng dường Khai nhãn Đại Phật được tổ chức tại Nara, kinh đô Nhật Bản, rồi chuyện về phong trào “Đông Du” đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam, với việc khoảng 200 thanh niên Việt Nam sang học tập tại Nhật Bản, học hỏi những tư tưởng tiến bộ của Nhật Bản đưa về Việt Nam.
Từ những mốc son ban đầu ấy, sau 47 năm hình thành và phát triển, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp, trở thành tài sản chung quý báu của cả hai dân tộc. Nếu như năm 2002, Việt Nam-Nhật Bản thiết lập quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”, thì chỉ 2 năm sau đó, quan hệ hai nước được nâng cấp lên “Đối tác bền vững”. Đến năm 2009, Việt nam-Nhật Bản đã thiết lập “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Nhật Bản cũng là nước G-7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam và công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Đến năm 2014, Việt Nam-Nhật Bản ra “Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”.
Chia sẻ quan điểm tương đồng và những giá trị chung, Việt Nam và Nhật Bản thúc đẩy hợp tác phát triển trong các vấn đề toàn cầu. Nhật Bản đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 (2016) và Hội nghị thượng đỉnh G20 (2019) với vai trò là quốc gia khách mời đặc biệt. Việt Nam đã nói lên tiếng nói của những nền kinh tế mới nổi, đóng góp quan trọng góp phần vào thành công của các hội nghị, góp phần cùng Nhật Bản thúc đẩy hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phân tích: "Trong hơn hai năm qua, Nhật Bản đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 và Hội nghị thượng đỉnh G20. Điều này thể hiện vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế rất cao."
Tin cậy, hiểu nhau, chia sẻ và gắn kết, là thành quả có được nhờ những nỗ lực của chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Và minh chứng cho sự phát triển không ngừng trong mối quan hệ hai nước chính là những “dấu ấn” của Nhật Bản trên khắp đất nước Việt Nam qua những dự án hợp tác thành công giữa hai nước.
Với những gì đạt được, có thể nói mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn đẹp nhất, với những chương mầu hồng trong cuốn sách có tên gọi “Việt Nam-Nhật Bản”.
Đánh giá về mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản, nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Umeda Kunio nhận định: “Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam là mối quan hệ chiến lược, có rất nhiều lợi ích chung giữa hai nước. Tôi có thể đề cập một ví dụ là vấn đề Biển Đông, làm sao cho hai nước đi lại trên biển một cách an toàn.
Cũng có rất nhiều lĩnh vực mà hai nước hợp tác hiệu quả cho đến nay. Điển hình là hiệp định CPTPP, mà Nhật Bản và Việt Nam, thông qua hội nghị APEC hai bên đồng tổ chức và hai bên đã có những thỏa thuận chung, đi đến sự hợp tác để phát triển nền kinh tế hai nước. Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm chung, tuy nhiên cũng có nhiều điểm riêng. Để hai nước hiểu nhau hơn nữa, bên phía Nhật Bản và Việt Nam phải tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện, để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
Trong một phát biểu mới đây, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam ông Yamada Takio nhấn mạnh: việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên sau khi nhậm chức thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam đối với Nhật Bản; thể hiện sự tin cậy về chính trị và kinh tế giữa hai quốc gia, thể hiện đường lối đối ngoại nhất quán của Nhật Bản coi trọng quan hệ với Việt Nam và khu vực ASEAN.
Cũng theo Đại sứ Yamada Takio chuyến thăm chính thức Việt Nam Thủ tướng Suga cũng thể hiện sự tin cậy đặc biệt về kinh tế giữa hai đất nước. Trong bài thứ 2 của loạt bài “Vun đắp hơn nữa tình hữu nghị Nhật-Việt”, VOV sẽ giới thiệu đến quý độc giả những hiệu quả và thành công cụ thể trong hợp tác kinh tế Việt-Nhật; với câu chuyện “Quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản: Hướng tới những mảnh đất tiềm năng”./.
VOV1