Những chiến sĩ mới ra nhận nhiệm vụ trên đảo Trường Sa, bên cạnh tình yêu của gia đình, của đất liền, những món quà quê hương được gói ghém trong chiếc balo nhỏ, thì họ luôn chuẩn bị sẵn sàng tư tưởng, bản lĩnh chính trị để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đây chính là nền tảng vững chắc để những chiến sĩ trẻ vượt qua bỡ ngỡ ban đầu với cuộc sống và nhiệm vụ chiến đấu ở nơi đầu sóng ngọn gió.
Xây dựng bản lĩnh của người lính trẻ
Theo các cán bộ chỉ huy, khi mới ra đảo, các chiến sĩ trẻ có nhiều bỡ ngỡ và có thể phát sinh những vấn đề tâm lý. Qua các tổ công tác trong đơn vị, qua những kênh bạn bè, đồng đội và nắm bắt trực tiếp, cấp chỉ huy sẽ gặp gỡ, thăm hỏi các chiến sĩ nếu phát hiện những vấn đề phát sinh. Từ đó có biện pháp, phương hướng giúp các chiến sĩ an tâm công tác, xác định rõ tư tưởng để thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công, cũng như sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện.
Trung tá Tô Vĩnh Diện, Chính trị viên phó đảo Trường Sa khẳng định, yếu tố tinh thần sẽ quyết định đến bản lĩnh, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của mọi quân nhân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa Tổ quốc. Để xây dựng bản lĩnh chính trị, củng cố tư tưởng của các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, các cán bộ chỉ huy trên đảo Trường Sa đã luôn làm tốt công tác giáo dục, nâng cao ý thức, bản lĩnh và ý chí quyết tâm trong thực hiện mọi nhiệm vụ trong điều kiện còn những khó khăn nhất định.
“Với hoạt động xây dựng bản lĩnh chính trị trong đơn vị, chúng tôi đã làm tốt công tác duy trì hoạt động của “tổ 3 người - tổ tư vấn tâm lý, tình cảm”. Chúng tôi cũng thường xuyên làm công tác động viên, khen thưởng kịp thời, để qua đó nâng cao bản lĩnh, ý chí của các cán bộ chiến sĩ”, Trung tá Tô Vĩnh Diện nói.
Thực tế ngoài đảo xa, khó khăn lớn nhất chính là ở xa đất liền, liên hệ với người thân, gia đình có nhiều hạn chế. Trong các giờ nghỉ, cán bộ chiến sĩ luôn có những sân chơi, hoạt động thể thao, giao lưu văn nghệ… giúp vơi bớt nỗi nhớ gia đình, đảm bảo tư tưởng, yên tâm công tác.
Trung sĩ Đổng Phúc Lực và Trung sĩ Trung sĩ Lê Anh Tuấn đều lên đảo trong những ngày đầu năm 2024 chia sẻ rằng, khi đặt chân lên đảo điều đầu tiên là sự bỡ ngỡ, chưa biết sinh hoạt và nhiệm vụ sắp tới sẽ như thế nào. Những chiến sĩ mới đã ngay lập tức được các cấp chỉ huy quan tâm, động viên; được nhắc nhở để hiểu hơn rõ về nhiệm vụ thiêng liêng của mình trên đảo Trường Sa.
“Qua đó, bản thân tôi cũng thấy yên tâm công tác và sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Là một thanh nhiên trẻ, tôi xác định sứ mệnh của mình là giữ vững tay súng, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, đất nước”, Trung sĩ Đổng Phúc Lực nói.
Với Trung sĩ Trung sĩ Lê Anh Tuấn, được thăm Nhà Truyền thống khi vừa lên đảo Trường Sa khiến người chiến sĩ trẻ tự hào hơn với nhiệm vụ của mình: “Là chiến sĩ mới lên đảo Trường Sa từ đầu năm 2024, khi đến thăm Nhà Truyền thống trên đảo, tôi cũng thấy những hình ảnh, bằng chứng xác thực về chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Từ đó, tôi cảm nhận nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Giúp tôi thêm yêu Tổ quốc và phấn đấu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương”.
Đơn vị là gia đình
Trên quần đảo Trường Sa và đảo Trường Sa nói riêng, các mặt về đảm bảo đời sống tinh thần và cơ sở vật chất luôn được quan tâm và đến nay đã được đảm bảo tốt, từ nơi ăn nghỉ, sinh hoạt đến khu vực học tập, công tác. Các công trình nhà ở, các thiết chế văn hoá cũng được đầu tư đầy đủ. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các chỉ huy cấp trên cũng luôn quan tâm để cán bộ, chiến sĩ nhận được đầy đủ chế độ, phụ cấp.
Thiếu tá Vũ Văn Thành, Chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu 3, đảo Trường Sa cho biết, toàn đơn vị luôn xác định tất cả các cán bộ chiến sĩ đều là người một nhà. Trên cương vị chỉ huy đơn vị, Thiếu tá Thành như một người anh, một người chú luôn hỗ trợ các chiến sĩ trong quá trình công tác cũng như trong cuộc sống đời thường.
Tại đơn vị cũng tổ chức những hoạt động gặp gỡ, giao lưu để tạo sự thân thiết, gắn bó các chiến sĩ, tạo ra mối đoàn kết như một gia đình.
“Với các chiến sĩ khi ra ngoài đảo làm nhiệm vụ, trước tiên, chúng tôi sẽ thường xuyên gặp gỡ động viên. Khi bộ đội mới ra đảo, ai cũng sẽ có tâm lý nhớ nhà, nhớ người thân và đặc biệt là chưa quen với môi trường công tác ngoài đảo. Trong quá trình công tác, chúng tôi cũng thường xuyên gặp gỡ, nhắc nhở các nội dung công việc nếu thực hiện chưa đúng hay có sai phạm sẽ kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn. Trong đời sống hằng ngày từ lời ăn tiếng nói đến tác phong sinh hoạt, chỉ huy các cấp sẽ luôn phải gương mẫu và luôn sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ các cán bộ, chiến sĩ khi gặp khó khăn”, Thiếu tá Vũ Văn Thành cho biết.
Với công tác tư tưởng, không chỉ với cán bộ, chiến sĩ ra công tác ngoài đảo mà đây là công tác được chú trọng, thực hiện tại ngay các đơn vị khi ở trong bờ. Đó là bài đầu tiên trong giáo dục chính trị với các cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, với các cán bộ, chiến sĩ mới để nâng cao được bản lĩnh chính trị của mình.
Đại úy Võ Anh Tuấn, Chính trị viên Cụm chiến đấu 3, đảo Trường Sa, cho biết chính từ sự quan tâm, giúp đỡ nhỏ nhất, từ việc gắn kết tình đồng chí, đồng đội, các cán bộ chiến sĩ sẽ yêu mến đơn vị hơn và tự bản thân sẽ nâng cao được bản lĩnh chính trị.
“Chúng tôi có câu nói rất hay là “tư tưởng không thông thì vác bình tông không nổi” để muốn nói rằng, nếu không có lập trường tư tưởng thì việc nhỏ nhất là vác bình đựng nước thiết yếu sẽ không làm được và sẽ không thể nào hoàn thành được những nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, công tác này phải được làm tốt từ trong đất liền, sau đó, khi ra ngoài đảo, chúng tôi tiếp tục các biện pháp quán triệt, giáo dục từ thực tiễn đời sống hằng ngày của các chiến sĩ”.