Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tận dụng cơ hội thị trường để xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
Mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chững lại trong tháng Chín, song nhìn tổng thể từ đầu năm, hoạt động thương mại của Việt Nam vẫn là điểm sáng của nền kinh tế khi duy trì mức xuất siêu ở mức cao.
Nhóm chủ lực vẫn duy trì “trụ đỡ”
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy trong tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ thu về khoảng 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước, song trong quý 3/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, lượng ngoại tệ thu về từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, đã đóng góp tích cực cho cán cân thương mại của cả nước.
Nhìn tổng thể bức tranh xuất khẩu qua 9 tháng, các nhóm hàng chủ lực vẫn phát huy vai trò trụ đỡ, tạo đòn bẩy cho hoạt động xuất khẩu chung. Đơn cử, nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 23 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước.
Trong nhóm hàng này, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính thu về khoảng 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác như, càphê đạt 3 tỷ USD, tăng 37,6% về trị giá xuất khẩu và tăng 13,7% về lượng so với cùng kỳ năm trước và xuất khẩu gạo tăng tới 19% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến, với mức tăng 17,4% trong 9 tháng vừa qua, nhóm này đã mang về khoảng 243 tỷ USD, chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
“Trong nhóm hàng này, xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao trên 10% như: phân bón các loại tăng 170%; hóa chất, tăng 44%; sản phẩm hóa chất tăng 33%; giày, dép các loại tăng 36,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 13,3%...," đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Ngoài ra, nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản cũng đạt tốc độ tăng trưởng tới 44,9% so với cùng kỳ năm trước, tạo đà tích cực cho xuất khẩu của toàn ngành.
Điểm qua những thị trường xuất khẩu chủ lực, có thể thấy sự tăng trưởng đều được giữ vững, trong đó, thị trường Mỹ ước đạt 86,3 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước còn xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 35,7 tỷ USD, tăng 23,8%...
Kết quả trên có sự đóng góp tích cực từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Tiêu biểu là hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA), sau hơn 2 năm đi vào thực thi, trao đổi thương mại giữa hai bên đã thu được nhiều kết quả nổi bật.
Không chỉ thể hiện về con số, theo đánh giá của các chuyên gia, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU có xu hướng mở rộng.
Bên cạnh những mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng cao như: Máy móc và thiết bị (34,8%), dệt may (41,2%), giày dép (36,2%) thì nhiều mặt hàng khác như: nông lâm thủy sản cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, trong đó mặt hàng càphê (54,4%), thủy sản (41,9%), rau quả (18%), hồ tiêu (25%), gạo (22,2%)...
“Với lợi thế lớn từ Hiệp định EVFTA và tới đây là EVIPA, Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía các đối tác EU để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và bền vững, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hoàn chỉnh bền vững, cùng có lợi với EU,” Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Xuất siêu ở mức cao
Ở chiều ngược lại, trong quý 3/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 90,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, sau 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu , trong 9 tháng vừa qua, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,9%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước (riêng nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,2%, tăng 1,4 điểm phần trăm còn nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,1%, giảm 0,1 điểm phần trăm).
Từ kết quả như trên, trong tháng 9/2022, ước xuất siêu là 1,14 tỷ USD, còn tính chung 9 tháng năm nay, cả nước xuất siêu khoảng 6,52 tỷ USD.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất-kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao. Cùng đó, việc đồng USD tăng sẽ tác động bất lợi đến nhập khẩu do hiện nay Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu.
Hơn nữa, việc chuỗi cung ứng vẫn nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu; Giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, một số ngành đang đối mặt với nguy cơ đơn hàng giảm do thủ tục hành chính còn rườm rà, hoàn thuế VAT chậm ảnh hưởng đến xoay vòng vốn, cạnh tranh lao động giữa các ngành có xu hướng tăng…
Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp, về phía Bộ Công Thương, cơ quan này đang tập trung nhiều giải pháp về thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu.
Thêm vào đó, đẩy mạnh khai thác các Hiệp định FTA đã ký kết, cũng như phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Theo đại diện Văn phòng thương mại Việt Nam tại Thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đón đầu việc Trung Quốc chuẩn bị khởi động dự án mang tính liên kết vùng “Cao nguyên Thành Đô Trùng Khánh” với quy mô thương mại hàng hóa đạt tương đương 300 tỷ USD, thương mại dịch vụ 35 tỷ USD để đẩy mạnh xuất khẩu.
Với thị trường Bulgaria, đại diện Thương vụ cho biết, tuy là thị trường “ngách” song phí vận chuyển rẻ hơn sang Tây Âu, không phải đầu tư kho ngoại quan, dư địa của thị trường này còn rất lớn, đây cũng là cơ hội giúp hàng Việt mở rộng và tiêu thụ được nhiều hơn./.
Đức Duy (Vietnam+)